Nhà thơ Mai Thìn: Làm thơ cũng là một cách học làm người...
Mai Thìn là tác giả của nhiều tập thơ Cổ tích tình yêu, Hai mảnh yêu thương (in chung với Quang Vĩnh Khương), Ðồng quê, Khúc Sơn ca, Lặng lẽ xanh, Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình, Tiếng chim về cũ... Thơ anh nặng về ý, chắc về tứ, gọn và đằm trong những suy nghiệm.
Tháng 8.2024, nhà thơ Mai Thìn ra mắt bạn đọc cùng lúc hai tập thơ Tạ lỗi với mây xanh và Tiếng của thiên lương, lần nữa khẳng định nội lực sáng tác của anh.
Xúc động trước những nỗi đau
Với mỗi tập sách vừa ra mắt bạn đọc của nhà thơ Mai Thìn, đều xuyên suốt chủ đề với sự dày dặn những chia sẻ, thông điệp, đau đáu nỗi niềm với bao mất mát do chiến tranh gây nên, xót xa trước muôn nẻo nhân sinh thời hậu chiến.
• Chúc mừng anh đã cùng lúc ấn hành hai tập thơ “Tạ lỗi với mây xanh” và “Tiếng của thiên lương”. Dường như, hai tập này đều được anh sáng tác trong vài năm trở lại đây?
- Phần lớn các bài thơ trong hai tập này được tôi viết từ năm 2019. Đây là khoảng thời gian có nhiều biến động lớn với cá nhân và xã hội: Bệnh tật, phận người; sự phát triển của KHKT, bệnh dịch thế kỷ; những dối trá, thật giả ngày càng tinh vi; con người ngày càng cuốn theo vật chất; chiến tranh, bạo lực leo thang; tài nguyên cạn kiệt… Tất cả thôi thúc tôi không ngừng nghĩ về những điều đó và viết như một nhu cầu cấp thiết.
Năm 2020, tôi xuất bản tập thơ Tiếng chim về cũ, chủ đề về quê hương, rồi tập trung cho hai tập thơ mới này. Tạ lỗi với mây xanh chuyên một chủ đề hậu chiến và những phận người. Còn Tiếng của thiên lương tập trung cho các vấn đề về môi trường và đời sống.
• Tôi nhớ anh từng đạt giải thưởng Cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 2019 - 2020 với chùm ba tác phẩm: “Tạ lỗi với mây xanh”, “Ngược sông Lô”, “Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn”. Và gần đây nhất, anh đoạt giải trong cuộc thi Thơ hay 2023 do Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức với tác phẩm “Những quả bom chứa đầy nước mắt”. Đó đều là những bài thơ về chiến tranh và hậu chiến, được anh tuyển in trong “Tạ lỗi với mây xanh”. Anh khá tâm huyết với đề tài này?
- Không phải đến Tạ lỗi với mây xanh tôi mới viết về chiến tranh và hậu chiến, mà các tập thơ trước của tôi cũng xuất hiện rải rác nhiều bài thơ về đề tài này. Có thể nói đây là một đề tài lớn và khó viết với người trưởng thành sau chiến tranh. Tuy nhiên, đề tài này mang cho tôi nhiều xúc cảm khi bắt gặp các mối duyên từ đời sống. Cái duyên ấy là khi lên Hà Giang, thăm Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tôi viết Tạ lỗi với mây xanh, Ngược sông Lô; đi thực tế Côn Đảo, tôi viết Ở Côn Đảo, Ở Nghĩa trang Hàng Dương; đi Campuchia, tôi viết Những người đàn ông chơi nhạc ở Campuchia, Những mẩu xương trên cánh đồng chết; xem bộ phim Thương nhớ ở ai tôi viết Bến không chồng; xem clip những bà mẹ Ukraine tiễn con nhập ngũ, tôi viết Những quả bom chứa đầy nước mắt…
Từ cái nhạy cảm của riêng mình và sở thích đọc sách về chiến tranh, đặc biệt là các cuốn hồi ký, các tư liệu chiến tranh… có lẽ đã mang lại cho tôi cái duyên này chăng. Và tôi muốn đi đến tận cùng với những cảm xúc mình có được.
• Tôi đang hình dung, hẳn đã có những câu chuyện trên chính quê hương mình xúc tác cho những rung động thi sĩ...
- Ngoài những mối duyên giúp tôi viết được nhiều bài về đề tài chiến tranh như trên đã nói, trong tập Tạ lỗi với mây xanh, có một số bài lấy xúc cảm từ tuổi thơ tôi, từ gia đình tôi, quê hương tôi: Thế giới này một nửa, Những bà mẹ già, Người mài dao trên phố, Giữa hai cơn đau… hay như chùm bài: Giỗ chung, Không mồ, Má tôi và những tiếng chuông là tôi viết về gia đình vợ tôi. Bố vợ tôi là lính Việt Nam Cộng hòa, mất ở trận ĐăkTô - Tân Cảnh. Chú vợ tôi là bộ đội đặc công, hy sinh ở Quảng Ngãi. Cả hai đều không có mồ, vì không tìm được hài cốt. Sau 1975, gia đình vợ tôi nhiều lần đi tìm, nhưng tuyệt vọng, đành đặt cái chuông lớn cúng cho một tịnh thất để sau này làm nơi cúng giỗ hương hồn của cha và chú tôi…
Xót xa trước nhiều biến đổi xã hội
Sự biến đổi, đảo lộn nhiều giá trị của đời sống xã hội khiến người cầm bút không khỏi xót xa, ngẫm ngợi. Nhà thơ Mai Thìn nén chặt những ý niệm về muôn mặt đời sống ấy vào thơ, từ đó tha thiết gọi về lòng trắc ẩn, tiếng nói của thiên lương.
Nhà thơ Mai Thìn (ngoài cùng bên phải) và các nhà văn, nhà thơ tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ảnh: NVCC
• “Tiếng của thiên lương”, tên tập thơ dường như cũng gói ghém chút bất an của nhà thơ trước nhiều biến đổi của xã hội hiện tại?
- Ban đầu tôi định lấy tên của tập thơ là Không tự mình thành biển (tên một bài thơ trong tập), nhưng phút cuối tôi đổi lại là Tiếng của thiên lương. Vì tôi muốn tập thơ góp một tiếng vọng vào đời sống, một đời sống mà nhiều giá trị đang biến đổi khôn lường, mong giúp con người giữ cái thiên lương vốn có.
• Tôi rất ấn tượng với bài thơ dài “Thế hệ chúng tôi” trong tập “Tiếng của thiên lương”. Anh có ghi trong sách thời gian viết từ 7.2019 - 4.2024, anh có thể chia sẻ thêm về duyên nợ với bài thơ này?
- Thời chiến tranh, chúng ta tự hào về một đội ngũ những người làm thơ và hàng loạt các tác phẩm xuất sắc ghi lại khá đầy đủ diện mạo của cuộc chiến. Sau 1975, đất nước trải qua bao gian khó của hậu chiến, của những ấu trĩ quan liêu bao cấp, rồi đến những tiêu cực, những mặt trái của nền kinh tế thị trường thời đổi mới, cùng khát vọng xây dựng đất nước… Tất cả những điều ấy thôi thúc tôi viết Thế hệ chúng tôi. Bài thơ hơn 100 câu, hầu như được viết trong hai đêm, nhưng phải 5 năm sau mới hoàn chỉnh và gửi in báo. Tôi thường viết rất nhanh, nhưng thời gian để đọc và sửa thì chậm. Nhiều khi phải cả năm mới sửa thêm được một câu, hay một chữ. Và mỗi lần như thế thì... sướng không gì bằng (cười).
• Với người sáng tác, nghĩ ra được một tứ thơ là niềm hạnh phúc lớn. Anh thường chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với ai đầu tiên?
- Người đầu tiên là vợ và con gái, vì họ cũng thích đọc sách, đọc thơ; đôi khi tôi cũng nhận được vài nhận xét từ họ. Ngoài ra, tôi may mắn có được vài người bạn thân thiết cùng sở thích. Thỉnh thoảng, chúng tôi chuyển cho nhau bản thảo mới viết, không chỉ để chia sẻ niềm vui, mà còn đọc và góp ý cho nhau.
• Vai trò Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, bao công việc xoắn lấy một người lãnh đạo, không biết anh sắp xếp như thế nào cho những riêng tư xúc cảm của mình, với thơ?
- Lúc bận bịu, tôi sợ nhất là mất đi xúc cảm sáng tác, nhưng có lẽ vì trời thương nên cái duyên của tôi với thơ đến giờ có thể nói là không dễ gì tách rời được. Để giữ được cái duyên này, tôi cũng phải rất cố gắng trong công việc và đời sống. Cố gắng không mang việc về nhà. Làm sao để giữ cho tâm an tịnh, né các va chạm để... thơ nó khỏi bỏ đi mất (cười).
Tôi làm thơ trong điện thoại. Lúc gặp xúc cảm, tình cờ một tứ hay thì bấm vài câu để đó. Khi rỗi, thường là trưa hoặc đêm về, tôi triển khai tiếp. Rồi đọc, rồi sửa, rồi in ra, rồi lại đọc, lại sửa. Đầu giường nhà tôi luôn có một cái đèn bàn và một cây bút. Đêm nào tôi cũng đọc, đọc để tìm câu, tìm chữ chưa ổn. Tìm được một chữ để thay là vùng dậy, lấy bút ghi ngay, kẻo sáng ra quên mất. Nên tôi từng ví trong bài thơ Làm thơ làm người rằng: “Làm thơ/ cũng khó như làm người” là vậy.
• Cám ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh có thêm nhiều sáng tác hay!
Nhà thơ Mai Thìn sinh năm 1965 ở Nhơn Thành, TX An Nhơn. Tốt nghiệp Khoa tiếng Nga, Trường ĐH ngoại ngữ Đà Nẵng. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Anh đã đạt giải nhất Cuộc thi Thơ trẻ năm 1990; 7 giải thưởng VHNT Đào Tấn - Xuân Diệu và nhiều giải thưởng khác trong nước.
PHONG LINH (Thực hiện)