Trung Quốc phản ứng gay gắt việc Mỹ đưa thêm 29 công ty nước này vào danh sách đen
Mỹ bổ sung 29 công ty Trung Quốc bị nghi ngờ vi phạm luật chống lao động cưỡng bức vào danh sách đen nhập khẩu. Trung Quốc đã chỉ trích động thái này là không có cơ sở thực tế và cho biết sẽ có biện pháp bảo vệ các công ty nước này.
Theo thông tin trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên theo hình thức hỏi, đáp vào ngày 26.11, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này bày tỏ chỉ trích và phản đối mạnh mẽ, cho biết đã có giao thiệp nghiêm khắc với Mỹ. Đồng thời kêu gọi Mỹ ngay lập tức chấm dứt việc thao túng chính trị và làm mất uy tín, ngừng đàn áp một cách vô lý các công ty Trung Quốc. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty của nước này.
Người phát ngôn nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối lao động cưỡng bức và khẳng định không có cái gọi là “lao động cưỡng bức” ở Tân Cương.
Ảnh minh họa: Reuters
Người phát ngôn cũng cho rằng không có bằng chứng cụ thể, căn cứ vào luật pháp trong nước, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt với các công ty Trung Quốc chỉ vì họ mua nguyên liệu và tuyển dụng lao động ở Tân Cương, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản của người dân và gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của các công ty liên quan, phá vỡ sự ổn định và an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Được biết, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo vào ngày 22.11 rằng đã bổ sung 29 công ty Trung Quốc và danh sách thực thể bị hạn chế nhập khẩu vì vi phạm “Luật phòng ngừa lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”. Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 25.11. Dự luật nêu trên đã được Mỹ ký thành luật vào năm 2021. Cho đến hiện tại đã có 107 công ty bị đưa vào danh sách này.
Truyền thông quốc tế cho biết, dự luật nêu trên cấm nhập khẩu các sản phẩm của Tân Cương vào thị trường Mỹ. Chính phủ Mỹ cáo buộc Trung Quốc thực hiện hành vi lao động cưỡng bức ở Tân Cương, vi phạm nhân quyền. Các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen bị cáo buộc thu mua nguyên liệu thô từ các khu vực Tân Cương hoặc hợp tác với chính quyền địa phương để thuê lao động, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ ở đây.
Theo Tuấn Đạt (VOV)