Về Một Người Chân Chính
Ký của ĐOÀN TUẤN
Tôi cảm thấy cần phải mượn đầu đề cuốn sách của nhà văn Liên Xô Boris Nikolayevich Polevoy viết về người anh hùng để nói về ông Nguyễn Phú Trọng - Một Người Chân Chính trong thời đại chúng ta.
1. Tôi rất thân với anh Ngô Thế Oanh - một nhà văn quê gốc ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; trong kháng chiến chống Pháp, sống ở Bồng Sơn, Bình Định, sau đó tập kết ra Bắc học tại các trường học sinh miền Nam ở Hà Đông, Hải Phòng, Đông Triều. Anh Oanh học cùng lớp với ông Nguyễn Phú Trọng ở khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Anh Oanh kể, có nhiều chuyện rất thú vị về Trọng từ hồi sinh viên; bạn bè cùng khóa nhiều người biết, nhưng mình không kể ở đây. Mình muốn kể về cái đức giản dị của bạn ấy.
“Ngày bọn mình họp lớp, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đến dự. Khi ấy đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng ông đi xe máy đến, một chiếc Honda DD màu đỏ đã cũ. Không có thư ký đi cùng. Đóng góp quỹ lớp như mọi người. Khi liên hoan, như thói quen mình đứng ở cuối lớp nhìn ngắm bạn bè, những lúc như thế mình hạnh phúc lắm. Lần ấy Nguyễn Phú Trọng cầm ly bia, đến chạm cốc với mình. Trọng bảo, chúc mừng người bạn đọc sách rất tinh và kỹ nhất lớp. Tôi vẫn theo dõi những bài của anh từ ngày anh vào chiến trường (1971) đến giờ… Mình vẫn coi đó là lời khen chuẩn xác của một người bạn học!”, Ngô Thế Oanh bồi hồi.
2. Tôi có một anh bạn, tiếng Nga rất tốt. Anh từng làm công tác phiên dịch cho những cán bộ nước ta sang học tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Anh kể, trong khóa học đó, nhiều học viên thực hiện chủ trương “tiểu tu kiến thức, trung tu sức khỏe, đại tu gia đình”. Nhưng riêng học viên Nguyễn Phú Trọng dành toàn thời gian và sức lực vào công việc nghiên cứu sự nghiệp Xây dựng Đảng. Ông thường đến thư viện. Mượn sách về nhà đọc. Luận văn tốt nghiệp của ông sau này được ông phát triển thành phương châm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng là một người luôn nhất quán trong tư tưởng và hành động. Suốt đời như thế!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vợ chồng thầy giáo Lê Đức Giảng tại nhà riêng của thầy ở số 163 Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), năm 2012. Ảnh tư liệu gia đình
Tôi nhớ cuộc trò chuyện của tôi với một học giả người Nga, anh Alexander Butko, làm việc tại Viện nghiên cứu Phương Đông của Nga, từng dịch nhiều bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng sang tiếng Nga. Anh A. Butko nói: Điều mà một đảng cầm quyền cần, đó chính là tư tưởng. Người lãnh đạo của đảng cầm quyền, nhất thiết phải có tư tưởng và lý luận. Điều này tôi nhận thấy ở ông Nguyễn Phú Trọng rất rõ. Đó là một may mắn rất lớn mà không phải chính đảng nào cũng có.
3. Tôi đang ở xa Hà Nội. Anh bạn tôi, Nguyễn Mạnh Hùng, gọi điện, rủ tôi xuống Nghĩa trang Ngọc Hồi viếng đồng đội nhân ngày 27.7 và đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hôm nay mới về Hà Nội. Chúng tôi ngồi uống cà phê, nhắc đến ông Nguyễn Phú Trọng ai cũng đều cảm phục một điều. Đó là sự “ẩn mình” của ông Nguyễn Phú Trọng qua các thời kỳ mà quanh ông, ai cũng thích thể hiện năng lực “kinh bang tế thế”.
Thầy Lê Đức Giảng chụp ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2012. Ảnh tư liệu gia đình
Bạn tôi nói, ông Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, tuổi Giáp Thân. Người tuổi này luôn coi trọng việc giữ thể diện, danh dự. Họ luôn kiên nhẫn xây dựng hình ảnh mình đẹp trong mắt người khác. Tính cách người tuổi Giáp Thân khá phức tạp. Họ yêu thích sự trong sạch, bình yên nhưng nội tâm luôn biến động. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng luôn động não, suy tư. Họ là tuýp người “ngoài tĩnh trong động”. Họ có tác phong cẩn trọng, chậm rãi nhưng rất nhanh trí, phản ứng kịp thời, chuẩn xác. Họ là những người có trí tuệ sâu sắc, uyên bác nên ít khi bồng bột. Thường suy nghĩ chu đáo, kỹ lưỡng trước khi đi đến kết luận. Đó là đặc điểm của người có mệnh Thủy - Tuyền trung thủy - Nước trong giếng. Họ luôn sống vì người khác. Chỉ biết cho đi mà không nhận lại. Vì cộng đồng mà cống hiến hết mình. Người tuổi Giáp Thân thích mọi thứ của mình, quanh mình mang màu sắc trí tuệ, họ ưa sự mềm mỏng, nhẹ nhàng, đạo đức thanh cao, trong sạch, tinh khiết.
