Tiểu thương làm quen với bán hàng trực tuyến
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh bán lẻ, đặc biệt là tại các chợ, trung tâm thương mại, Sở Công Thương vừa tổ chức tập huấn ứng dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và livestream bán hàng cho tiểu thương trong tỉnh.
Chia sẻ cùng các tiểu thương về tình hình sức mua tại chợ truyền thống đang ngày càng ảm đạm, ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhấn mạnh: Các tiểu thương cần nhận thức tầm quan trọng của thương mại điện tử, sớm chuyển đổi cách thức bán hàng để có thể vực dậy hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đó, cần thay đổi cách thức chăm sóc khách hàng theo hướng chủ động, xây dựng cửa hàng trực tuyến, triển khai xây dựng kênh bán hàng online, quảng bá sản phẩm đến khách hàng rộng rãi hơn trên nhiều nền tảng, xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng thông qua việc trả lời tin nhắn, giải đáp thắc mắc nhanh chóng và nắm bắt nhanh chóng xu hướng, thị hiếu của người dùng.
Chuyên gia hướng dẫn tiểu thương cách quay video và lồng ghép kể chuyện để thu hút người xem. Ảnh: K.VY
Kỳ vọng việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử có hiệu quả, chị Hồ Thị Hồng Hoa, tiểu thương tại chợ Đầm (TP Quy Nhơn), đã đưa hàng hóa lên Shopee để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Chị Hoa chia sẻ: Việc bán hàng tại chợ lâu nay đã khó khăn, việc bán hàng trên Shopee cũng không dễ vì cạnh tranh rất gay gắt. Việc livestream bán hàng tôi có nghĩ tới, nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu.
Cho rằng việc bán hàng livestream đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là thành thạo công nghệ, thiết bị, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, chủ cơ sở sản xuất bánh hồng, kẹo mè xửng Bà Điền (phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn), cùng suy nghĩ: Lâu nay tôi cũng muốn đưa các sản phẩm của mình lên sàn điện tử và livestream để bán hàng thuận lợi hơn, nhiều người biết đến hơn, nhưng có lẽ con cháu mình làm sẽ tốt hơn.
Trước lo ngại của các chủ DN, hộ kinh doanh, tiểu thương, ThS. Phạm Trần Hồng Diễm, đồng sáng lập Công ty Sự kiện và Truyền thông Galaxy - Dự án giáo dục theCÂY (TP Đà Nẵng), trấn an: Bà con tiểu thương, chủ các cơ sở kinh doanh… là những người có kinh nghiệm bán hàng, chăm sóc khách hàng và hiểu rõ sản phẩm của mình, biết cách giới thiệu sao để phù hợp với khách hàng nhất. Hơn nữa lợi thế rất lớn của bà con là kinh nghiệm nhiều năm buôn bán, giao tiếp với khách hàng; nhờ đó bà con có thể trao đổi, hướng dẫn, tư vấn khách hàng tốt nhất. Tôi nghĩ, bà con tiểu thương cần mạnh dạn sử dụng phương thức bán hàng mới, thêm thời gian thực hành chia sẻ, kể chuyện về sản phẩm một cách chân thực qua việc tổ chức buổi livestream để đưa sản phẩm đến khách hàng ở xa. Việc livestream sẽ giúp có thêm kênh tương tác với khách hàng thân quen và tiếp cận với khách hàng mới. Qua đó, trong một khoảng thời gian cùng online, tất cả khách hàng đang theo dõi sẽ tiếp cận cùng một thông điệp mà người bán đưa ra, việc bán hàng sẽ có hiệu quả hơn.
Chị Đinh Thái Quỳnh Như, chủ hộ kinh doanh yến sào Như Văn (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước), bày tỏ: Qua những chia sẻ của chuyên gia, tôi học thêm cách xây dựng kênh bán hàng, cách làm video để thu hút người xem nhằm nâng cao kinh doanh hiệu quả. Yến sào Như Văn vừa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao nên tôi muốn tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến nhiều người hơn, tiếp cận nhiều đối tượng hơn qua việc livestream và bán hàng trên kênh Tiktok.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đánh giá: Mua sắm trực tuyến đang là xu hướng phổ biến. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các tiểu thương ở các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, thách thức đó cũng mở ra cơ hội. Việc kết hợp bán hàng truyền thống với trực tuyến tại kênh livestream là xu hướng có thể giúp bà con nâng cao năng lực cạnh tranh trong buôn bán. Tôi nghĩ bà con tiểu thương nên chịu khó nâng cao kiến thức, kỹ năng, mạnh dạn ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh để từng bước tháo gỡ khó khăn.
KIỀU VY