Thủ tướng: Không được yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu khi làm thủ tục
Các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 5 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu - Ảnh: G. HÂN
Phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tích hợp các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử để dần thay các loại giấy tờ công dân. Trước mắt là việc thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1.1.2023. Thời gian hoàn thành trong tháng 3 năm 2023.
Xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia trình Chính phủ chậm nhất trong tháng 4-2023. Đẩy mạnh cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip. Tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công có sử dụng thông tin công dân, nhất là thời gian đầu bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.
Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ ngành địa phương quyết tâm, quyết liệt thực hiện đề án một cách thường xuyên, liên tục, huy động sự tham gia tích cực của người dân, làm có trọng tâm trọng điểm, từng bước một cách bài bản, thực chất, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.
Trọng tâm là rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến. Đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hoàn thành trong tháng 9.2023; đối với 53 dịch vụ công thiết yếu hoàn thành trong tháng 6.2023.
Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo, tái sử dụng dữ liệu và hoàn thành trong tháng 6.
(Theo NGỌC AN/TTO)