Bố tớ là bộ đội
*Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Dũng vẫn thường khoe thế mỗi khi bạn bè hỏi “bố cậu làm gì?”. Nó ưỡn ngực, đưa tay phải lên trán, miệng tự hô khẩu lệnh: “Chào”. Dõng dạc ra phết! Đúng là có tướng con nhà lính. Các bác trong xóm vẫn thường nói vậy khiến cu Dũng phổng mũi, gặp ai cũng chào như bộ đội.
- Bố cậu mà đứng gác thì vai đeo súng oách ơi là oách ấy nhỉ.
- Chứ lại không à. Bố tớ nghiêm lắm. Bọn giặc mà nhìn thấy bố tớ có mà chạy mất dép.
- Nhưng đang thời bình mà làm gì có giặc.
- Ấy là tớ cứ nói thế.
- Thế hằng ngày bố cậu làm gì?
- Thì bố tớ huấn luyện binh sĩ. Vượt rừng, leo núi, bắn súng, hành quân. Các cậu có xem chương trình “sao nhập ngũ” không? Đấy! Bố tớ sẽ huấn luyện như thế đấy.
- Thế cậu đã bao giờ được đến doanh trại nơi bố cậu đóng quân chưa?
- Đến rồi chứ. Nhưng mà tại lúc đấy bé quá tớ đâu có nhớ gì nhiều. Mẹ tớ sinh em bé bận bịu lắm nên mấy năm nay tớ không được xuống đơn vị bố. Nhưng mẹ hứa hôm nào mấy mẹ con tớ sẽ đi thăm đơn vị bố đấy.
- Thích nhỉ.
- Chứ sao!
Thật ra đơn vị bố cậu chỉ cách nhà mấy chục cây số. Những hôm không phải trực bố vẫn về nhà. Về nhà, cởi quân phục ra bố cũng giống với những người đàn ông khác. Bố trồng rau, giặt đồ, rửa bát, quét nhà. Thỉnh thoảng bị mẹ càu nhàu chuyện gì đó bố cũng chỉ gãi đầu cười hiền khô. Dũng nghĩ bộ đội phải nghiêm khắc, kỷ luật, oai phong lẫm liệt và tất nhiên không ai có thể càu nhàu bộ đội được, kể cả vợ! Thế nên không ít lúc nó nghiêm túc phê bình bố:
- Sao bố cứ để mẹ nhờn thế nhỉ. Bố phải nghiêm vào…
Nhưng lần nào cũng thế, không chỉ mẹ mà cả bố cũng phá lên cười ngặt nghẽo. Mẹ còn dúi trán Dũng một cái, lườm yêu bảo:
- Bố anh chứ. Nhà mình không phải là doanh trại bộ đội.
- Ông con trai của tôi ơi! Bố mà “thiết quân luật” với mẹ thì đã chẳng có cu Dũng béo bây giờ.
Tranh của họa sĩ LÊ THANH TRỪ
Dũng nhún vai chẳng buồn nói gì, thật chẳng ra thể thống gì hết, bộ đội mà để vợ la mắng xơi xơi… Nhưng nói gì thì nói nó vẫn luôn hình dung bố với bộ quân phục thẳng nếp oai phong trước hàng trăm chú bộ đội. Chao ôi! Thế mới xứng với niềm tự hào của Dũng chứ. Lần nào đi qua chỗ treo quân phục của bố trong phòng, thằng bé đều đứng nghiêm, giơ tay chào kiểu nhà binh. Thỉnh thoảng mượn được bố chiếc mũ cối gắn sao, Dũng thường đứng trước gương tập điều lệnh đội ngũ: Nghiêm, nghỉ, quay trái, quay phải, đi đều, đứng lại, đổi chân, giậm chân. Trông cứ oách oách là. Tất nhiên chẳng cần hỏi ai cũng biết ước mơ của Dũng là gì.
- Con muốn sau này lớn lên cũng được vào quân ngũ. Con sẽ trở thành chú bộ đội y như bố vậy.
- Bố trông con trai cũng ra dáng chú bộ đội lắm rồi. Chỉ cần con chăm ngoan, học giỏi.
