Quảng Ngãi siết chặt quản lý, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng để chống khai thác IUU
Quảng Ngãi đang áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp để quản lý chặt tàu cá. Ngoài ra, tỉnh còn mở lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng để ngư dân đáp ứng đủ quy định ra khơi đánh bắt.
Hành động quyết liệt trong nhiều năm qua, Quảng Ngãi sẵn sàng đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đến Việt Nam kiểm tra công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Quảng Ngãi đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân
Theo đó chiều 28.11, UBND TP Quảng Ngãi tổ chức lễ khai giảng lớp thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 2 cho gần 90 ngư dân các xã ven biển.
Việc đào tạo diễn ra bài bản, kéo dài 11 ngày, ngư dân được truyền đạt kiến thức lý thuyết và thực hành, do giảng viên của Trung tâm Đào tạo thuyền viên và Phát triển công nghệ biển giảng dạy.
Những kỹ năng, nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu mà thuyền trưởng, máy trưởng phải có khi hoạt động trên biển được trang bị. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật về Luật Biển Việt Nam, Luật Hàng hải, Luật Thủy sản… cũng được trang bị kỹ càng.
Ngoài ra việc lái tàu, quan sát rada phòng ngừa đâm va trên biển, việc sử dụng thiết bị liên lạc, kết nối với cơ quan chức năng trong mọi tình huống được hướng dẫn kỹ càng. Từ đó ngư dân ứng phó khi gặp sự cố lúc khai thác hải sản, kết nối báo cáo sự vụ ngay lập tức…
Ông Nguyễn Lâm, phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, thông tin địa phương có 1.700 tàu cá. Việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 2 cho ngư dân là rất cần thiết, ngoài đủ điều kiện theo quy định, còn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho ngư dân. Khi khai thác trên biển phải tuân thủ pháp luật, ứng phó xử lý khi tàu hỏng máy, gặp sự cố lúc hành nghề.
"Thông qua lớp đào tạo còn giúp ngư dân nắm rõ và không vi phạm các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển, nhất là vi phạm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế", ông Lâm nói.
Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra tàu cá hoạt động trên biển - Ảnh: TRẦN MAI
Siết chặt quản lý, sẵn sàng đón đoàn thanh tra EC
Nhiều năm qua, Quảng Ngãi tập trung mọi nguồn lực để chống khai thác thủy sản không đúng quy định, những nỗ lực ấy đã cho kết quả tích cực, việc đánh bắt trên biển của ngư dân dần đi vào nề nếp.
Thống kê, Quảng Ngãi có đội tàu hùng hậu bậc nhất nước, với 4.700 tàu cá, tàu từ 15m trở lên là 3.066 chiếc liên tục khai thác xa bờ. Việc siết chặt quản lý, đến nay có 99,8% tàu cá dài 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Số lượng ít ỏi còn lại đang được đưa vào quản lý, theo dõi, cấm ra khơi.
Không chỉ quản lý trong tỉnh, Quảng Ngãi còn gửi thông tin đến các tỉnh khác theo dõi, xử lý những tàu cá "chưa đúng chuẩn" này. Hơn 2,8 tỉ đồng xử lý tàu cá vi phạm từ đầu năm cho thấy "lệnh sắt" của tỉnh, không nương tay với tàu chưa đúng và đủ khi hành nghề.
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cử cán bộ theo dõi 24/24 giờ hệ thống giám sát tàu cá, lập tức phát tín hiệu cảnh báo khi tàu vượt ranh giới cho phép. Tàu cá nào "mất tích" quá 10 ngày trên biển, chính quyền địa phương và biên phòng xử lý ngay lập tức khi tàu cập cảng.
Ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - yêu cầu: "Các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, cảnh báo sớm. Những trường hợp vi phạm phải ra quyết định xử phạt".
Với những nỗ lực không ngừng, Quảng Ngãi sẵn sàng đón đoàn thanh tra EC sẽ đến Việt Nam vào tháng 12 này để kiểm tra công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết đoàn thanh tra EC sẽ tập trung kiểm tra cơ chế pháp lý, chỉ đạo điều hành, quản lý đội tàu, giám sát hoạt động đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật.
Bất cập lớn nhất hiện nay là đội "tàu 3 không" và những tàu không còn hoạt động vẫn có tên trong danh sách quản lý. Để giải quyết vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các xã, phường ven biển tiếp tục rà soát, nắm chắc số liệu tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), từ đó phân loại vướng mắc và tháo gỡ. Đối với những tàu không còn hoạt động, các địa phương cần lập danh sách gửi Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị xóa tên ra khỏi hệ thống quản lý.
Ông Trần Phước Hiền đề nghị từ nay đến cuối năm 2024, Quảng Ngãi phải nỗ lực không để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ.
(Theo TRẦN MAI/TTO)