Một ngày ở “Thiên đường hạ giới”
Danh thắng Cửu Trại Câu hay Vườn Quốc gia Cửu Trại Câu nằm ở phía Nam quận Nam Bình, miền Bắc Tứ Xuyên (Trung Quốc), được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1992, Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997. Vùng đất có tên gọi “Thung lũng chín làng” này được mệnh danh là “Thiên đường hạ giới”, bởi bất kể ai đến đây cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên…
Du khách chụp ảnh với các nhân vật đóng giả thầy trò Đường Tăng dưới chân thác Trân Châu. Ảnh: NGỌC THÁI
Tôi đến Cửu Trại Câu cùng đoàn du khách Việt Nam. Trong đoàn, chưa ai một lần đặt chân đến Cửu Trại Câu, nhưng tất cả đều biết đến danh thắng này qua bộ phim Tây Du Ký. Đoạn mở đầu của bộ phim nổi tiếng và được rất nhiều người yêu thích này được quay tại thác Trân Châu, thác nước đẹp nhất ở Cửu Trại Câu.
Nhật Nhược Lang được biết đến là một trong những thác nước vôi hóa lớn nhất ở Trung Quốc, lại nằm trong quần thể du lịch Cửu Trại Câu, nên được nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: NGỌC THÁI
Liêu Cẩm, nữ hướng dẫn viên người Tạng, đón chúng tôi bằng lời giới thiệu ngắn gọn: “Cửu Trại Câu trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “Thung lũng chín làng”, được người dân Trung Quốc mệnh danh là “Vua của các cảnh quan nước”, vì có hồ trên núi, những con thác cao, khu rừng nguyên sinh có nhiều loài cây với nhiều màu sắc…”
Như lời giới thiệu ban đầu của Liêu Cẩm, thiên nhiên đa dạng đã ban tặng cho Cửu Trại Câu rất nhiều thắng cảnh đẹp, cộng với sự chăm chút của con người đã tạo nên một quần thể du lịch nổi tiếng, thu hút rất đông du khách. “Năm ngoái, Cửu Trại Câu đón hơn 4 triệu lượt khách, trong đó 6,6% là quốc tế, riêng khách Việt Nam là 16.000 người. Gần đây, khách Việt Nam đến nhiều hơn. Hiện tại, mỗi ngày Cửu Trại Câu đón khoảng 20.000 người. Nếu tăng đến 40.000 người/ngày là hạn mức cảnh báo, ai muốn đến tham quan phải đăng ký trước. Làm như thế là để đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như bảo tồn giá trị di sản”, ông Triệu Đức Mạnh, Cục trưởng Cục quản lý Cửu Trại Câu, chia sẻ.
Các con đường trong quần thể du lịch Cửu Trại Câu đều được lát gỗ tự nhiên, rất thích hợp để đi bộ tham quan, chụp ảnh. Ảnh: NGỌC THÁI
Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu rất rộng, trải dài hơn 720 km2, nằm ở độ cao trung bình hơn 4.000 m, với tổng cộng 114 hồ lớn nhỏ và 17 thác nước. Trong khu vực thắng cảnh Cửu Trại Câu, khách du lịch không được ở lại qua đêm. Do vậy, chúng tôi chỉ được phép tham quan từ 8 giờ sáng đến 17 giờ. Tuy nhiên, khí hậu ở đây rất mát mẻ, hơi se se lạnh; các con đường dẫn đến các hồ, thác nước đều được lát gỗ tự nhiên, rất dễ đi; khu du lịch có xe buýt để di chuyển đến những địa điểm xa, nên chúng tôi rất thoải mái thưởng ngoạn những thắng cảnh đẹp và nổi tiếng ở đây trong một ngày.
Xe buýt đưa chúng tôi qua làng Shuzheng, lướt qua hồ Ngọa Long, đến hồ Gương là điểm khởi đầu cho hành trình tham quan Cửu Trại Câu. Theo lối đi này, hành trình càng lúc càng thêm kỳ thú, khi chúng tôi lần lượt đặt chân đến khu vực hồ Ngũ Hoa, thác Trân Châu, hồ Gấu Trúc, thác Nhật Nhược Lang, hồ Ngũ Thái… Các hồ nước ở đây đều trong xanh, mặt hồ lung linh, kết hợp với những thác nước hùng vĩ phía xa xa, những tán rừng nguyên sinh nhiều màu sắc bao phủ quanh hồ, tạo thành một bức tranh đẹp rực rỡ, khiến người ta không thể rời mắt, không khỏi tán thưởng trước sự kỳ diệu của thiên nhiên.
Bao quanh hồ Ngũ Hoa là những con đường ván gỗ, có cầu gỗ bắc qua. Chiếc cầu này là một trong những điểm ngắm cảnh hồ đẹp nhất. Ảnh: NGỌC THÁI
Trong các địa điểm tham quan ở Cửu Trại Câu, thác Trân Châu là địa điểm được rất nhiều du khách chọn để chụp ảnh, vì đây có thể được coi là một trong những cảnh đẹp nhất của quần thể du lịch. Nhìn từ xa, dòng thác như dải lụa uốn lượn đổ xuống thung lũng đá gập ghềnh, tạo bọt trắng xóa trông như những hạt trân châu lấp lánh trong ánh nắng mặt trời, tạo nên sự lung linh, kỳ vỹ như chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa rừng núi thiên nhiên hoang dã.
Một ngày ở Cửu Trại Câu tôi có cảm giác như mình đang ở chốn thiên đường, đến bây giờ vẫn còn lưu luyến mãi không quên.
NGỌC THÁI