Đợi Tết
Tạp bút của LÊ NAM
Vừa về tới nhà, vợ khoe mua được “ra” trải giường mới và bảo “để đến Tết dùng”. Chỉ là câu nói bâng quơ, không dưng khiến tôi giật mình nhớ về ngày ấu thơ, ngày với lũ trẻ con Tết là tất cả. Gần hết năm rồi…
Bọn trẻ bây giờ có lẽ rất khó cảm nhận được cách mà “tiền nhân” của chúng chờ mong Tết về. Thời đó, câu nói “để đến Tết” hầu như rất quen thuộc đối với rất nhiều gia đình Việt trong thời bao cấp. Buổi kinh tế còn khó khăn, thì mọi thứ đều dồn lại “để đến Tết” cho Tết được đủ đầy, tươm tất.
Tết không chỉ là ngày vui ngày hội lớn, thậm chí không phải là niềm vui sướng râm ran trong lòng khi nhận được phong bao mừng tuổi. Tết ấy à, chính là dịp được bổ sung quần áo mới, được “cấp phát” giày dép mới… Mua sắm hoàn toàn không hề dễ dàng nên hết thảy thường được gom lại vào dịp Tết. Có như vậy bố mẹ chúng tôi mới có thể cùng một lúc đáp ứng được ít nhất hai nhu cầu: Sắm đồ mới để thay đồ cũ và sắm Tết.
Nhưng đã hết đâu. Chính vì gom lại chờ Tết nên lũ chúng tôi từ trước Tết rất lâu đã túm tụm kháo với nhau năm nay mình sẽ có cái gì, hoặc dự báo mình sẽ được sắm cái gì, chia sẻ ước vọng sẽ được bố mẹ sắm cho thứ mình chờ mong nhất. Rồi thì chầu hẫu bên mẹ, bên chị cạnh những nồi rim, nồi mứt chờ được cấu véo những phần rẻo, cạy đáy xoong nồi rim…
Tôi cũng không quên cảm giác hồi hộp khi chờ mẹ nhấc nắp khuôn bánh thuẫn lên. Bánh nở đều mới đẹp, nhưng bọn trẻ chúng tôi thầm mong bánh không nở, đầu tròn ũm, lì nhẵn như đầu ông sư. Những chiếc bánh hỏng như thế mẹ, chị sẽ cho chúng tôi xử lý ngay. Ôi, bánh mới ra lò nóng hổi, kích thích những chiếc bụng đói và luôn thòm thèm của anh em chúng tôi ngày ấy.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Ngày đó, ít ai mua bánh mứt sẵn có, mà tất cả đều tự làm ở nhà. Mùi bột, mùi vani, mùi dầu chuối, mùi nước đường đang sên... thơm lừng. Rồi thì mứt me chua chua ngọt ngọt, mứt gừng nồng nàn cay thơm, mứt dừa dịu dàng béo. Bánh in có vị bùi của nếp, vị dẻo thơm của nhân đậu, thấm vị ngọt thanh của đường… Chỉ nghĩ về ngày cũ không thôi cả đến giờ khi tóc đã pha sương vẫn thấy thật tuyệt vời.
Còn gì nữa nhỉ, chúng tôi quây quần bên nhau, cuộn tròn lại bên nồi bánh chưng, bánh tét. Còn gì nữa nhỉ, Tết là những ngày được ăn ngon, được thỏa thích đi chơi mà không phải canh cánh lo vì mải chơi mà bị ăn đòn. Chúng tôi vui Tết và có cả ăn Tết, thật thà là như thế!
Như thế gọi Tết là tất cả của bọn trẻ thì có gì là quá đâu, phải không!
Vậy là thấm thoắt một năm nữa sắp qua đi. 365 ngày cặm cụi làm việc để tổ ấm của mình được ấm no thật sự, còn gì sung sướng bằng. Bây giờ mức sống đã khá hơn xưa nhiều, phần nhiều đều có thể rộng tay mua quần áo, giày dép cho con cháu bất kể lúc nào trong năm. Cùng với đó nhiều người cũng không còn đủ thời gian để làm bánh, làm mứt, làm rim… như mẹ chị xưa kia, tất cả cùng ra chợ, vào siêu thị. Không phải chỉ người lớn, cả bọn trẻ cũng bớt đi niềm háo hức chờ mong Tết về. Cũng không khó lý giải bởi thỏa mãn chuyện ăn Tết nó dễ, làm sao để vui mới khó.
Càng nghĩ về chuyện vui Tết, hình ảnh Tết thơ ấu cứ chầm chậm hiện về lừng lững. Đó là hình ảnh ba chở anh em chúng tôi trên chiếc xe Honda cũ về quê chạp mả hay hình ảnh cả nhà quây quần gói - nấu bánh chưng, bánh tét, làm mâm cơm chiều cuối năm dâng cúng ông bà, tổ tiên. Và tôi mim mỉm cười mình tôi khi mường tượng ra hình ảnh bọn trẻ lấp ló đầu phòng khách khi có người ghé chúc Tết để mong nhận tiền mừng tuổi.
Mới đó, mà gần 40 năm loang loáng nhanh như bóng nắng ngoài thềm. Thoảng qua mà đã chiều rồi.
Bây giờ, câu nói “để đến Tết” thảng hoặc mới được nghe. Không phải chỉ vì mức sống đã khá hơn vì mọi thứ đều đã đổi thay quá nhiều. Thì đến cả khí hậu còn biến đổi nữa là Tết. Ai đó thường trách Tết giờ không còn vui nữa, không còn thú vị hay đáng để mong chờ như ngày xưa. Tôi thầm nghĩ, dù cuộc sống bao đổi thay nhưng ngày Tết trong lòng mỗi người Việt vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. Tết là dịp đoàn tụ gia đình, là lúc mọi người tạm quên hết những vất vả lo toan để mong chờ và hy vọng cho một năm mới tươi sáng hơn. Tết là yêu thương. Tết là trái tim chạm vào thanh xuân và hy vọng. Tết không thay đổi mà chính chúng ta là người đang đổi thay. Và tôi, tôi vẫn thầm thích chuẩn bị tươm tất mọi thứ để đón Tết. Bởi Tết không thể như bất kỳ ngày nào, dịp nào trong năm. Tôi nghĩ cũng không ít người như tôi. Thì ai chẳng muốn làm một vài động tác hữu hình lật cuộc đời mình sang một trang mới, tinh khôi hơn.
Chỉ ít ngày nữa thôi, Quy Nhơn sẽ bước vào những ngày giáp Tết. Thành phố của tôi bừng lên sức sống đón chào một mùa xuân mới, mùa xuân của hy vọng và thành công. Mùa xuân của bắt đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tôi muốn lật trang mới năm 2025 của mình như vậy.