Serbia bãi bỏ lệnh cấm phát triển năng lượng hạt nhân
Việc thông qua luật dỡ bỏ lệnh cấm phát triển năng lượng hạt nhân là bước ngoặt lớn của Serbia, nhằm hướng tới mục tiêu phi carbon hóa ngành năng lượng trong 25 năm tới.
Một nhà máy điện hạt nhân. (Nguồn: geciclaw)
Quốc hội Serbia mới đây đã thông qua một đạo luật quan trọng, theo đó chính thức dỡ bỏ lệnh cấm phát triển năng lượng hạt nhân đã kéo dài suốt 35 năm qua.
Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia này, hướng tới mục tiêu phi carbon hóa ngành năng lượng trong 25 năm tới.
Chia sẻ trên mạng xã hội, Bộ trưởng Năng lượng Serbia, bà Dubravka Djedovic Handanovic đánh giá đây là một cột mốc lịch sử quan trọng.
Ba năm sau thảm họa tại Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986, Serbia đã đình chỉ chương trình hạt nhân và đóng cửa lò phản ứng nghiên cứu duy nhất ở ngoại ô thủ đô Belgrade.
Serbia chủ yếu dựa vào nguồn than đá dồi dào và chi phí thấp để sản xuất điện phục vụ các hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, quốc gia nằm ở trung tâm khu vực Balkan này đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa Đông, một phần là do hoạt động sản xuất điện năng từ than đá.
Trong khi đó, Belgrade cũng đang trong tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Luật Khí hậu châu Âu, được thông qua tại Brussels vào năm 2021, cam kết EU sẽ thiết lập mục tiêu giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Năm 2040 là mốc thực hiện mục tiêu trung gian thứ hai trước khi đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Giới quan sát nhận định việc dỡ bỏ lệnh cấm này mở ra cơ hội để Serbia phát triển nguồn năng lượng sạch và ổn định, góp phần giảm sự phụ thuộc vào than đá, vốn là nguồn năng lượng chính của đất nước trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, việc chuyển sang năng lượng hạt nhân có thể là một quá trình lâu dài và tốn kém. Một nghiên cứu gần đây của Chính phủ Serbia ước tính quá trình xây dựng và vận hành một nhà máy điện hạt nhân có thể kéo dài tới hai thập kỷ.
Theo Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)