Tưởng chuyện gì chứ học thì Dũng chăm chỉ lắm. Trong các môn, Dũng thích nhất là môn lịch sử. Từ lúc còn bé Dũng đã thích xem các phim hoạt hình lịch sử Việt Nam. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân như thế nào? Lê Lai cứu chúa ra làm sao? Ba trận thủy chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng kể hoài không chán. Mỗi lần chơi trận giả ngoài bụi tre đầu làng, thằng nhỏ thường miệng hí ngựa, chân thúc ngựa, tay cầm gươm bằng bẹ chuối miêu tả lại cảnh đại quân của vua Quang Trung tiến nhanh như thần tốc tiêu diệt các đồn của địch. Có hôm người làng đi qua thấy cu Dũng đứng trên mô đất, xung quanh nó tụi nhỏ đứng thành hàng giơ súng bẹ chuối hô: “Quỳ xuống!”. Cu Dũng đứng thẳng ưỡn ngực quát lên: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”. Hóa ra là chúng đang dựng lại cảnh chị Võ Thị Sáu hiên ngang trước họng súng quân thù.
“Cái thằng, thế mà giỏi. Cứ hỏi về các anh hùng lịch sử là nó kể vanh vách”. Người làng vẫn thường hay nói vậy khi nhắc về cu Dũng. Nhanh thật, mới đó mà thằng nhỏ đã học lớp ba. Nó giống bố đen khỏe, người chắc nịch. Chuyện! Đi học thì thôi, chứ cứ ở nhà là nó chạy đùa huỳnh huỵch ngoài ngõ. Mỗi lần bị mẹ mắng tội chạy chơi ngoài nắng là nó lại dõng dạc hô vang:
- Rèn luyện thân thể. Xây dựng quân đội. Rèn luyện thân thể. Bảo vệ Tổ quốc.
- Bố anh! Giống ai không biết.
- Thì con giống bố chứ giống ai. Thế hôm nào mẹ mới cho con lên đơn vị thăm bố ạ?
- À thì… cuối tuần này.
Một tuần dài ơi là dài cuối cùng cũng đã đến ngày hẹn. Hôm nay bố phải ở lại trực nên mấy mẹ con tự đưa nhau xuống thăm đơn vị bố. Bé Bống lên xe là ngủ một giấc trong tay mẹ. Riêng cu Dũng háo hức quá nên mắt cứ dán vào cửa kính xe, mới đi được một tí mà đã nóng ruột hỏi bác tài “sao lâu thế ạ?”. Xe dừng trước cổng doanh trại, cu Dũng bước xuống xe ngước mắt đọc dòng chữ to tướng treo trên cổng: “Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam”. Chao ôi! Cổng doanh trại sao mà to thế. Phía bên trên treo huy hiệu quân đội cũng thật là to đẹp. Còn chưa hết choáng ngợp, lúc cúi xuống cu Dũng đã bắt gặp ngay chú bộ đội đang đứng gác. Ngay lập tức cu cậu đứng nghiêm, giơ tay chào. Được chú bộ đội chào lại cu cậu khoái lắm, lâng lâng ở trong lòng.
Trên suốt đoạn đường từ cổng doanh trại đi vào, đầu óc cu Dũng mường tượng ra cảnh bố mình đang huấn luyện oách lắm. Hô “nghiêm” một cái là đến cả cái cây cũng im lặng đứng nghiêm. Ấy thế mà đập vào mắt thằng nhỏ là hình ảnh người bố “vĩ đại” của nó hai chân quần xắn cao, chui ra từ chuồng lợn. Thấy mấy mẹ con nó, bố mừng rỡ reo lên định chạy lại ôm lấy bé Bống. Chợt bố khựng lại, giơ hai bàn tay lên bảo:
- Để bố đi rửa tay đã nhé. Bố vừa vào thăm chuồng trại tay toàn mùi phân lợn đây này.
- Sao bố lại chui vào chuồng lợn làm gì?
- Thì đấy là công việc hằng ngày, bộ đội phải tăng gia sản xuất sau giờ chỉ huy, huấn luyện. Con nhìn xem, các chú bộ đội mỗi người mỗi việc. Người đi chợ, người nấu ăn. Người hót phân bón cây, người trồng rau, nuôi lợn.
- Nhưng bố là sĩ quan chỉ huy cơ mà.
- Chỉ huy cũng phải làm việc chứ. Bố phải miệng nói tay làm, thực hành ngay tại chỗ thì các chiến sĩ mới dễ nắm bắt chứ con. Thôi nào, để bố đi rửa tay chân rồi dẫn mấy mẹ con đi tham quan vòng quanh đơn vị.
