Tăng cường đảm bảo an sinh xã hội bằng bảo hiểm thất nghiệp
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giảm áp lực xã hội và hướng tới một thị trường lao động ổn định, bền vững, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tìm đến chính sách khi mất việc
Chị Trần Thị Tuyết N. (33 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) là nhân viên văn phòng, vừa kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 12.2024. Sau khi được cơ quan BHXH chốt sổ xác nhận thời gian đóng BHXH và tập hợp đủ các giấy tờ liên quan, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (Trung tâm DVVL BĐ, Sở LĐ-TB&XH) để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị N. cho biết: “Tôi nghỉ việc vì lý do công việc không còn phù hợp với định hướng cá nhân nữa. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng việc nghỉ vào thời điểm cuối năm khiến tôi khá cập rập, vừa phải xử lý nhiều thủ tục, vừa lo lắng về thu nhập bị gián đoạn. Việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp không chỉ là giải pháp tạm thời để giảm áp lực tài chính mà tôi còn kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để nhận hỗ trợ, tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn”.
Đang nằm viện vì bệnh xơ gan cổ trướng, ông Nguyễn Hồng Phúc (50 tuổi, ở khu phố 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vẫn cố gắng thu xếp đến Trung tâm DVVL BĐ để trực tiếp làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vừa mất việc, lại thêm sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, trợ cấp thất nghiệp lúc này không chỉ giúp gia đình ông giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn là nguồn động viên tinh thần trong giai đoạn khó khăn nhất. “Mỗi đồng hỗ trợ lúc này đều rất quý báu, giúp tôi yên tâm điều trị và bớt lo lắng về các khoản chi tiêu hằng ngày”, ông Phúc nói.
Đối với những lao động đang chật vật sau khi mất việc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính là “chiếc phao cứu sinh” giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời củng cố niềm tin vào các chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định. Ảnh: N.M
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Trong năm 2024, Trung tâm DVVL BĐ đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến người lao động qua nhiều hình thức như phát hành tờ rơi, cẩm nang hỏi - đáp về việc làm, BHTN. Thông qua việc nâng cao nhận thức về chính sách BHTN, trong năm 2024, số lao động tham gia BHTN là 128.921 người, đạt 18,04% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, tăng 4.127 người tham gia so với cuối năm 2023.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 9.291 trường hợp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2023). Sở LĐ-TB&XH đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 9.136 người.
Theo ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm DVVL BĐ, tất cả người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn chính sách liên quan đến lao động việc làm, BHTN, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề. Trong đó, chú trọng đến công tác tư vấn đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng việc tổ chức các buổi tư vấn tập thể, phối hợp đưa người lao động thất nghiệp tham dự các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, để giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm được việc làm. Số người lao động được tư vấn việc làm, học nghề và BHTN trong năm là 11.000 người. Có 640 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề (tỷ lệ 5,9% so với số người có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Để tiếp tục phát huy kết quả này, Trung tâm luôn chú trọng việc nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Trong năm 2024, đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về thực hiện chính sách BHTN theo Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN… Qua đó, nhằm nâng cao kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và chăm sóc khách hàng cho cán bộ thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện được nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành LĐ-TB&XH. Cụ thể, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm 90,9% (đạt 130% so với chỉ tiêu giao); tỷ lệ người lao động nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân chiếm 99,5%.
NGUYỄN MUỘI