Kết hợp hài hòa bảo vệ rùa biển và phát triển du lịch
Từ đầu năm đến nay, rùa biển nhiều lần trở lại xã Nhơn Hải và Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) đẻ trứng. Ðiều này đang thu hút sự quan tâm của người dân và du khách, làm dấy lên lo ngại về công tác bảo vệ rùa biển. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc phát triển du lịch và bảo tồn rùa biển không có gì mâu thuẫn, nhưng phải thực hiện đúng cách.
Ông Chu Thế Cường, cán bộ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, cho biết, một trong những điểm rất đặc biệt của rùa biển là khả năng di cư xa, định hướng và trở lại vùng biển nơi chúng được sinh ra để sinh sản. Vì thế, những cá thể rùa lên bãi biển xã Nhơn Hải, Nhơn Châu đẻ trứng thời gian qua rất nhiều khả năng chính là những con đã được sinh ra từ 20 - 30 năm trước đây tại những nơi này.
Người dân và du khách rất thích thú xem rùa con mới nở. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Riêng Nhơn Hải được coi là bãi đẻ truyền thống của rùa xanh (còn gọi là vích). Việc rùa mẹ lên bãi biển Nhơn Hải đẻ trứng còn cho thấy, khu vực biển của xã tương đối an toàn, môi trường trong lành, thức ăn phong phú.
“Việc phát triển du lịch và bảo tồn rùa biển không có gì mâu thuẫn mà ngược lại chính nhờ rùa biển lên đẻ sẽ thu hút nhiều khách đến với địa phương hơn. Việc cần làm là chính quyền địa phương phải giảm các hoạt động trên bãi biển vào ban đêm trong mùa rùa lên đẻ, giảm ánh sáng đèn đường và âm thanh tại khu vực rùa biển thường lên đẻ. Bên cạnh đó, khi có rùa biển lên đẻ, cần hướng dẫn khách du lịch quan sát đúng cách, không gây nhiễu động đến việc lên đẻ của chúng”, ông Cường nêu ý kiến.
Đồng quan điểm với ông Cường, bà Nguyễn Hải Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thủy sản Bình Định, nhận định, rùa mẹ có lẽ đã thích ứng hơn trước trong việc chọn bãi đẻ cho mình. Giới khoa học trước đây cho rằng, bãi đẻ của rùa biển phải hoàn toàn hoang vắng, không bóng người, không tiếng ồn và ánh sáng thì giờ đây, mặc dù bãi biển xã Nhơn Hải có người, có cả âm thanh và ánh sáng nhưng rùa mẹ vẫn lên đẻ.
Nhắc lại trường hợp rùa mẹ mang số thẻ VN 1079 lên bãi biển của xã Nhơn Hải đẻ trứng lần thứ 3 vào ngày 12.8, bà Bình cho biết, rùa mẹ lên bãi 2 lần để thăm dò, đến lần thứ 3, sau khi cán bộ xã yêu cầu người dân di chuyển hết khỏi khu vực bãi cát đó và tắt đèn đường, rùa mới yên tâm đào ổ và đẻ 84 quả trứng.
“Có thể rùa mẹ đến lúc đẻ thì buộc phải tìm ra một nơi để đẻ. Mặc dù rùa mẹ vẫn chọn nơi ít tiếng ồn và không có các hoạt động đông người để đẻ, nhưng có thể thấy rùa mẹ đã thích ứng hơn rất nhiều”, bà Bình chia sẻ.
Tương tự với việc tạo thuận lợi để rùa mẹ đào ổ đẻ trứng, việc di dời, bảo vệ ổ trứng và giúp rùa con mới nở trở lại biển trong sự dõi theo của người dân và du khách cũng được các chuyên gia quan tâm.
Ông Cường đánh giá, tỷ lệ trứng rùa nở con ở xã Nhơn Hải vào tầm 50% là không cao nhưng cũng không thấp, bởi luôn có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của rùa biển như nhiệt độ của bãi trứng, độ ẩm, ô nhiễm… Đối với việc thả rùa con xuống biển, cách làm hiện tại của Nhơn Hải là thả ngay khi rùa vừa nở, là hợp lý. Có thể đứng quan sát từ xa nhưng cần tạo điều kiện để rùa con tự tìm đường đi ra biển. “Không chiếu đèn hoặc cầm rùa con lên để rùa con tự cảm nhận môi trường xung quanh, ghi nhớ lại vị trí chúng được sinh ra để sau 20 - 30 năm, chúng sẽ quay lại đây sinh sản”, ông Cường lưu ý.
Theo ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, UBND thành phố đang chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Nhơn Hải, trong đó bao gồm cả việc kêu gọi người dân, khách du lịch tham gia bảo vệ rùa biển, khu vực rùa đẻ, ổ trứng và cả rùa con.
“Bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, người dân tại địa phương, TP Quy Nhơn mong muốn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn về chuyên môn và các nguồn tài trợ từ các đơn vị, tổ chức để làm tốt song song hai việc: Bảo vệ rùa biển và phát triển du lịch tại địa phương”, ông Tuấn bày tỏ.
NGỌC TÚ