• Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Văn hóa - Nghệ thuật
  • Hội nhập quốc tế
  • Du lịch
  • Tòa soạn - Bạn đọc
  • Tấm gương HCM
  • Biển đảo quê hương
  • Báo in
EnglishEnglish
Quốc Hội|Quốc phòng toàn dân|Xây dựng Đảng - Chính quyền|Hội - đoàn thể
Giáo dục|Sức khỏe|Hôn nhân - Gia đình|
An ninh - Trật tự|Pháp Luật
Giải trí|Sáng tác
Bạn đọc viết|Nhịp cầu nhân ái
Sáng tác

Những thì thầm bất chợt…

Tạp bút của TRẦN VĂN THIÊN

 Đêm qua, dường như có tiếng thì thầm vọng về trong giấc ngủ. Như tiếng dòng sông Côn quê nhà khi chậm rãi uốn mình trước khi trải lòng vào đầm Thị Nại, nghe như thanh bình đột nhiên hữu hình chảy qua tâm trí.

Những thanh âm mơ hồ nhưng con vẫn nhận ra giọng nói mỏng như vạt nắng cuối chiều của mẹ. Con nghe cả tiếng hàng dương quê mình vi vút ngân nga mùa gió lộng. Giọng nói của mẹ bỗng nhấc con bay lên về cánh đồng mù sương bát ngát, trong buổi chiều tàn chiếc loa truyền thanh xã đương không lại buông vào không trung làng quê ven đầm một giai điệu cũ vàng xưa lắc. Và con thành kẻ du mục vời vợi ánh nhìn nơi chân trời ký ức, trong giấc mơ về mẹ còn in lại một dáng ngồi gió sương.

 Tranh của họa sĩ NGUYÊN TẤN VĨ

Những tiếng thì thầm đôi khi lại vang lên trong con tự nhiên như thế. Con đã đi qua nhiều vùng đất lạ, gặp buổi mờ sương lãng đãng pha ánh đèn phố thị, con liền nghĩ về đáy mắt ngầu đục của mẹ lúc yếu lòng. Gặp những vành nón mòn bạc lọt thỏm một góc chợ giữa phố, chút hình dung cho con thấy lại dáng mẹ cũng cắm cúi với những tờ tiền lẻ đượm mùi mồ hôi, cá mắm, móng tay mẹ ngả một màu vàng nâu. Mỗi lần chạy xe qua cầu, dòng sông man mác lục bình vắt ngang phố như thì thầm với con về những chạng vạng, mẹ cõng con lội sang quãng sông nước chảy, đôi khi chân tứa máu vì dẫm phải vỏ ốc, vỏ hàu… Những thì thầm dẫu là mơ hay thực, đều ăm ắp hình bóng mẹ khôn nguôi.

Con nghĩ nhiều hơn những thứ con viết. Con nhớ nhiều hơn những điều con đã gọi tên. Để lòng con nhận ra, những năm tháng tuổi trẻ này và cả mãi về sau nữa, tâm hồn con sẽ trống rỗng bao nhiêu nếu không được lấp đầy bằng những ý nghĩ về mẹ. Và gìn giữ chúng như thể gìn giữ hơi thở này trong con.

Ở nơi này những cơn mưa của mùa vẫn dùng dằng, đôi lúc nắng hiền lành nhường chỗ cho đàn mây đen sũng nước kéo về. Giọt mưa phố thì thầm với con về một ngày mưa trắng xóa bờ bãi, mọi gam màu bỗng nhòe đi, ngay cả sáng và tối cũng không còn ranh giới hữu hình. Đó là ngày mẹ cho con một hình hài, và đặt vào tiếng khóc con một sự sống. Cha đã quấn trọn quanh người con chiếc mền nhỏ, khi thấy con khóc hoài vì lạnh. Như có những đốm lửa ấm vừa được thắp lên, con đã ngủ an lành đến sáng, giấc ngủ đầu tiên của cuộc đời trong veo tựa một hồi chuông ngân.

