Nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân
Từ ngày 10.10 đến 20.11, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã triển khai chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024” trên phạm vi toàn quốc, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ người dân trước sự gia tăng phức tạp của các hình thức lừa đảo trực tuyến. Tại Bình Định, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT, đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Định ngay khi Chiến dịch vừa kết thúc.
Ông Nguyễn Minh Thảo
• Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của các hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay. Chiến dịch đã đặt ra những mục tiêu gì, thưa ông?
.Hiện nay, các hình thức lừa đảo trực tuyến không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi. Những kẻ lừa đảo nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau, từ người cao tuổi, người lao động, sinh viên cho đến các tổ chức, doanh nghiệp. Thủ đoạn phổ biến nhất là giả mạo email, tin nhắn từ ngân hàng hoặc tổ chức uy tín; tạo các trang web, tài khoản mạng xã hội giả danh; lừa đảo qua ứng dụng di động và chiêu trò đầu tư tài chính với lãi suất cao bất thường... Thiệt hại từ các vụ lừa đảo này không chỉ dừng lại ở tài sản mà còn xâm phạm quyền riêng tư và thông tin cá nhân, gây hậu quả tâm lý nghiêm trọng cho nạn nhân.
Chiến dịch này đặt ra các mục tiêu cụ thể: Nâng cao nhận thức của người dân về các hình thức lừa đảo, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận diện và phòng tránh; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm tạo ra một hệ thống bảo vệ người dùng trên không gian mạng, bao gồm cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý và ứng phó với các tình huống lừa đảo. Đẩy mạnh phong trào tố giác tội phạm mạng, khuyến khích người dân chia sẻ thông tin về các hoạt động lừa đảo mà họ gặp phải, nhằm tăng cường tính cảnh giác cho cộng đồng.
• Với vai trò đầu mối triển khai Chiến dịch, Sở TT&TT đã có những hoạt động gì để tiếp cận hiệu quả các đối tượng tuyên truyền?
Để chiến dịch mang lại hiệu quả cao, Sở TT&TT đã triển khai hàng loạt hoạt động đồng bộ, tập trung vào việc tiếp cận đúng nhóm đối tượng cần tuyên truyền. Trước hết, Sở phát hành tài liệu truyền thông phù hợp với từng nhóm tuổi, nghề nghiệp, trong đó các nội dung được thể hiện dễ hiểu, dễ áp dụng. Các tài liệu này bao gồm tờ rơi, poster, video hướng dẫn, được phân phối rộng rãi qua các kênh trực tiếp và trực tuyến.
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok được Sở tận dụng triệt để nhằm truyền tải thông điệp đến những người trẻ. Cổng thông tin cảnh báo lừa đảo (http://canhbao.khonggianmang.vn) do Cục ATTT xây dựng, cung cấp thông tin kịp thời về các thủ đoạn lừa đảo mới nhất. Đặc biệt, Sở còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trường học, công ty tổ chức tập huấn thực tế, đưa nội dung tuyên truyền đến gần hơn với người dân. Hệ thống cảnh báo qua tin nhắn SMS và email cũng được triển khai, giúp người dân nhận được cảnh báo nhanh chóng khi có nguy cơ bị lừa đảo.
Poster tuyên truyền 5 kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến: Nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh và bảo vệ.
• Cụ thể, người dân cần những kỹ năng gì để nhận diện và phòng tránh lừa đảo trực tuyến vậy, thưa ông?
.Đầu tiên, mỗi người cần trang bị khả năng nhận diện các dấu hiệu lừa đảo cơ bản. Các dấu hiệu này bao gồm email, tin nhắn có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc mã OTP khẩn cấp, lời mời đầu tư lãi suất cao bất thường hoặc đường link không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, kỹ năng kiểm tra và xác minh thông tin cũng rất quan trọng. Người dân cần có thói quen sử dụng các kênh thông tin chính thống để xác thực nội dung; nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ trực tiếp với các tổ chức hoặc ngân hàng qua số điện thoại hoặc email chính thức trên trang web của họ, không trả lời ngay các tin nhắn nghi vấn.
Ngoài ra, người dân nên thực hiện các biện pháp bảo mật như đặt mật khẩu mạnh; kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) cho các tài khoản trực tuyến quan trọng như ngân hàng, email và mạng xã hội để tăng cường bảo mật. Kiểm tra đường link trang web; chỉ truy cập các trang web có chứng chỉ bảo mật Https:// (thường có biểu tượng ổ khóa bên cạnh URL). Cẩn thận với các đường link dài, chứa ký tự lạ hoặc sai chính tả và chỉ nên tải ứng dụng từ các kho ứng dụng chính thức như Google Play và Apple App Store.
• Ông đánh giá như thế nào về kết quả của Chiến dịch? Sở TT&TT sẽ có kế hoạch gì tiếp theo để duy trì hiệu quả tuyên truyền lâu dài và bền vững?
.Đến nay, chiến dịch đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, giúp đại bộ phận người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ trước các thủ đoạn lừa đảo trên mạng. Số vụ lừa đảo trực tuyến được phát hiện kịp thời tăng lên, nhờ vào sự chủ động báo cáo của người dân và sự phối hợp của các tổ chức liên quan. Nhiều địa phương đã triển khai thành công các buổi tập huấn và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng...
Tuy vậy, để duy trì hiệu quả lâu dài, cần tiếp tục đầu tư vào các giải pháp công nghệ như xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo trực tuyến chuyên cung cấp cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới nhất; nâng cao năng lực cán bộ truyền thông và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát hiện và xử lý tội phạm mạng. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia vào công tác bảo vệ không gian mạng và hỗ trợ người dân sử dụng các sản phẩm bảo mật chất lượng cao.
Cuối cùng, việc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền cần định kỳ, kết hợp với các sự kiện lớn như Ngày Internet Việt Nam… sẽ góp phần duy trì sự chú ý của cộng đồng, từng bước xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
• Cám ơn ông!
Sáng 20.11, CA TX An Nhơn tổ chức tuyên truyền kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho học sinh và giáo viên Trường THPT số 2 An Nhơn.
CA TX An Nhơn phát tờ rơi và tuyên truyền kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho học sinh và giáo viên Trường THPT số 2 An Nhơn, sáng 20.11. Ảnh: T.LONG
Đại diện Đội Cảnh sát hình sự CA TX An Nhơn đã tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội như: Giả danh CA, viện kiểm sát lừa đảo bán hàng trực tuyến, lừa tình, lừa làm từ thiện, lừa đảo qua hình thức trúng tuyển sinh vào đại học... và các biện pháp, cách phòng chống, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Buổi tuyên truyền còn giúp học sinh có thái độ ứng xử trước các hoạt động phạm tội của các đối tượng xấu, biện pháp phòng tránh cũng như việc sử dụng mạng xã hội lành mạnh, an toàn.
T.LONG
*Xem “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” tại đây.
NGỌC QUỲNH