Bố nói rồi vui vẻ quay đi mà đâu biết trái tim thằng nhỏ như vỡ vụn. Kể từ lúc ấy cu cậu cứ ngồi lì một chỗ chẳng thiết vui chơi. Như hiểu được tâm tình của Dũng, bố nhẹ nhàng đến bên an ủi:
- Sao trông con buồn vậy? Thế mà bố cứ tưởng được vào thăm đơn vị bố con sẽ rất vui.
- Bộ đội chứ đâu phải bác nông dân đâu mà bốc phân, chăn lợn.
Nghe ông tướng con lẩm bẩm trong miệng, bố phì cười:
- Nếu con chỉ thích nhìn thấy bố lúc cầm súng oai phong, thì chưa hẳn là con yêu bộ đội. Khi mình yêu một ai đó là sẽ yêu tất cả mọi thứ thuộc về họ. Hơn nữa bây giờ là thời bình, có giặc đâu mà bộ đội cứ cầm súng suốt ngày. Con ham đọc sách sử mà không nghe nói đến chính sách “ngụ binh ư nông” đời nhà Trần ư? Bộ đội cũng phải lao động sản xuất như các bác nông dân, để làm gì con biết không?
- Thì chắc là để có thực phẩm sạch ăn. Như cách mẹ vẫn trồng rau sạch vì sợ đi mua ngoài chợ nhiều thuốc trừ sâu ạ.
- Con giỏi quá. Con nói đúng nhưng chưa đủ. Tăng gia sản xuất trong quân đội không chỉ để cải thiện đời sống, mà còn giúp chiến sĩ trẻ rèn luyện ý thức, khắc phục khó khăn, tinh thần đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng gia sản xuất chính là để “nuôi quân khỏe, huấn luyện giỏi”. Nói chung là nuôi lợn hay bốc đất trồng cây cũng đều là rèn luyện thể lực, là nhiệm vụ đấy. Không nuôi quân khỏe thì có giặc làm sao mà có sức vác súng, đúng không nào?
Cu cậu ngước lên nhìn bố, nhoẻn miệng cười, xem chừng đã hiểu. Bố dẫn cu cậu đi xem bộ đội không chỉ huấn luyện giỏi mà trồng rau, nuôi gà cũng giỏi. Thằng nhỏ được bố cho đi thu hoạch rau và nhặt trứng gà. Cà chua chín mọng, sai lúc lỉu từng chùm. Vườn bắp cải, súp lơ tươi xanh trải dài tít tắp. Trứng gà thì nhặt đầy cả mấy rổ, quả nào quả nấy to tròn nhìn thích mắt. Nhặt trứng chán thì xuống ao xem các chú bộ đội bắt cá. Một mẻ lưới cất lên, những con cá chim trắng to như cái đĩa thi nhau nhảy lên nhìn đến là thích mắt. Cu Dũng còn đang mải giúp các chú nhặt cá cho vào thùng thì bỗng nghe ai đó gọi tên:
- Chào anh bạn nhỏ. Cháu có muốn theo chú xem bộ đội bán rau, bán trứng không nào?
Thằng nhỏ tròn xoe mắt ngạc nhiên, nó như muốn hỏi “bộ đội cũng đi chợ cơ à?”. Bố nhấc bổng nó đặt ngồi sau yên xe của chú Khánh. Hai bên xe là đôi sọt đựng đầy rau xanh và trứng gà được lót rơm cẩn thận. Rau thì được chở ra ngoài cổng doanh trại, để gọn vào một góc, có chú bộ đội ngồi bán. Trứng thì chú Khánh chở đi giao cho các quán ăn, tiệm tạp hóa trong vùng. Ngồi sau xe, cu cậu còn được nghe biết bao nhiêu chuyện vui về người lính. Hóa ra chú Khánh cũng giống bố hài hước và tếu táo.
Trưa đó cả nhà cu Dũng được ăn cơm bộ đội. Có rau, có cá, có trứng rán vàng thơm. Chao ôi là ngon, cu cậu chén liền tù tì ba bát. Ăn no căng bụng cũng là lúc cu cậu nhận ra bộ đội cầm súng hay cầm cuốc trồng rau, cầm đũa nấu cơm cũng đều oai như nhau cả. Ngày mai đến lớp thằng nhỏ sẽ kể cho cả lớp nghe về trải nghiệm đi thăm doanh trại lần này. Chắc là tụi bạn ghen tị lắm…