Cần giải pháp đồng bộ xử lý xe máy cày tự chế kéo rơ-moóc
Ngày 9.5, Báo Bình Định có bài viết “Xe máy cày tự chế kéo rơ-moóc chở gỗ cồng kềnh trên QL 19”, phản ánh tình trạng vào các buổi tối hằng ngày, nhiều xe máy cày tự chế kéo rơ-moóc chở gỗ chạy trên QL 19 (đoạn qua địa bàn huyện Tây Sơn và TX An Nhơn) tập kết về các nhà máy sản xuất dăm gỗ tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Dù bị cấm lưu thông trên đường và thường xuyên bị xử phạt, nhưng chủ phương tiện vẫn tìm cách đối phó, lén lút chở hàng cồng kềnh, gây mất ATGT. Bài viết nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn đọc và các đơn vị liên quan.
Dù bị cấm nhưng xe máy cày tự chế kéo rơ-moóc vẫn chạy trên QL 19 giữa ban ngày. Ảnh: N.C
Ông H.V.H., một người dân sống cạnh QL 19 (ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), cho biết những ngày gần đây, tình trạng xe máy cày tự chế kéo rơ-moóc chở gỗ keo, bạch đàn vẫn diễn ra trên QL 19 như thường. “Mùa này nhiều nơi khai thác gỗ keo, các xe máy cày tự chế kéo rơ-moóc vẫn chạy lén lút. Phần rơ-moóc được độ chế, gắn vào đuôi máy qua một móc sắt hình con tôm, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, tài xế chở gỗ được trả công theo khối lượng nên họ chở tới 6 - 7 tấn/chuyến, gỗ chất cao ngất, chằng buộc bằng dây ba chạc, nhìn rất ớn. Không chỉ Tây Sơn, cảnh này tôi thấy ở nhiều nơi trong tỉnh”, ông H. nói.
Ông L.K.T. (ở xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) cho rằng xe máy cày kéo rơ-moóc được độ chế sơ sài, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nhưng thường chở khối lượng gỗ tương đương xe tải lớn. Mấy hôm vừa rồi các xe này vẫn “chạy lậu” trên QL 19.
Theo thượng tá Lương Văn Toàn, Phó trưởng CA TX An Nhơn, để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian qua CA thị xã đã giao CA các xã, phường tuyên truyền, vận động và yêu cầu các chủ phương tiện trên địa bàn cam kết chấp hành quy định pháp luật. Ngoài ra, lực lượng CSGT CA thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường theo thẩm quyền.
Qua ghi nhận thực tế cũng như ý kiến của CA nhiều địa phương cho thấy, thực trạng này diễn ra trên toàn tỉnh. Gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ, các chủ phương tiện đều biết hành vi của mình là sai nhưng vẫn cố tình phạm luật. Nguyên nhân chính là vì lợi ích lớn từ việc sử dụng phương tiện vào vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, việc độ chế một xe máy cày khá dễ dàng và ít chi phí, không tốn các loại thuế, phí như phương tiện đủ điều kiện hoạt động, nhưng khối lượng vận chuyển tương đương các loại xe tải. Khi chạy trên quốc lộ không tốn tiền mua vé qua trạm thu phí.
Nhiều chủ xe khi bị phát hiện lại phản ứng gay gắt, viện đủ lý do bao biện, từ “than nghèo kể khổ” cho đến so bì với tình trạng vi phạm diễn ra ở các địa phương khác, thậm chí bị xử lý xong vẫn tái phạm. Chính vì vậy, để xử lý hiệu quả, dứt điểm tình trạng này, thiết nghĩ cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ và áp dụng đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, vừa nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, lập lại trật tự ATGT.
NGUYỄN CHƠN