Cốt cách mai xuân
Tản văn của ĐOÀN HÀO
Có lẽ hoa mai cũng có cùng tuổi với muôn loài cỏ cây khác trên trái đất này. Và cũng khó tìm ra câu trả lời chính xác rằng hoa mai đã được con người đem từ rừng sâu về bên hiên nhà để cùng đón xuân tự bao giờ? Rồi hoa mai đi vào lòng người qua những câu chuyện đầy tâm trạng của người lính chinh chiến xa nhà hành quân lạc vào rừng mai mà chợt nhớ cội mai bên hiên nhà, nhớ mẹ già, nhớ vợ con mà ngậm ngùi khe khẽ hát. Để đến bây giờ chỉ biết hoa mai là loài hoa biểu trưng cho mùa xuân đã về. Để đến bây giờ về lại An Nhơn có cảm giác như lạc vào những con đường hoa mai, những cánh đồng mai chập chùng vàng đến bất tận.
Cây lúa ngàn đời nuôi sống cư dân vùng hạ lưu con sông Côn bỗng nhiên đề huề cùng cây mai khi một dòng phù sa rẽ lối đến những làng mai. Để rồi những Háo Đức, Thanh Liêm hốt nhiên trở thành “chỉ dẫn địa lý” khắp nơi trên cả nước. Màu xanh cây lúa vui vẻ thu hẹp lại, nhường chỗ cho màu vàng hoa mai loang rộng khi hạt gạo khiêm nhường trước chia sẻ vị trí của mình với sắc vàng tươi của những đóa mai.
Gốc, dáng, chi qua sự nhào nặn của các nghệ nhân thì không cần phải bàn nữa, chỉ còn chờ nụ hoa kia biết bừng nở đúng vào thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới là người ta đua nhau chất lên hàng đoàn xe tải ngược xuôi Nam Bắc. Thì cũng vài mươi năm thôi chứ nào đâu đã nhiều nhưng danh tiếng mai vàng Bình Định đã kịp lan tỏa khắp nước, nhiều khi bâng quơ cứ nghĩ dễ chừng cũng đã quá trăm năm khi lạc bước qua thành Hoàng Đế, dừng chân dưới tháp Cánh Tiên mường tượng về một đóa mai xuân chất ngất bên trời. Thành Hoàng Đế những chiều cuối năm u tịch xưa giờ ấm những làn hương thơm thành kính dâng lên tiền nhân và những cội vàng mai thấp thoáng trên những ngõ xóm.
Quả thật có bao nhiêu người biết được cây mai đã phải gồng mình qua cái giá lạnh mùa đông để chớm xuân trút lá, kết hoa, cũng như người chủ nhân của nó phải trải qua bao nhiêu nắng, bao nhiêu sương giá mới mở ra một mùa xuân ấm áp cho muôn người. Chẳng phải một phen xương lạnh buốt/ Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương (Hoàng Bá Hy Vận). Phải chăng cũng như loài hoa mai kia, con người phải biết trải qua gian nan khó nhọc, kiên tâm vững bước trên đường đời mới mong nở được những đoá “hoa người” ngời sáng và đượm hương cho quê hương đất nước.
Khó có gì thanh tao hơn bằng việc lặng ngồi bên chậu mai vàng nâng chén rượu quê ngây ngất đón xuân và hồn người dìu dịu ngấm cả men rượu và bồng bềnh hương mai xuân thắm đượm. Mai cốt cách là đây!