Vậy thì có thể thấy ngay ông Nguyễn Phú Trọng là một người tuổi Giáp Thân điển hình.
4. Bạn tôi rủ con trai đi viếng ông Nguyễn Phú Trọng. Khi xếp hàng vào viếng, thấy quanh mình, nhiều bạn trẻ xem điện thoại. Bạn tôi ngó qua. Ồ, thì ra các bạn trẻ đang xem về nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò... Họ đang dõi lại lịch sử cách mạng. Trước bạn tôi là một nhóm 5 - 7 người, nói giọng miền Nam. Hỏi thăm, họ nói, bay từ Cần Thơ ra Hà Nội từ sáng. Đang xếp hàng vào viếng Bác Trọng. Bạn tôi bảo, cứ tưởng người dân Nam bộ ít quan tâm đến chính trị. Nhưng hóa ra ngược lại, họ biết hết và theo dõi chính trị theo cách riêng. Phải như thế nào thì xa xôi là thế, cách trở là thế mà đồng bào miền Nam vẫn sắp xếp để ra từ biệt ông chứ…
Năm 2012, trong dịp đến thăm thầy giáo cũ tại nhà riêng số 163 Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trang trọng biếu thầy một cuốn sách với lời đề tặng: ““Kính biếu Thầy Lê Đức Giảng - người Thầy em hằng kính trọng với tất cả tấm lòng mình mấy chục năm nay” - Người học trò nhỏ của Thầy”.
Ở Việt Nam, lâu lắm rồi mới có một đám tang mà dân chúng, ai cũng muốn để tang. Cái chết của Một Người Chân Chính tạo nên bao hiệu ứng tốt đẹp và cao cả trong tâm hồn người Việt. Đó chính là sức mạnh trường tồn của dân tộc.
***
Có thể có người sẽ nghĩ hoặc nói ra rằng sao không trang trọng gọi là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Tôi nghĩ, nếu đọc kỹ sẽ hiểu vì sao tôi viết như thế. Trong đám tang cha mình, người con trai của ông không một lần nhắc đến chức danh của cha. Tôi nghĩ người đàn ông kia không cần bố anh ta nhắc, gởi gắm mới làm như thế. Cao hơn thế rất nhiều đó chính là nếp nhà. Vì vậy, với một chính khách suốt đời giản dị, cao hơn mọi chức danh, ông Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được gọi - viết - hoa - Một Người Chân Chính.
Luôn trân quý tình thầy trò
Sinh thời, chuyến công tác nào về Bình Định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tranh thủ đến thăm thầy Lê Đức Giảng. Và dù ở bất cứ cương vị nào, ngay cả khi đã là nguyên thủ quốc gia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ứng xử theo cách mà một người học trò cũ đến thăm thầy giáo mình. Có lẽ dù là ai, chức vụ nào thì đứng trước thầy, người ta vẫn rất nhỏ bé, ở tuổi xưa nay hiếm mà còn được cất giọng “Dạ thưa thầy!” thì đó là hạnh phúc không phải ai cũng có. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trân quý điều này.
“Khi đến nhà, ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị đoàn cán bộ tháp tùng, bảo vệ đứng ở xa, đủ để làm nhiệm vụ. Ông nói rất rõ “muốn vào riêng thăm thầy để có không gian tâm sự, gần gũi với thầy mình”. Thầy trò nói chuyện với nhau rất thân tình. Ông Nguyễn Phú Trọng còn tặng ông nhà tôi một tập sách, nắn nót ghi là “Người học trò nhỏ của Thầy”, cụ bà Phan Thị Cấu, vợ của thầy Lê Đức Giảng, kể.
Còn thầy Lê Đức Giảng, khi còn sống từng kể rằng: “Bước vào nhà thầy, Nguyễn Phú Trọng trở thành học trò, vẫn giữ phong thái giản dị vốn có, không khác ngày xưa. Hàng xóm của tôi thấy người lạ đến, lại có nhiều xe nên họ tập trung trước cổng nhà tôi. Thấy vậy cậu Trọng ra hỏi thăm, bắt tay từng người, tươi cười bồng những em nhỏ gần bên. Ai cũng có thể cảm nhận được tình cảm chân thực của cậu ấy. Tôi chắc chắn như vậy, mà những ai đã biết Trọng đều tin như vậy, là vì cậu ấy xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Tôi đã đến nhà cậu ấy rồi, ở mạn Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Độ về thăm trường cũ, cậu ấy cũng xin phép được mọi người gọi là học trò Nguyễn Phú Trọng và gọi toàn bộ giáo viên trong trường là thầy cô, xưng là em!”.