Ký ức Quy Nhơn
Tản văn của TRẦN THU HÀ
Ngày mưa, tôi lang thang trong chiều ký ức. Quy Nhơn hiện ra thân thuộc quá. Tôi nhắm mắt lại và mơ về những tháng ngày thanh xuân ngập tràn hoa nắng. Bao nhiêu thương nhớ cứ thế thức dậy choán ngợp tâm hồn tôi, vỗ về tôi và tôi miên man trôi đi trong kỷ niệm của riêng mình.
Tôi nhớ mình đi trên con đường nhỏ mấp mô sỏi cát trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, một bên thấp thoáng rào hoa tim vỡ đượm sắc hồng vương. Đấy là con đường của những khúc tình ca được viết nên bởi tình yêu của tuổi sinh viên nhiều mơ mộng. Phía bên kia giảng đường là tiếng sóng biển ì ầm vỗ vào bờ cát trùng trùng phi lao và loài dứa dại. Hồi ấy, mỗi buổi tối, xong bài vở, tôi thường tắt đèn, bước ra hành lang ký túc xá, tựa vào lan can, từ tầng ba nhìn xuống cái ô vuông ngập tràn hương hoa sứ và lặng im nghe âm thanh của sóng rồi thả hồn vào gió. Tất cả vẫn nồng ấm trong tôi như vừa mới hôm qua. Tự nhiên nghe lòng rạo rực, nao nao nhớ một điều gì đó thật xa mà cũng thật gần.
Tôi nhớ lần đầu cùng bạn bè vượt dốc Mộng Cầm, vào trại phong Quy Hòa, mong tìm lại dấu xưa của người thi sĩ tài hoa nhưng có cuộc đời buồn Hàn Mặc Tử. Quy Hòa với những hàng dương xanh ngát, với những con đường nhỏ tinh tươm nhưng lặng lẽ và man mác nỗi niềm của những người không may mắn. Tuổi mười tám, đôi mươi sôi nổi là thế nhưng chẳng ai bảo ai, chúng tôi đều nhẹ bước chân vì sợ làm tổn thương những con người đang sống trong nỗi đau âm thầm đầy mặc cảm ấy. Chiều lưng nắng, chúng tôi trở về và ghé thăm mộ thi nhân trên đồi cao, giữa mênh mông cỏ lá và trong rì rào sóng vỗ. Chợt vọng lên trong cõi nhớ tôi một câu thơ đẹp, rất đẹp. Câu thơ gói gọn tài năng và số phận Hàn Mặc Tử mà Chế Lan Viên dành tặng riêng cho người bạn thơ của mình, bằng tất cả niềm kính ngưỡng sâu xa: “Biển chói lòa như thơ anh và giông bão tựa đời anh”.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Tôi nhớ đường Trần Phú rợp bóng phượng và những ly chè thập cẩm với vị ngọt thanh thấm lịm nơi đầu lưỡi. Tôi nhớ tô bún chả cá nghi ngút khói, mặn nồng vị biển. Tôi nhớ ổ bánh mì giòn tan nơi quán nhỏ, trên đường Ngô Mây với lát chả lụa to bằng ngón tay trỏ thơm lừng. Tôi nhớ cốc nước ngọt mát lạnh ở nhà hàng Phương Mai gần cuối đường Nguyễn Huệ. Tôi nhớ chén chè chuối nướng nóng hổi, thơm ngậy bên cạnh Cầu Đôi... Quy Nhơn ngày ấy không có nhiều hàng quán, sinh viên thời bao cấp thỉnh thoảng được thưởng thức những món ăn như thế đã là cả một trời mơ. Chúng tôi đã đi qua thanh xuân bằng nụ cười hồn nhiên rạng rỡ, bằng đôi chân thả bộ trên nhưng con phố nhỏ chưa bao giờ biết mỏi, bằng nỗi chờ mong tin nhà qua những lá thư tay thơm mùi giấy mực. Quy Nhơn đã giữ giùm chúng tôi hết thảy cho đến tận bây giờ.
Tôi nhớ ngày Quy Nhớn đón chúng tôi trở về, sau hàng tháng trời đi lao động ở Đồng Hào, Nam Tăng. Gương mặt đứa nào cũng nâu màu nắng gió, chỉ có tiếng cười là vẫn trong trẻo vô tư. Chúng tôi hít vội hơi gió biển mặn mòi, trở về căn phòng ký túc xá quen thuộc, vừa sắp xếp đồ đạc vừa ríu ran nhắc lại chuyện cười ra nước mắt, trong lần đầu làm người nông dân thực thụ, trên những đồng mía bạt ngàn. Quy Nhơn đã xoa dịu những cơn sốt rét ác tính, những trận sốt xuất huyết, sốt siêu vi bằng tình thương bè bạn. Và vẫn luôn là như thế, Quy Nhơn hào phóng dành tặng cho chúng tôi cả một bản giao hưởng sóng du dương giữa bầu trời đêm lộng gió, lấp lánh ánh sao.
Trong chiều ký ức tôi, Quy Nhơn còn bao nhiêu điều để nhớ, để thương, để giãi bày và để tự hào nữa. Tự hào vì, Quy Nhơn đã cho chúng tôi có một thanh xuân dịu dàng và mạnh mẽ để nuôi lớn những mơ ước xanh làm đẹp cho đời...