Đôi khi con thức dậy bởi một tiếng gà xa xôi mơ hồ vọng từ tiềm thức. Bởi nhớ mẹ là khi ta nhớ tất cả những gì quẩn quanh bên mẹ. Những thứ sớm chiều đã thành quen thuộc, giản đơn và khiêm nhường, như lẽ hiển nhiên. Con tự hỏi có bao nhiêu người con trên thế gian này từng khát khao vượt thoát, kháng cự lại những trùng lặp cũ kỹ ấy? Để rồi, có bao nhiêu người con đã phải tha thiết ngoái lại khi một ngày ứa nghẹn nhận ra chúng mới chính là máu thịt, sau tất cả những đắng ngọt đã từng? Bao nhiêu người vượt gió bụi ngược về, bao nhiêu người vẫn lầm lũi xa xôi? Nhưng con vẫn tin những tiếng thì thầm vọng lên từ cố hương tựa như loài lau trắng, vốn dĩ mong manh nhưng tiềm tàng mãnh liệt, đã ghim chặt vào lòng những đứa con xa.

Ngày và đêm, sáng và tối, bao tiếng thì thầm từ sâu thẳm vẫn vang lên mỗi khi con viết. Là tiếng của ngọn gió đồng không đủ sức hong khô giọt mồ hôi đẫm bờ vai mẹ, bờ vai gồ lên ụ sần thô ráp từ một đời gánh gồng trên cát nóng, nắng nung. Tiếng mẹ cắn gạo sống khe khẽ trong đêm, những năm tháng cả nhà ta mỏi mòn lận đận, dáng mẹ ngồi cô độc tựa mảnh trăng cuối mùa. Suy cho cùng, mỗi chúng ta đều là những thực thể nhỏ bé giữa thế gian này, dẫu rạo rực đôi mươi hay tóc đã chớm bạc, thì cũng sẽ có khoảnh khắc thấy lòng chông chênh tựa ánh đèn hắt trên mặt sông vắng.

“Những lúc trái tim đã quá mỏi mệt cần nơi nương náu, cần một đốm lửa thắp lên những an lành, đừng gắng gượng, xin hãy về bên mẹ của ta”, một tiếng thì thầm vẫn thường trực trong con, như cây cầu vững chãi bắc qua dòng sông đời dài rộng…

email
email
Chia sẻ:
Images/bookmark/facebook_48.png Images/bookmark/yahoo.jpg Images/bookmark/twitter_48.png Images/bookmark/google_48.png
top
(0)
(*) Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email để Tòa soạn liên hệ khi cần thiết. Tòa soạn cảm ơn và xin tiếp thu tất cả các ý kiến mang tính xây dựng của bạn đọc.
(*)
Các tin bài khác
Màu thiên di  (16/7/2022)  
Bài thơ tháng 7  (16/7/2022)  
Ngày về  (16/7/2022)  
Con thắp lời ru  (16/7/2022)  
Viết ở sân trường  (16/7/2022)  
Lưng chừng em, lưng chừng ta  (10/7/2022)  
Mộc miên em  (10/7/2022)  
Giếng Làng  (10/7/2022)  
Người thương câu bả trạo  (10/7/2022)  
Đoản khúc ngày về  (3/7/2022)  
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG
CHUYỂN  ĐỔI SỐ
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CƠ ĐIỆN - XÂY DỰNG VÀ NÔNG LÂM TRUNG BỘ
Thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Liên hệ quảng cáo
Quảng cáo Báo Bình Định
BỘ GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI
bidiphar
Tuyển dụng công chức, viên chức
Đầu tư vào Bình Định
Công báo
 
Chính trị | Kinh tế | Xã hội | Thể thao | Pháp luật | Văn hóa - Nghệ thuật | Du lịch | Khoa học - Công nghệ | Trong nước | Thế giới | Đất nước - Con người
Góp ý - Liên hệ
Đặt Báo Bình Định làm trang chủ
Font Unicode
[ Back to top ]
Bản quyền thuộc về Báo Bình Định
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 96/GP-BTTTT của Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 25.2.2016
Tổng biên tập: TRẦN THANH HẢI
Tòa soạn: 84 Phạm Hùng, TP.Quy Nhơn
Điện thoại: 0256.3821867 - 3813573 - 3818664
E-mail:baobinhdinh1@gmail.com. Website:https://baobinhdinh.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang