Làm điều bình thường với nỗ lực phi thường
Ðó là anh Nguyễn Phi Thường (29 tuổi, ở khu phố 5, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), kỹ sư bảo trì tại Tổ bảo trì, Phòng kỹ thuật thuộc Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam (TP Quy Nhơn). Hơn 5 năm làm việc tại đơn vị, anh Thường đã có nhiều sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí.
Tuổi trẻ là động lực
Trong ấn tượng của rất nhiều người, Nguyễn Phi Thường là kỹ sư trẻ giỏi chuyên môn, năng động, sáng tạo. Anh được nhiều người ví von là “cây sáng tạo trẻ” của Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam.
● Sáng kiến sẽ dễ dàng xuất hiện khi ta đủ trải nghiệm, kinh nghiệm với công việc, anh nghĩ gì về quan điểm này?
- Trong mọi ngành nghề, các ý tưởng, sáng kiến sẽ luôn xuất hiện khi chúng ta mới tiếp cận với công việc. Tôi tự gọi đó là “xúc cảm” ban đầu của bản thân. Mọi người thường dễ dàng quên đi những “xúc cảm” ấy sau một thời gian làm việc, hình thành thói quen và lặp đi lặp lại. Nhưng nếu lưu giữ “xúc cảm” một cách cẩn thận, tiếp tục nghiền ngẫm, nghiên cứu và đầu tư một cách nghiêm túc, ý tưởng sáng tạo sẽ đến và nhiều khả năng trở thành hiện thực.
Công việc hằng ngày của kỹ sư Nguyễn Phi Thường là triển khai các hoạt động bảo trì và nâng cấp thiết bị. Ảnh: N.M
Tôi tin rằng, tuổi trẻ là động lực, là cơ sở, là tài sản vô giá cho sự sáng tạo. Và tất nhiên, để những sáng tạo đó trở thành hiện thực thì không thể thiếu kinh nghiệm. Người trẻ muốn biến những ý tưởng tâm đắc của mình trở thành sáng kiến hữu ích cần phải kết hợp hài hòa giữa việc nuôi dưỡng tinh thần tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm và sự trải nghiệm sâu sắc với chính công việc mình đang làm.
● 12 sáng kiến trong 5 năm làm việc có lẽ là gia tài không nhỏ đối với một kỹ sư trẻ. Đâu là sáng kiến mà anh tâm đắc nhất?
- Cả 12 sáng kiến đều là những “đứa con tinh thần”. Nếu nói về sáng kiến tâm đắc nhất, tôi chọn “hệ thống xử lý ảnh để loại bỏ chai in hạn dùng bị lỗi”. Đây là sáng kiến mà tôi dành rất nhiều thời gian từ công ty cho đến về nhà để nghiên cứu, hiện thực hóa.
Đề tài này ứng dụng công nghệ “thị giác máy tính”. Lần đầu tiên tôi tiếp cận lĩnh vực này nên cũng có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công, tôi cảm thấy tự hào mỗi khi nhìn thấy sáng kiến của mình được ứng dụng và mang lại hiệu quả cho công ty.
● Nhiều đồng nghiệp nói vui: Thường là “cây” săn tiền thưởng lao động sáng tạo của công ty khi “bỏ túi” một khoản tiền kha khá với trung bình có 2 đến 3 sáng kiến được công nhận, khen thưởng mỗi năm…
- Tôi luôn biết ơn vì sự ghi nhận của các anh chị đồng nghiệp, lãnh đạo công ty đối với các ý tưởng, sáng kiến của mình. Tôi thấy mình may mắn khi được lao động và cống hiến trong môi trường luôn tôn trọng những sáng tạo trẻ, luôn tạo điều kiện cho các cá nhân có nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ được phát huy.
Mức tiền thưởng bao nhiêu không quan trọng lắm mà điều cốt lõi là tôi được trau dồi thêm nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm. Đây là động lực rất lớn cho việc tìm tòi, học hỏi, phát triển bản thân.
Thà trễ còn hơn… không bao giờ
Nguyễn Phi Thường nhận bằng khen của UBND tỉnh vào năm 2024 về những đóng góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023; được Trung ương Đoàn tặng bằng khen Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ XIV - năm 2023 và nhiều giấy khen, danh hiệu của cơ quan, các cấp, ngành.
● Nhìn bảng thành tích khá ấn tượng sau 5 năm làm việc tại Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam, tôi hình dung về một Nguyễn Phi Thường ngày còn nhỏ say mê khám phá, nghiên cứu về máy móc, thiết bị xung quanh mình…
- (Mỉm cười). Thật ra, niềm say mê này lại đến với tôi khá trễ và cũng khá trắc trở.
