Tiến bộ rất nhỏ của trò, tôi cũng mừng đến rơi nước mắt
Hơn 10 năm gắn bó cùng học sinh khuyết tật trí tuệ tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, cô giáo Nguyễn Thị Dang chia sẻ thật hạnh phúc khi thấy học sinh tiến bộ và bộc lộ được năng khiếu của mình, sự tiến bộ dù rất nhỏ cũng khiến cô mừng đến rơi nước mắt...
Yêu thương và kiên trì
Thấy người lạ vào lớp, 11 cô cậu học trò đặc biệt của lớp 2 khuyết tật trí tuệ do cô Dang chủ nhiệm, trở nên nhốn nháo. 35 phút tiết học Tiếng Việt đầy những cung bậc cảm xúc. Có bạn hứng thú với bài học; có bạn thu vào thế giới riêng, chẳng màng xung quanh; bất giác có bạn đứng phắt dậy, khóc thét... Tiết học, cứ thế đứt quãng không dưới chục lần.
* Giáo dục đặc biệt - một chuyên ngành đặc biệt vất vả như tên gọi của nó, vì sao chị lại lựa chọn con đường gian nan đến thế?
- (Cười) Dẫu biết công việc này rất vất vả, nhưng nếu ai cũng ngại khó, ngại khổ thì những em nhỏ khuyết tật này sẽ như thế nào?
Hồi đó, Trường ĐH Quy Nhơn có mở ngành giáo dục đặc biệt, tôi chọn học ngành này, tốt nghiệp một năm sau thì được Sở GD&ĐT tuyển đặc cách vào Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn mới thành lập. Tôi tin rằng sẽ đem tình yêu thương, kiến thức và kỹ năng đã học hỏi được để giúp nhiều trẻ em khiếm khuyết vượt lên chính mình, trưởng thành và hòa nhập cộng đồng, bớt gánh nặng cho xã hội. Giáo dục đặc biệt mang lại cơ hội vô cùng quan trọng cho học sinh khuyết tật để các em khám phá và phát triển khả năng của mình.
* Nhưng giữa ước mơ và thực tế lại vô cùng khác biệt…
- Đúng thế, và thậm chí rất áp lực. Tôi là người nóng tính và làm việc gì cũng muốn thật nhanh, nên lúc mới vào nghề bị khựng ngay khi học sinh khuyết tật về trí tuệ tiến bộ rất chậm. Nhưng qua nhiều năm, nhiều lớp học sinh, thấy được sự đáng yêu, hồn nhiên, vô tư và cố gắng của các em để tiến bộ từ những kỹ năng nhỏ nhất để chăm sóc bản thân, tôi lại thấy yêu nghề hơn, càng thương các em nhỏ thiệt thòi, càng muốn làm gì đó để giúp đỡ các em.
Từ ngày vào trường đến giờ, tôi đều làm chủ nhiệm lớp học sinh khuyết tật về trí tuệ. Tôi cũng nhận ra nhiều điều để sửa mình, bởi làm giáo viên ở những lớp học đặc biệt này thì cùng với yêu thương còn phải kiên trì, việc dạy học phải đi đôi với việc dỗ dành, vừa làm cô mà phải vừa làm mẹ. Bởi, đang trong giờ học, học sinh đứng dậy bỏ ra khỏi lớp là chuyện rất đỗi bình thường, có em động kinh, la hét, có em đi vệ sinh ngay tại chỗ ngồi… Có em phải mềm mỏng, có em phải dỗ dành, có em phải nghiêm nghị, không xuất phát từ tình yêu thương chân thành thì chắc chắn không gắn bó được với nghề suốt những năm qua.
Cô Dang kiên trì với học trò lớp 2 trong giờ học môn Tiếng Việt. Ảnh: M.H
Động lực cố gắng mỗi ngày
Bà Trần Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, cho hay, năm học này nhà trường rất an tâm giao cho cô Dang chủ nhiệm lớp khuyết tật trí tuệ - nơi có nhiều học sinh cá biệt về hành vi và cảm xúc. Cô Dang có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc chuyên môn và thấu hiểu tâm lý học sinh, áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp giúp các em phát triển bản thân và hòa nhập với lớp. Cô còn có nhiều sáng kiến dạy học phù hợp tình hình thực tiễn nhà trường và áp dụng hiệu quả cho học sinh khuyết tật.
* Khi áp dụng những sáng kiến dạy học đó, học trò của chị tiếp nhận ra sao?
- Gần như năm nào tôi cũng đúc kết kinh nghiệm cho việc dạy học, ví như thử nghiệm giáo dục hướng nghiệp cho một số trường hợp học sinh rối loạn tự kỷ có năng khiếu về mỹ thuật; thử nghiệm một số biện pháp hỗ trợ kỹ năng tập đọc cho trẻ khó khăn về học; sử dụng câu chuyện xã hội hỗ trợ hoạt động dạy kỹ năng xã hội cho học sinh khối khó khăn về việc học... Tất cả sáng kiến đều áp dụng mang lại hiệu quả rất tốt.
Đọng lại nhiều kỷ niệm nhất là sáng kiến một số biện pháp tạo hứng thú học toán cho học sinh lớp 2 - chậm phát triển trí tuệ, áp dụng năm học 2022 - 2023. Từ những học sinh rụt rè, nhút nhát, không chịu đi học, khi lên lớp được cô áp dụng nhiều biện pháp tạo hứng thú, học sinh tích cực hơn, thích được đi học và học rất sôi nổi. Có em năm học trước thường xuyên nghỉ buổi chiều ở nhà chơi, nhưng đến năm học này thì toàn canh giờ nhắc cha mẹ chở đi học, bữa nào cha mẹ bận không chở đi được thì khóc. Có em tự kỷ rất ít nói, sau khi được cô áp dụng những biện pháp tạo hứng thú thì bé ham học và bộc lộ năng khiếu học toán…
* Điều gì thôi thúc chị bỏ ra nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cho tiết dạy?
- Những đứa trẻ sinh ra không may mắn với khuyết tật trên cơ thể là những “ngọn nến cong” nhưng chỉ cần thắp lên tình yêu thương thì sẽ sáng lung linh. Tôi không quan niệm mình bỏ ra để đổi lại được điều gì. Mà quan trọng là làm hết sức để trẻ khuyết tật hứng thú, hào hứng hợp tác với cô trong tiết học, tiến bộ hơn, trưởng thành hơn - đó là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày tìm tòi nhiều cái mới mẻ hơn thu hút các em.
Tiết học thường xuyên ngắt quãng bởi cô phải dỗ dành từng trẻ. Ảnh: M.H
Mong một môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện và không kỳ thị
“Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cảm giác rất hạnh phúc khi cha mẹ trẻ đến trường gặp tôi hào hứng kể về sự thay đổi tích cực của con, hoặc những khoảnh khắc chính tôi nhận thấy tiến bộ dù rất nhỏ của học trò. Nhưng, không hiếm nỗi buồn khi trong quá trình học tập, chơi đùa không may có những va chạm giữa các bé, phụ huynh hiểu và thông cảm cho giáo viên, cũng có phụ huynh có lời lẽ làm tổn thương đến giáo viên”, cô Dang tâm sự.
* Điều chị còn trăn trở với nghề?
- Mỗi trẻ khuyết tật có một nhu cầu riêng, cần phải tìm hiểu và hiểu được mức độ khuyết tật, có cách tiếp cận tốt nhất để hỗ trợ phát triển cho các em. Còn về phụ huynh, có người “khoán trắng” cho nhà trường, ít phối hợp trong việc giáo dục các em; ngược lại cũng có phụ huynh thấy con mình quá thiệt thòi nên cưng chiều thái quá, điều này cũng gây khó khăn rất lớn cho giáo viên. Vì thế, phụ huynh cần nhận thức rõ và làm tốt vai trò trong mối quan hệ phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục trẻ khuyết tật.
Riêng về giáo dục hòa nhập, để thực hiện tốt cần có các chương trình giáo dục đặc biệt và phương pháp giảng dạy phù hợp để đáp ứng nhu cầu từng trẻ. Đồng thời, việc xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện và không kỳ thị cũng là một vấn đề quan trọng. Đây là một thách thức, khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của mọi người đối với trẻ khuyết tật.
Tôi cũng mong muốn trẻ khuyết tật sẽ có bộ sách riêng chứ không phải dùng sách chung của tất cả học sinh. Đổi mới trong kiểm tra, đánh giá đối với trẻ khuyết tật, chú trọng nhiều hơn vào sự tiến bộ của từng em để đánh giá, cho điểm. Đồng thời, hỗ trợ học nghề cho học sinh khuyết tật ra trường.
* Xin cảm ơn chị!
Cô giáo Nguyễn Thị Dang (SN 1990, tại xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen thành tích dạy học năm 2018. Năm 2023, cô được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong giảng dạy; Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng bằng khen thành tích tiêu biểu trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tặng giấy khen về thành tích tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, cô Dang là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh Bình Định nằm trong danh sách 200 “Nhà giáo tiêu biểu” năm học 2022 - 2023 trên toàn quốc sẽ được Bộ GD&ĐT tôn vinh nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2023).
MAI HOÀNG (Thực hiện)