Mùa ớt đắng
Tạp bút của NGUYỄN LAN QUY
Quê tôi ở Phù Cát. Mùa ớt quê tôi lắm nỗi nhọc nhằn. Nhiều giọt mồ hôi đã đổ xuống, cùng những lo toan tính toán về tiền giống, tiền phân, tiền cày, tiền công, tiền thuốc bảo vệ thực vật. Trải qua bao ngày mưa bão, trái ớt quê tôi lại đối mặt với buồn vui giá cả thị trường. Có niềm vui có nước mắt có cả những đắng cay chát chúa mà người làm nông hay gặp phải. Cho đến khi buông cái cuốc, cái rựa ra, ngồi xuống uống miếng nước, ngó thảnh thơi đó nhưng vẫn chưa biết thắng thua thế nào.
Thằng bạn chăn trâu của tôi năm nào cũng trồng ớt, năm nào cũng năm ăn năm thua. Biết là khó nhưng vẫn làm. Không làm người ta làm hên được mùa được giá, mình không có bán tiếc lắm. Nhưng cuộc sống bây giờ là thế! Làm nông lắm khi là một ván bài to, tiếng bạc nghe thì không lớn nhưng nhiều khi thua một vụ mất đến mấy vụ liền may ra mới gỡ lại được, cái rủi khá nhiều. Quê tôi vừa đi qua một mùa ớt đắng. Ớt thì cay chứ, rành là thế rồi. Nhưng nói như thế - ớt đắng - giờ cũng không khiến ai lạ lẫm mà hỏi lại, ngay cả dân trong phố xá, ngay giữa nội thành Quy Nhơn cũng không lấy làm lạ. Chừng như đến cả chuyện ớt có vị đắng, cũng không đủ làm người ta bớt chai sạn mà xôn xao đôi chút!
Tranh của họa sĩ BÙI MẠNH
Trồng ớt gian truân lắm. Cây ớt vốn mẫn cảm với biến động thời tiết, mưa nhiều độ ẩm cao là sinh bệnh. Các bệnh thán thư, nấm gốc, chết yểu… cứ thường trực, cứ như chờ sẵn đâu đó không xa ruộng ớt. Những năm được giá thì mất mùa, có những khi được mùa nhưng hàng hóa chỉ tiêu thụ nội địa, thị trường Trung Quốc khép nhu cầu, không nhận hàng nữa, khi đó đúng là nước mắt chan cơm!
Trồng vài cây ớt ăn chơi thì dễ không. Nhưng trồng sào này mẫu nọ thì thiên nan vạn nan. Từ khâu chọn giống cho phù hợp với chân đất tới cách chọn đất ương cây để tiện xử lý đất, vô bầu mang đi… hết thảy đều phải tính toán chi ly cả. Không ai dám bỏ vốn ra trồng cả sào ớt mà khơi khơi tới đâu hay tới đó. Làm vậy lỗ chỏng cù quèo ngay. Phải làm sao để tránh mầm bệnh từ lúc còn là cây con. Bạn phải sửa soạn cày bừa đám đất chuẩn bị trồng ớt của bạn thật kỹ. Cày ải rồi cày trở, trước khi cày trở còn phải xử lý đất bằng vôi bột, hoặc một vài loại hóa chất diệt nấm. Bạn phải vun giồng bón lót cho đất, sẵn sàng hệ thống tưới tiêu cho thuận, phủ bạt chuyên dụng cho cây trồng để tránh cỏ dại chiếm dụng độ màu của đất. Đến mật độ dày thưa cũng phải tính. Thưa quá thì ít bệnh nhưng giảm sản lượng, dày quá thì dễ dư ẩm, nấm bệnh phát sinh.
Trồng cây ớt xuống xong, chừng một tuần sau cây bắt đầu bén rễ là phải bơm thuốc trừ sâu, rầy, bọ trĩ... rồi thì thuốc trừ bệnh, thuốc trợ lực tăng sức. Chịu tác động xấu từ con người, đất đai ngày càng bạc, dễ thấy nhất là đất cứng quèo, khô rốc. Những người nhiều chữ, thuộc ngạn ngữ, phương ngữ hay xỉa xói, “cầm dao mà chặt chưn mình”. Tất nhiên là không sai. Nhưng sức ép tiền của, vốn liếng, thu hoạch, sản lượng lừng lững đè lên người nông dân. Biết là làm theo phương pháp sạch sẽ, an toàn, thân thiện với môi trường thì tốt, chất lượng sản phẩm sẽ cao. Nhưng đâu phải làm rồi được ngay đâu. Hơn nữa một hai nhà làm thì không ăn thua, phải năm bảy chục hộ liền khoảnh thì may ra… Cũng phải vài ba mùa rồi mới ổn, dăm bảy vụ mới có thu hoạch đủ nhiều để nghĩ đến chuyện có lãi. Từ lúc bắt đầu đến lúc có lãi, nào có ai đứng ra để người trồng ớt dựa lưng lấy thế đâu…
Trong vòng xoáy thuốc và thuốc để trái ớt mọng tươi, đẹp mắt, người nông dân đang bào sức khỏe và thậm chí là sinh mạng của mình từng ngày. Để ngừa bệnh cho cây trồng thì phải phun thuốc bảo vệ. Phun nhiều, phun không đúng liều thì dễ bị kháng, lượng tồn dư thuốc vượt quá quy định là điều không tránh khỏi. Sáng phun chiều gặp lúc được giá là hái luôn. Ớt độc đã đành mà người lội trong ruộng để hái cũng chẳng an toàn.
Trồng ớt sợ nhất là mùa mưa. Đêm ngủ không trọn giấc vì nỗi lo đám ớt nhà mình ngã cây, gãy cành, rụng trái. Đêm nằm nghe mưa rơi, nghe gió thổi ầm ầm qua nóc nhà mà thót cả ruột. Sáng ra nhìn thấy những quả ớt xanh non rụng ngổn ngang, la liệt mà lòng đau điếng. Nhưng những cơn mưa giữa mùa khô hanh cũng đáng sợ không kém. Rầy rệp hoành hành, sâu bệnh tùa lua, cây ớt rất dễ chết nhanh trong kiểu thời tiết đó. Khó khăn dồn dập lên vai người trồng ớt. Có năm giá ớt lên cao niềm vui tràn ngập khắp mọi nẻo đường, khắp mọi nhà, hiện lên trên từng gương mặt. Nhưng nên nhớ ngay cả những khi được giá, giá tốt thì không phải chúng cứ kéo dài hết tuần này sang tháng nọ… Ngày vui ngắn lắm, nhưng lại gieo hy vọng rất mạnh, nó khiến người ta ùn ùn trồng ớt và lại chính mình dắt nhau vào lốc xoáy bão hòa.
Nỗi niềm về một vụ ớt đắng dù gì cũng đã nguôi nguôi. Thì rồi cũng phải đến một lúc nào đó phải quên đi để mà đi tới chứ…