• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo
  • Báo in
  • Podcasts
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Bình Định - Đất và Người|Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Sáng tác

Viết ở sân trường

Tạp bút của PHAN HUY THÙY

Trước sân trường có hàng bằng lăng sum suê, xanh mướt. Bốn mùa, cây rợp bóng tỏa che cho học trò lúc ra chơi, hoặc khi học thể dục ngoài trời. Tháng ngày lặng lẽ, lớn cao lúc nào chẳng ai biết, cứ xanh mát dịu dàng, vui với trời xanh mây trắng, làm bạn cùng nắng gió quanh năm. Rồi mùa hè đến theo tiếng ve kêu, mùa thi đi qua, mùa chia xa sắp cận kề, buổi sớm mai này nhìn thấy hàng cây bằng lăng chợt tím, khiến lòng tôi xôn xao quá đỗi…

Nhớ lại gần hai mươi năm trước, ngôi trường bề thế khang trang được xây dựng trên khu đất mới, thay thế cho trường cũ quá xuống cấp. Niềm vui sướng như vỡ òa trong lòng thầy trò sau bao tháng ngày chờ đợi. Lúc đó, trước sân chưa một bóng cây xanh, khiến nắng hè càng thêm bỏng rát, lũ ve chẳng có chốn đi về. Phía sau đồi, may mắn là còn mấy cây me già và vườn cây bạch đàn trầm ngâm tỏa bóng. Hai thầy hiệu trưởng trước đây, giờ đã nghỉ hưu, mong muốn có khuôn viên xanh, sạch, đẹp, nên cho trồng cây để có hoa có lá. Hàng cây bằng lăng cũng từ đó mà được vun trồng, chăm bón, nâng niu.

Tranh của họa sĩ ĐỖ DUY TUẤN

Bằng lăng cảm được tình người, lặng lẽ bám sâu vào lòng đất, chắt chiu từng giọt nước dưới tầng sâu, ngày góp gom nắng gió, đêm hứng giọt sương rơi, cứ thế qua mưa nắng bão giông mà xanh lớn. Cành cây dẻo mềm, lá to, bung tỏa rộng nên khả năng cho bóng mát rất tốt. Ngày ngày, dưới tán bằng lăng, học sinh vui đùa cười nói, từng chiếc lá đậm xanh khe khẽ đung đưa như thân quen với từng giọng nói tiếng cười của bọn trẻ, như sẻ chia với những câu chuyện hờn giận vu vơ tuổi học trò.

Khi hàng phượng vĩ đỏ trời thắp lửa, từng chùm hoa rực rỡ cả một khoảng sân, thì bằng lăng kia vẫn còn dịu dàng, xanh ngăn ngắt. Trong vòm lá ấy, có chim sắt chim sâu về làm tổ, có những chú ve sầu trú ngụ rồi thỏa sức hát ca. Cho đến lúc dàn đồng ca mùa hạ thưa dần, cánh hoa phượng như đậm hơn sắc đỏ, rồi lả tả rơi sau một cơn mưa chiều mùa hạ, tôi ngỡ ngàng trước bời bời sắc tím của bằng lăng!

Hoa bằng lăng nở thành chùm, tập trung chủ yếu ở phía đầu cành, cánh mỏng và hơi nhăn, có màu tím đặc trưng. Không phải tím than trầm tối, u buồn mà là tím hồng tươi sáng, tin yêu. Lúc đầu chỉ lác đác vài cánh hoa e ấp, sau nở rộ từng chùm, trĩu quằn cả nhánh. Lúc này, nhìn từ xa giống như chiếc dù màu tím, xoa dịu bớt ánh nắng hè đang gay gắt, chói chang. Bằng lăng cho hoa cùng mùa phượng vĩ, nhưng phượng ở trên cao, xa vời, khó với. Còn bằng lăng không cao lắm, với tay là vịn được đầu cành. Lúc này, các cô cậu học trò sắp sửa chia xa, nên sắc tím của bằng lăng càng gợi nhiều nhung nhớ. Câu chuyện nào còn kể v ề nàng công chúa út, yêu màu tím, yêu chàng thư sinh nghèo hiếu học, đã hóa thân thành hoa bằng lăng đấy! Mỗi loài hoa đều gắn với một câu chuy ện ảo kỳ cho thêm phần thi vị. Nhưng đó cũng là một lý do khiến bằng lăng được trồng nhiều ở sân trường, gợi bao ý nghĩa xa xôi. Từng chùm hoa tím lãng mạn và khát khao, nhớ mong v à chung thủy, lặng lẽ và ấn tượng sẽ còn theo mãi tuổi đời hoa mộng.

Ngày bế giảng, tôi đến trường sớm hơn thường lệ. Cơn mưa giông tối qua khiến cho bao cánh hoa bằng lăng rơi rụng, vương đầy sân gạch. Cây và hoa vừa được gội rửa, những giọt mưa còn đọng trên cành lá, trên những cánh hoa, sạch bóng, sáng long lanh trong ánh nắng hè, như đang chung vui với thành tích của thầy và trò. Từng nhóm học sinh thướt tha tà áo dài trắng tinh khôi, các cô giáo thì rực rỡ áo màu, kịp lưu lại bên nhau những khuôn hình đẹp trước lúc chia xa. Những học sinh cuối cấp v ẫn còn đến trường ôn tập, cố gắng và quyết tâm hơn trong kỳ thi tốt nghiệp.

Tuổi học sinh là những tháng ngày tươi đẹp nhất. Rồi mai này, các em như cánh chim trời đủ cứng cáp để bay xa. Trên vạn nẻo đường đời bôn ba, xuôi ngược, nếu bất chợt nhìn bằng lăng tím nở trên đường phố hoặc công viên xa lạ, chắc chắn các em sẽ nhớ đến mái trường dấu yêu một thuở. Còn bây giờ, gửi lại sân trường những ký ức đẹp tươi tuổi học trò, ai kịp nói điều gì trước sắc tím bằng lăng…

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Lưng chừng em, lưng chừng ta  (10/7/2022)  
Mộc miên em  (10/7/2022)  
Giếng Làng  (10/7/2022)  
Người thương câu bả trạo  (10/7/2022)  
Đoản khúc ngày về  (3/7/2022)  
Với Thúy Kiều  (3/7/2022)  
Mời rượu  (3/7/2022)  
Trả ngọc cho em  (3/7/2022)  
Rửa bát  (3/7/2022)  
Thung lũng gió  (3/7/2022)  
TẤM GƯƠNG HCM
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
CHUYỂN  ĐỔI SỐ
Quảng cáo Báo Bình Định
Liên hệ quảng cáo
bidiphar
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 129/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 17.4.2023
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:https://baobinhdinh.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang