Nước sạch tại một số khu đô thị mới có thể uống tại vòi như Singapore?
Chất lượng nước sạch do các nhà máy nước Việt Nam sản xuất tương đương với nhiều nước châu Á, châu Âu và có thể uống tại vòi.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - cho biết tại buổi họp báo công bố Tuần lễ nước Việt Nam 2023, với chủ đề Nước vì chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững, tổ chức ngày 14.9 tại Hà Nội.
Uống được nhưng... chưa nên uống
Theo ông Điệp, ở nhiều nước họ đầu tư đồng bộ từ nhà máy đến mạng lưới đường ống nên uống ngay tại vòi được, còn ở ta đường ống dẫn nước tới các khu dân cư đầu tư chưa đồng bộ, lắp đặt trong nhiều giai đoạn khác nhau nên chưa bảo đảm uống được nước sạch tại vòi.
"Nhưng giờ chúng ta đầu tư các khu đô thị mới, kết hợp đầu tư đồng bộ đường ống dẫn nước sạch, chất lượng nước ở nhà máy và ở vòi khu dân cư sẽ đồng nhất là người dân có thể uống được tại vòi", ông Điệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chủ trì họp báo - Ảnh: B.NGỌC
Cũng theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay nhiều đô thị lớn mong muốn hiện thực hóa việc uống nước tại vòi như ở Singapore nhưng tại Hà Nội, TP.HCM có tình trạng xen lẫn mạng lưới đường ống nước cũ được đầu tư từ rất nhiều năm với đường ống nước mới nên chất lượng không đảm bảo để uống tại vòi.
Vì thế, dù khẳng định chất lượng nước sạch do các nhà máy nước sạch trong nước sản xuất có thể uống được luôn nhưng chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam khuyên người dân chưa nên uống trực tiếp nước sạch tại vòi vì có khu vực đô thị uống nước tại vòi được, có khu vực đô thị chưa thể uống được tại vòi.
Tại cuộc họp báo, trả lời về vấn đề làm sao để minh bạch giá nước sạch, giúp người dân có thể biết được mình đang phải trả tiền mua nước sạch đắt hay rẻ, ông Điệp giải thích giá nước sạch hiện nay được tính theo thông tư 44 của Bộ Tài chính vì nước sạch là mặt hàng đặc thù, có sự độc quyền tự nhiên nên định giá luôn có sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, chính quyền.
Về nguyên tắc tính giá bán nước sạch hiện nay theo chủ trương của Nhà nước, công ty nước được tính đúng, tính đủ dựa trên các yếu tố đầu vào cộng với định mức lợi nhuận khoảng 1.300 đồng/m3, nhưng có địa phương 10 năm nay chưa tăng giá nước sạch, trong khi các yếu tố đầu vào như giá nước thô, giá điện, hóa chất liên tục tăng.
Giá nước sạch đang được tính toán thế nào?
Giải thích về tình trạng giá bán nước sạch luôn có sự khác nhau giữa các địa phương, ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng công ty Nước - môi trường Bình Dương, cho biết việc định giá bán nước sạch cho người dân ở các địa phương hiện nay phụ thuộc vào các yếu tố chính như chi phí lấy nước thô, giá điện, giá nhân công, tỉ lệ thu hồi nước sạch, và chi phí đầu tư các nhà máy nước.
Trong đó, chỉ riêng chi phí lấy nước thô tại các địa phương cũng có sự chênh lệch lớn, chẳng hạn ở miền Tây nước mênh mông nhưng muốn lấy nước thô đạt chuẩn xử lý thành nước sạch thì khó khăn hơn nhiều lần các vùng khác.
Ví dụ, một nhà máy nước sạch tại Long An phải lấy nước thô đạt chuẩn từ sông Tiền khu vực Đồng Tháp cách nhà máy khoảng 40km về để xử lý thành nước sạch. Và trên thực tế chi phí lấy nước thô về xử lý có chỗ chỉ tốn 2.000 đồng/m3, có chỗ tốn tới 5.000 đồng/m3, ông Thiền cho biết.
Cũng theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện chưa có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm vì chúng ta chỉ bán nước sạch và thu thêm 10% thuế bảo vệ môi trường chứ chưa thu phí xử lý nước thải.
Vì thế đang thiếu nguồn lực để xử lý nước thải, tỉ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng 12 triệu m3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5 triệu m3 được xử lý, còn lại phần lớn đang xả thẳng ra môi trường.
(Theo TTO)