Chuyển đổi số - Ðộng lực bứt phá cho ngành chăn nuôi
Từ năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã triển khai Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) do Cục Thú y chủ trì. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết VAHIS cho phép các cơ quan chức năng theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Thông qua bản đồ dịch tễ, hệ thống giúp nhận diện nhanh diễn biến dịch bệnh tại địa phương, từ đó xây dựng các giải pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Ngoài ra, thông tin tình hình dịch bệnh được cập nhật trên toàn quốc, giúp địa phương chủ động tổ chức các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và kiểm soát hoạt động lưu thông, xuất nhập gia súc, gia cầm, nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh tại địa phương.
VAHIS giúp Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm bắt kịp thời các diễn biến dịch bệnh động vật trong cả nước, từ đó đưa ra các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh kịp thời trong tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với Cục Thống kê tỉnh triển khai phần mềm “Quản lý đàn vật nuôi và dịch bệnh trong chăn nuôi” dựa trên blockchain. Công nghệ này cung cấp thông tin chính xác về số lượng, tình trạng đàn vật nuôi, hỗ trợ quản lý tiêm phòng, thức ăn và các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi.
Theo ông Diệp, blockchain giúp theo dõi chi tiết tình trạng dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ các cơ sở bị ảnh hưởng. Hiện có khoảng 800 cơ sở chăn nuôi tại Bình Định sử dụng phần mềm này, với số lượng lớn tập trung ở các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn.
Bình Định hiện là địa phương dẫn đầu khu vực về quy mô đàn gia súc, gia cầm, với tổng đàn hơn 686 nghìn con heo, 308 nghìn con bò và 8,5 triệu con gà. Để phát triển bền vững, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành số hóa 100% dữ liệu chăn nuôi vào năm 2025. Dữ liệu này sẽ được tích hợp vào nền tảng dữ liệu mở của tỉnh, ứng dụng Big Data để tăng hiệu quả quản lý.
Hiện nay, Sở NN&PTNT cũng đang hợp tác với VNPT xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu nông nghiệp, bao quát toàn bộ hoạt động từ quy mô nông hộ đến trang trại, cơ sở cung cấp thức ăn và thuốc thú y. Bên cạnh đó, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang triển khai phần mềm kiểm soát giết mổ động vật, kết nối đồng bộ với VAHIS. Hệ thống này cho phép quản lý số lượng động vật nhập - xuất tại các cơ sở giết mổ, đồng thời truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp nâng cao tính minh bạch và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng đầu ra và gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, việc áp dụng các công nghệ hiện đại giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi và giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh. Với sự đồng hành của các cơ quan chức năng và DN, Bình Định kỳ vọng xây dựng một ngành chăn nuôi bền vững, góp phần cải thiện đời sống nông dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ.
TRỌNG LỢI