Lao động tự do và nỗi lo tai nạn
Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn lao động chết người. Các vụ tai nạn lao động xảy ra, hầu hết rơi vào đối tượng người lao động tự do làm việc tại lĩnh vực xây dựng, đặc biệt ở TP Quy Nhơn.
Không hợp đồng, không bảo hộ, không BHXH, không được trang bị kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động nhưng vì cuộc sống, người lao động tự do vẫn chấp nhận làm việc tại những môi trường lao động không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhiều người trong số họ trong quá trình lao động gặp tai nạn đã mang thương tật suốt đời, thậm chí không ít người chết tại chỗ.
Trên đoạn đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, 2 nam công nhân đang thi công lắp đặt biển quảng cáo có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động (ảnh chụp chiều 13.12).
Chiều 21.12, ông N.X.Th. (36 tuổi, ở xóm 4, thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) trong lúc tham gia xây dựng một ngôi nhà ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), không may bị máng thượng của ngôi nhà rơi trúng đầu, chết ngay sau đó.
Tại hẻm 61 đường Võ Mười, TP Quy Nhơn, nhóm thợ xây không mặc đồ bảo hộ lao động khi làm việc (ảnh chụp chiều 20.12).
Trong những ngày qua, phóng viên dạo quanh các tuyến đường trong TP Quy Nhơn dễ dàng bắt gặp các công trình, hàng quán, nhà cửa đang trong quá trình tu bổ, sửa sang để kịp đón Tết. Tại các công trình này, hình ảnh các thợ xây, công nhân cheo leo trên giàn giáo làm việc không có đồ bảo hộ lao động, không có các biện pháp an toàn lao động, tiềm ẩn nguy tai nạn lao động xảy ra bất cứ lúc nào.
Các công nhân đang thi công tại chợ Khu 6, TP Quy Nhơn, không có rào chắn an toàn, rất dễ rơi từ trên cao xuống (ảnh chụp trưa 21.12).
Ông N.N.T. (ở huyện Tuy Phước) đang làm thợ xây cho một công trình trên đường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Tôi làm thợ xây tự do đã hơn chục năm, chỉ làm cho các chủ thầu nhỏ nên không được trang bị đồ bảo hộ, chỉ có những DN lớn thì họ mới cấp phát và bắt buộc phải mang đồ bảo hộ lao động khi làm việc”.
Tại một ngôi nhà hai tầng đang xây dựng trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Quy Nhơn, 2 thợ xây làm việc không mặc đồ bảo hộ lao động (ảnh chụp chiều 20.12).
Trong khi đó, tại Điều 22, Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp khi làm việc thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Đối với người sử dụng lao động không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động... thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng, tùy theo số lượng người lao động.
Để đảm bảo an toàn lao động, chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp cho người lao động những kiến thức cơ bản về an toàn lao động nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho họ; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến an toàn lao động, nhất là tại các công trình xây dựng, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên chủ động trang bị đồ bảo hộ lao động và có phương án làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân mình.
THẢO VY