Nhà thơ Dạ Thy: Làm sao có thể chia tay khi đang sống trong hạnh phúc...
Nhà thơ Dạ Thy tên thật Lưu Thị Thẩm (SN1987) quê ở Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn. Chị từng in tập thơ Đừng làm đau người thương (NBX Hội Nhà văn, 2016), và gần đây nhất là tập thơ thiếu nhi Chú chuột Đô Ri (NXB Hội Nhà văn, 2024). Mới đây, chị đã tổ chức buổi ra mắt tập sách thiếu nhi ngay trên quê nhà với sự tham gia của đông đảo bạn văn, người thân và bè bạn.
Nhà thơ Dạ Thy. Ảnh:B.N
Dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng chị xoay quanh hành trình sáng tác và những duyên nợ với quê nhà.
* Tôi có duyên được đọc thơ chị từ gần mười năm trước qua kênh kết nối Facebook, thấy thơ chị thật nhiều nỗi niềm...
- Cám ơn anh, có lẽ anh đã đọc những tác phẩm buổi đầu bước vào sáng tác của tôi. Thực ra, những năm học phổ thông tôi đã yêu thích thơ văn, nhưng chỉ đơn thuần tiếp xúc với các tác phẩm ở nhà trường. Thời điểm ấy, tôi chưa từng làm thơ và cũng không có ý định làm thơ. Mãi đến năm 2016, sau một biến cố trong cuộc đời mình, tôi đã chọn thơ như một người bạn để giải tỏa cảm xúc, như nhà thơ Phùng Quán từng viết: “Có những phút ngã lòng. Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy”...
* Được biết, chị đã nhiều năm sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Hẳn ký ức quê nhà như một hành trang không thể thiếu với người xa quê?
- Đối với tôi, quê hương là một tiếng gọi thiêng liêng gieo vào lòng bao cảm xúc chứa chan. Dù có đi đâu, làm gì thì sau bao tất bật, khi được đặt chân đến ngã ba Chương Hòa của Hoài Nhơn quê tôi, lòng đã xốn xang khó tả, kiểu mừng mừng tủi tủi, như tôi từng viết rằng: “... Một ngày chẳng thiết đi đâu/ Gối lên quê hương nằm ngủ/ Lòng vui tựa mối tình đầu...”.
Có những ngày như thế- chỉ cần được sống trong không gian quê nhà, nghe mùi cọng rạ, nghe gió lùa ngọn lá dừa lao xao, tôi thấy lòng mình bình yên, đủ đầy. Tôi tự nhủ một ngày nào đó sẽ trở về quê hương để sinh sống, lập nghiệp. Và từ 2019, tôi đã quyết định về hẳn lại quê nhà Hoài Nhơn.
Buổi ra mắt sách thiếu nhi của nhà thơ Dạ Thy được tổ chức ngay tại quê nhà Hoài Nhơn với sự tham gia của đông đảo bạn văn. Ảnh: B.N
* Đừng làm đau người thương - nhan đề tập thơ đầu tay của chị dường như không chỉ là một nhắc nhở riêng mình...
- Tập thơ như một cuốn nhật ký, nó là những cảm xúc viết từ nỗi đau và nước mắt. Nó như một người bạn tâm tình cứu rỗi tôi những lúc bế tắc, những lúc khổ đau. Nó như một tự sự để trải lòng. Khi tôi viết những bài thơ đó, tôi không nghĩ là viết cho ai đọc... Đơn thuần là để tôi giải tỏa cảm xúc cho chính mình. Sau đó, có nhiều bạn bè yêu thơ động viên bảo tôi in ấn để lưu giữ như lưu giữ những ký ức, năm tháng vui buồn trong cuộc đời, đó là lý do vì sao tập thơ hình thành. Tôi cũng hy vọng, ai hữu duyên đọc được tập thơ ấy, sẽ có những đồng điệu nhất định. Và tất nhiên rồi, chẳng ai muốn làm tổn thương người thương của mình mà, phải không?
* Trong Đừng làm đau người thương, có nhiều bài thơ về quê hương, đặc biệt là về đấng sinh thành của chị với nhiều xúc động...
- Tập thơ này, tôi viết khi đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó có nhiều bài viết về tình cảm gia đình, về ba má tôi. Có những câu như: “Con là đứa sành sỏi/ Qua mấy bận yêu rồi/ Vậy mà chưa nói nổi/ Yêu Mẹ, một lần thôi”. Nhiều người ví mẹ cha như biển cả. Giờ thì tôi mới hiểu đôi chút, có lẽ, tại các con luôn là sóng trong lòng...
Tác phẩm Chú chuột Đô Ri và tập thơ Đừng làm đau người thương. Ảnh: B.N
* Cơ duyên nào khiến chị chuyển hướng sáng tác cho thiếu nhi?
- Có một ngày tôi nằm nghe một bài hát thiếu nhi, trong đó có một đoạn “...con cầm cây đàn con hát, hát cho mẹ về với con, hát cho mẹ về với con...”, thời khắc ấy tôi thấy tâm hồn trẻ thơ thật trong sáng, đáng yêu đến nhường nào. Trẻ con luôn có những niềm tin riêng, những niềm tin trong trẻo giản đơn, thánh thiện vô cùng. Từ giây phút đó, tôi muốn viết cho các con một tập thơ với những lời nhắn nhủ giản dị, trước hết là cho các con của tôi, sau nữa là đến các bé. Mong các con, các bé có một hồi ức thật đẹp để lưu giữ.
*Chị vừa có buổi ra mắt sách khá thành công, đông đảo người thân, bè bạn, thầy cô và bạn văn đến chung vui, tương tác. Cảm xúc chị như thế nào khi tổ chức buổi ra mắt ngay tại quê hương mình?
- Tôi đã suy nghĩ cân nhắc rất nhiều về việc tổ chức buổi lễ ra mắt thơ tại quê nhà, vì hiện tại tôi biết sau dịch, tất cả chúng ta còn rất nhiều khó khăn, từng ngày phải gồng mình tất bật mưu sinh, hơn nữa ở quê mình “buổi lễ ra mắt thơ” còn lạ lẫm với khá nhiều người. Tôi đã từng lo ngại những yếu tố đó sẽ làm nhạt nhẽo buổi gặp gỡ, giao lưu. Nhưng trái với sự lo lắng của tôi, buổi lễ thật sự ý nghĩa, trọn vẹn. Tôi đã rất xúc động trước tình cảm mà mọi người dành cho mình và cho tác phẩm nhỏ của tôi.
* Thật mừng vì chị được sẻ chia trên chính quê hương mình. Hành trình với thơ của chị dường như chỉ mới bắt đầu, và còn nhiều dự hướng phía trước?
- Tôi luôn là người có rất nhiều năng lượng tích cực. Tôi thích được cống hiến, thích làm mới mình. Nếu có cảm xúc tôi vẫn sẽ viết. Thơ như một người yêu, làm sao có thể chia tay khi đang sống trong hạnh phúc...
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay nhận được nhiều chia sẻ từ bạn đọc.
NGÔ PHONG (Thực hiện)