Tôi tốt nghiệp THPT và bước vào bậc đại học năm 2013 tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Sau khoảng 3 năm học tập, tôi nhận ra rằng tất cả tài liệu liên quan đến chuyên ngành đều sử dụng tiếng Anh và quyết định bảo lưu một năm để tập trung hoàn toàn vào học tiếng Anh.
Quay trở lại trường để tiếp tục con đường học tập sau khi trang bị tiếng Anh, tôi lại gặp một khó khăn mới, đó là không tìm thấy được niềm đam mê trong chuyên ngành mà mình đang theo đuổi - Tự động hóa. Nhiều lần, tôi có ý định từ bỏ để chuyển sang một con đường khác.
Cho đến khi thực hiện đồ án tốt nghiệp, tôi được giáo viên hướng dẫn - thầy Lâm Tăng Đức (giảng viên bộ môn Tự động hóa, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) định hướng và chia sẻ những điểm hay trong lập trình tự động hóa. Nhờ đó, tôi đã được khơi dậy niềm đam mê của bản thân và bắt đầu tìm hiểu tất cả mọi thứ liên quan đến tự động hóa một cách nghiêm túc.
Tôi chọn ngành học vì nghĩ với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyên ngành liên quan đến tự động hóa là phù hợp với xu thế, nhưng phải đến năm cuối, tôi mới thật sự yêu thích và say mê với điều mình chọn. Mọi người có nghĩ là tôi tìm thấy đam mê quá trễ không? Nhưng, thà trễ còn hơn… không bao giờ.
● Tìm thấy niềm đam mê thật sự với ngành nghề mình chọn đã nhọc, nhưng giữ được ngọn lửa đam mê chắc hẳn là sẽ khó hơn…
- Là dân kỹ thuật, lại được sống trong thời đại mà đổi mới sáng tạo là kim chỉ nam cho mọi ngành nghề, tôi tin việc tìm tòi, cải tiến là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, những tấm gương đã đạt những thành tựu to lớn, chứng minh được sức sáng tạo của Việt Nam trong thời gian qua đã mang tới cho tôi niềm cảm hứng to lớn.
Mỗi khi thấy các sáng kiến của mình được đóng góp vào hoạt động sản xuất là một niềm hạnh phúc khó tả là nguồn động lực để tôi tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình cho công cuộc đổi mới sáng tạo.
Ấp ủ và tiếp tục nỗ lực
Đổi mới sáng tạo là hành trình không có điểm kết thúc. Trên hành trình này, kỹ sư trẻ Nguyễn Phi Thường đang nỗ lực ghi dấu ấn cá nhân, như một cách sống trọn vẹn cho cái tên đặc biệt mà cha mẹ đã đặt cho.
● Với cái tên khá đặc biệt của mình, anh có gặp phải nhiều áp lực không?
- Cái tên gắn với sự kỳ vọng của cha mẹ. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nhiều lần được chú ý về cái tên này. Nói là áp lực thì không đúng lắm! Nhưng khi được sự chú ý đôi chút, mình ý thức được rằng phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn. Tôi thích mọi người gọi mình là “Thường” thôi, bởi bản thân vẫn chưa “Phi Thường” lắm. Tôi sẽ luôn cố gắng xứng đáng với cái tên mà cha mẹ đã đặt - một “người bình thường” nỗ lực làm nên những “điều phi thường”, ý nghĩa với cuộc đời.
● Chia sẻ về một số ý tưởng, sáng kiến mà anh đang ấp ủ?
- Hiện tại, tôi tiếp tục cố gắng tiếp cận các công nghệ mới để phục vụ cho việc nâng cao năng suất sản xuất của công ty.
Trong năm 2024, tôi đã nghiên cứu được 4 ý tưởng, sáng kiến, hiện tại đang trong quá trình thử nghiệm để xem xét hiệu quả và những lỗ hổng có thể xảy ra. Đó là: Nâng cấp hệ thống điều khiển của máy đóng dịch chai thủy tinh; nâng cấp và thay đổi quy trình kiểm tra rò rỉ ống tiêm; thiết kế và lắp đặt hệ thống giám sát nhiệt độ tại dây chuyền ASEPTIC; thiết kế và nâng cấp chương trình nồi hấp tiệt trùng thuốc tiêm.
Tôi hy vọng trong năm 2025, các ý tưởng này sẽ thành hiện thực và được áp dụng rộng rãi trong công ty.
● Cảm ơn Thường! Chúc hành trình sáng tạo của anh tiếp tục gặt hái nhiều quả ngọt!
“Thường là lao động trẻ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và đầy tiềm năng trong phong trào Lao động sáng tạo. Thời gian qua, rất nhiều sáng kiến, sáng tạo của Thường đã được công ty ghi nhận, khen thưởng. Với những nỗ lực và thành tích đã đạt được, Công đoàn Công ty đã hoàn thành hồ sơ đề nghị LĐLĐ tỉnh đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho Thường”.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)