TS Vật lý thiên văn Lê Ngọc Trẫm: Hãy cùng làm khoa học ngay khi còn đang đi học
Yêu thích Toán học và Vật lý từ lúc học THPT, Lê Ngọc Trẫm (SN 1989, quê ở Phú Yên) thi đậu và theo học tại khoa Vật lý Trường ÐH Quy Nhơn. Sau hành trình theo đuổi đam mê Vật lý thiên văn ở nhiều trường đại học, trung tâm lớn trên thế giới, anh có cơ hội quay lại mảnh đất Quy Nhơn để tham gia tổ chức các lớp học và hội thảo về Vật lý thiên văn, qua đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu thích khoa học.
• Khởi nguồn nào đưa anh đến con đường nghiên cứu Vật lý thiên văn?
- Như hầu hết các bạn say mê khoa học, sau 4 năm học đại học được trang bị nền tảng cơ bản, tôi có ước mong được trau dồi thêm kiến thức sau đại học. Được thầy cô thông tin và hỗ trợ ban đầu về chương trình đào tạo khoa học không gian (bao gồm Vật lý thiên văn) tại ĐH KH&CN Hà Nội và ĐH Việt - Pháp, tôi thi và trúng tuyển hệ thạc sĩ, sau đó được học thêm rất nhiều về khoa học không gian và vật lý thiên văn tại những cơ sở đào tạo này. Từ đây, tôi có cơ hội nghiên cứu tại ĐH Paris Diderot (bây giờ là ĐH Paris Cité), nghiên cứu sinh tại Đài quan sát thiên văn Paris thuộc ĐH PSL (Paris Science et Lettre). Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, tôi làm nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc) về Vật lý thiên văn tại một số viện và trường đại học ở Mỹ và châu Âu.
TS Lê Ngọc Trẫm (ngoài cùng bên phải) trong vai trò giảng viên cho lớp học trước thềm một hội nghị về vật lý thiên văn tổ chức ở Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) năm 2020. Ảnh: NVCC
• So với thời của anh ở Trường ĐH Quy Nhơn, anh đánh giá sự quan tâm của thế hệ sinh viên hiện nay đối với lĩnh vực thiên văn như thế nào?
- Tôi cho rằng, cùng với tiến bộ xã hội và nguồn thông tin dồi dào, sự quan tâm của thế hệ sinh viên hiện nay chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với trước. Bên cạnh đó, rất nhiều CLB thiên văn được thành lập, là môi trường nuôi dưỡng niềm yêu thích và đam mê cho các bạn trẻ.
Từ những CLB như vậy, nhiều bạn đã chọn nghiên cứu khoa học như là một nghề nghiệp cho bản thân. Ngoài ra phải kể đến Vật lý thiên văn nói riêng là một trong những ngành khoa học cơ bản phát triển nhanh nhất trên thế giới, mang đến nhiều cơ hội việc làm.
• Nhiều lần về tham gia các hội thảo tại Quy Nhơn, anh có thể nêu ấn tượng của mình khi làm việc với Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo…
- Trang thiết bị tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo khá hiện đại và đầy đủ trong việc phổ biến kiến thức khoa học đến các công chúng và thế hệ trẻ. Mong rằng, trung tâm sẽ tiếp tục được đầu tư để có thêm trang thiết bị phục vụ nghiên cứu…, khi đó sinh viên sẽ có thêm nhiều điều kiện để tiến gần hơn nghiên cứu khoa học thiên văn. Thời của tôi không được như thế đâu!
• Theo anh, những hành trang cần thiết để các bạn trẻ tiến gần hơn đến hành trình khám phá khoa học của mình là gì?
- Hành trang đầu tiên phải là đam mê, bởi vì con đường tìm hiểu, khám phá tri thức trong Vật lý thiên văn nói riêng hay khoa học cơ bản nói chung là gian nan và rất nhiều thử thách. Thứ hai là khả năng mềm.Trong khoa học, hợp tác đóng vai trò then chốt; khả năng làm việc nhóm, hợp tác quốc tế và quản lý dự án là tối cần thiết.
Cuối cùng là kiến thức, nền tảng tốt sẽ giúp các bạn trẻ tiến xa hơn. Tuy nhiên phải thêm rằng, kiến thức ở đây phải được trau dồi, cập nhật liên tục; như vậy bạn mới hiểu bản chất của vấn đề và khả năng tự học đóng vai trò tiên quyết, chứ không phải là điểm số.
• Những chia sẻ của các nhà khoa học có tác động thế nào đến sinh viên…
- Chia sẻ của các nhà khoa học mang tính định hướng rất cao, mang đến thông tin vô cùng giá trị về chuyên ngành mà các nhà khoa học đó đang làm. Một cách tự nhiên, càng có nhiều chia sẻ từ những chuyên ngành khác nhau sẽ vẽ lên một bức tranh tổng quát về hướng các bạn đang tìm hiểu. Từ đó, những yêu cầu đặc biệt hay cơ hội học tập và việc làm sẽ đầy đủ và cụ thể. Ngoài ra, việc giao lưu với các nhà khoa học sẽ giúp các bạn có thêm động lực và tự tin vào bản thân nhiều hơn. Được gặp gỡ và nói chuyện với những người thông minh luôn là một sự may mắn.
• Kiến thức về khoa học Vật lý thiên văn hiện nay đã có những bước tiến rất xa, một người như sinh viên vừa ra trường mất rất nhiều thời gian để tiếp cận và tạo ra cái gì đó mới mẻ hơn so với thế hệ đi trước. Có hướng tiếp cận nào để các bạn có thể rút ngắn khoảng cách…
- Trong khoa học, tạo ra cái mới mẻ hơn là chìa khóa để thành công. Tuy nhiên việc này lại không dễ và có rất nhiều sự cạnh tranh. Để phát triển một vấn đề mới mẻ, việc đầu tiên chúng ta phải biết bức tranh tổng quát trong hướng nghiên cứu của mình, bao nhiêu mảnh ghép đang còn thiếu, đó chính là cái mới. Phương pháp duy nhất là tích lũy từ việc học, đọc và làm nhiều để tìm ra những chỗ trống như vậy. Có một gợi ý là các bạn nên tìm hiểu hướng các bạn phù hợp, liên hệ với các nhà khoa học trong chuyên ngành đó để cùng làm khoa học khi vẫn còn đang đi học.
• Ngoài công việc, điều gì làm anh gắn bó với mảnh đất Quy Nhơn suốt từ khi còn là sinh viên đến nay?
- Về mặt cá nhân, bản thân tôi rất thích tính cách con người Quy Nhơn. Bên cạnh đó, tôi có tham gia tổ chức các lớp học và hội thảo về Vật lý thiên văn tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), nên có cơ một gắn bó thêm với mảnh đất Quy Nhơn. Tại đây, tôi được gặp gỡ và chia sẻ những kiến thức về khoa học thiên văn với nhiều bạn trẻ cùng sở thích. Hiểu được mong muốn của các bạn, nhất là sinh viên, tôi cố gắng truyền đạt thông tin một cách gần gũi, dễ hiểu nhất, vì nhiều người vẫn coi Vật lý thiên văn là vấn đề gì đó rất trừu tượng… Tôi mong rằng qua những lần trò chuyện đó ngày càng có nhiều sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn có thêm cảm hứng đối với ngành khoa học này.
TS Lê Ngọc Trẫm (thứ 5 từ phải sang) tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: NVCC
• Một câu hỏi có phần tế nhị, có một thực tế là ai cũng hướng đến một công việc ổn định và thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và lo cho gia đình. Với những người tham gia nghiên cứu vật lý cơ bản thì đến khi nào mới thực sự nhận được những đãi ngộ tương xứng?
- Bản thân tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Vật lý cơ bản hay khoa học cơ bản nói chung phải cần được chú tâm và đầu tư nhiều hơn, bởi nếu chúng ta muốn vươn xa và làm chủ công nghệ, chúng ta phải mạnh về cơ bản. Tôi nghĩ, việc đầu tiên là chúng ta phải ghi nhận nhiều hơn những sự đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản. Sau đó, vấn đề kinh tế sẽ được chia làm 2 vấn đề rất khác nhau: Quỹ nghiên cứu và đãi ngộ. Theo tôi, cái chúng ta thiếu là sự hỗ trợ cho nghiên cứu thông qua các quỹ nghiên cứu.
• Xin cảm ơn anh!
TS Lê Ngọc Trẫm: Sinh năm 1989, quê ở Phú Yên.
Từ năm 2008 - 2012: Cử nhân, Trường ĐH Quy Nhơn.
Từ năm 2012 - 2014: Thạc sĩ, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Từ năm 2015 - 2018: Tiến sĩ, ĐH Paris Sciences et Lettres, Pháp.
Từ năm 2019 - 2021: Sau Tiến sĩ, Trung tâm khoa học SOFIA/Trung tâm nghiên cứu NASA Ames, Hoa Kỳ.
Từ năm 2021-2024: Sau Tiến sĩ, Viện Thiên văn vô tuyến Max-Planck, Đức.
Từ năm 2024 đến nay: Sau Tiến sĩ, ĐH Leiden, Hà Lan.
KIỀU VY (Thực hiện)