Ngăn ngừa sự cố trên hệ thống lưới điện với SCADA
Bên cạnh chú trọng đầu tư các công trình điện, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh (PC Bình Ðịnh) không ngừng số hóa trong công tác quản lý, vận hành lưới điện, xây dựng trung tâm điều khiển từ xa và các trạm biến áp không người trực, nổi bật là đã xây dựng và phát huy tốt hệ thống giám sát, lưu trữ và điều khiển (SCADA).
Những năm gần đây, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng được đầu tư mở rộng quy mô, có thêm nhiều công trình. Công tác quản lý, vận hành hệ thống nguồn và lưới điện ngày càng đạt độ chính xác cao hơn; việc giám sát, lưu trữ và điều khiển lưới điện cũng chi tiết hơn. Từ tháng 7.2020, PC Bình Định đã kết nối hệ thống SCADA với trung tâm điều hành SCADA của Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Ông Thái Văn Trương, Phó Giám đốc PC Bình Định, cho hay: Điều này giúp quá trình vận hành, xử lý, ngăn ngừa sự cố trên hệ thống lưới điện hiệu quả hơn nhiều so với cách quản lý vận hành truyền thống trước đây.
Điều độ viên Trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định theo dõi tình hình vận hành lưới điện qua hệ thống máy tính. Ảnh: Đ. PHƯƠNG
PC Bình Định đưa vào vận hành hệ thống SCADA từ tháng 7.2016, quy mô ban đầu là điều khiển, giám sát 5 trạm biến áp 110 kV: Tam Quan, Long Mỹ, Nhơn Hội, Phước Sơn và Nhơn Tân. Đến nay, hệ thống SCADA đã kết nối toàn bộ 14 trạm biến áp 110 kV không người trực vào hệ thống SCADA và hơn 150 thiết bị phân đoạn được điều khiển từ xa; kết nối giám sát, điều khiển đến 12 nhà máy điện (6 nhà máy thủy điện, 3 nhà máy điện mặt trời, 3 nhà máy điện gió); hơn 300 thiết bị đóng cắt (recloser, LBS) trên lưới điện 22 kV… Có thể nói, gần như toàn bộ dữ liệu của các trạm biến áp, lưới điện đã được số hóa và cập nhật liên tục theo thời gian thực trên hệ thống máy tính. Điều độ viên chỉ cần theo dõi qua hệ thống máy tính là có thể biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý.
Từ khi hệ thống SCADA “phủ sóng”, việc nhận biết các sự cố xảy ra dễ dàng hơn thông qua dữ liệu từ các trạm biến áp, lưới điện đã được lưu trữ trên hệ thống. Đối với lưới điện 110 kV, tính từ đầu năm 2021 đến nay, không xảy ra sự cố nào tại các trạm biến áp 110 kV. Có 2 sự cố đường dây thoáng qua được phát hiện kịp thời, cụ thể: Ngày 22.6.2021, giông sét đánh vào vị trí 47MK đường dây 110 kV Phù Mỹ - Mỹ Thành gây phóng điện; ngày 19.9.2021, mưa lớn kèm giông sét đánh vào chuỗi cách điện đỡ pha vị trí 128 đường dây 110 kV Vĩnh Sơn - Hoài Nhơn. Có 1 sự cố đường dây kéo dài vào ngày 3.6.2021, gió lốc làm mái tôn bay vướng vào dây dẫn pha gây phóng điện trên đường dây 110 kV Đồng Phó - Ken Lút Hạ.
Về sự cố lưới điện trung, hạ thế, trong năm 2021 đã xảy ra 368 vụ sự cố, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020. Sự cố điển hình chủ yếu do giông sét 126 vụ, hành lang 83 vụ, động vật tác động 46 vụ và một số nguyên nhân khác.
Đáng chú ý là tất cả đều được phát hiện ngay, khắc phục kịp thời, ngay cả những sự cố không có hậu quả cũng được ghi nhận để đưa vào cơ sở dữ liệu.
Lúc chưa có hệ thống SCADA, khi lưới điện xảy ra sự cố, nhân viên kỹ thuật phải thông qua phản ánh của khách hàng hoặc phải dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, sau đó mới đưa ra phương án sửa chữa. Các sự cố thoáng qua, đơn vị quản lý, vận hành khó nhận biết đã xảy ra. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ sự cố sẽ gây hậu quả nặng nề hơn. “Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết xấu như mưa, bão, lũ lụt, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác đóng cắt điện từ xa là biện pháp hiệu quả, đảm bảo an toàn cho công nhân và thiết bị”, ông Lê Ngọc Phong, điều độ viên Trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định, cho hay.
Việc điều khiển từ xa đã giúp cho thao tác các thiết bị trên lưới điện chính xác, nhanh chóng, giảm thời gian xử lý sự cố, nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng. Đồng thời giúp ngành điện tiết kiệm được thời gian, chi phí, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy. Đây cũng là mục tiêu mà ngành điện luôn nỗ lực thực hiện để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
ĐÌNH PHƯƠNG