Đôi chân khuyết miệt mài hành trình thiện nguyện
Nhiều năm qua, dù mất 1 chân sau tai nạn giao thông nhưng anh Nguyễn Văn Lưu (SN 1994, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) vẫn tham gia, thậm chí tự mình đứng ra tổ chức, kêu gọi nhiều hoạt động thiện nguyện. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng về thái độ sống tích cực, lạc quan, vượt qua nghịch cảnh để trao yêu thương.
“Biết chấp nhận” là bài học đầu tiên
Năm 2016, từ một chàng trai khỏe mạnh với bao hoài bão và khát khao, vụ TNGT kinh hoàng đã tước đi một phần cơ thể của anh Lưu. Để lại sau lưng nỗi đau, khát vọng sống trong anh dần “nảy mầm”. Với anh, “chấp nhận bản thân mình khác biệt” là bài học lớn trong đời…
* Biến cố đột ngột ập đến, hẳn anh đã rất khó chấp nhận…
- Lúc biến cố xảy đến, tôi đang trong độ tuổi đẹp nhất của đời người khi mới 23 tuổi. Khát khao được khám phá thế giới cùng bao nhiêu hoài bão, dự định cho tương lai bỗng chốc sụp đổ.
Tôi nhớ mãi cái đêm nằm trên bàn mổ, dù được gây mê nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để nghe các y bác sĩ phẫu thuật nói về tình trạng của mình. Rồi khi vào phòng hồi sức tích cực, nhìn xuống cơ thể không còn trọn vẹn của mình, sự sợ hãi, mất mát cứ theo nước mắt tuôn ra.
Những tưởng cảm xúc chỉ đến thế nhưng đến khi bố mẹ biết tin và vào bệnh viện, chứng kiến mẹ mình ngất xỉu vì sốc, tôi lại lần nữa vỡ òa. Thực sự, khi nhìn người thân đau lòng vì mình, tôi cảm giác tim mình thắt lại. Nỗi sợ một lần nữa chiếm lấy tôi. Hình ảnh thằng con trai khuyết tật trở thành gánh nặng cho gia đình cứ ngày một rõ dần trong tâm trí tôi.
Suốt những ngày sau đó, tôi khóc mãi vì tự ti, hụt hẫng. Mọi thứ đến quá đột ngột khiến tôi chưa thể chấp nhận nổi. Tuy nhiên, khi lắng nghe lời động viên của đội ngũ y bác sĩ, tôi hiểu rằng mình may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác vì còn sống. Từ đây, tôi dặn mình nên chấp nhận thực tế - dù nó có nghiệt ngã và từng bước vực dậy.
Vượt qua rào cản đôi chân khuyết, anh Nguyễn Văn Lưu (trái) vẫn hăng hái cùng bạn bè hướng về miền Bắc, chia sẻ khó khăn với người dân chịu thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Ảnh: NVCC
* Để bắt đầu một “cuộc sống khác” chắc hẳn không ít khó khăn…
- Tất nhiên, mọi chuyện không thể suôn sẻ từ đầu. Sau nỗi sợ đầu đời, tâm lý tôi thay đổi ít nhiều. Nhưng rồi, khi nguôi ngoai dần, tôi “bắt tay” làm quen, sống một cuộc sống khác. Tôi học cách chăm sóc chiếc chân đau, tập những thói quen sinh hoạt mới và dần quen với diện mạo mới của mình.
Theo thời gian, “vết thương lòng” của tôi hồi phục, giúp tôi nhận ra mình hạnh phúc biết bao khi mình còn có thể đi lại, tâm trí minh mẫn và còn mẹ cha ở cạnh. Lúc này, mong muốn được lắng nghe, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trong tôi lớn dần, thôi thúc tôi tham gia hoạt động thiện nguyện.
* Anh từng chia sẻ: “Dù mình không hoàn hảo nhưng sẽ yêu thương sự hoàn hảo của người khác”. Vậy theo anh, thế nào là cách “yêu thương sự hoàn hảo”?
- Đó là phương châm sống mà tôi luôn tâm đắc! (Cười) Với tôi, câu nói ấy đơn giản là lời khẳng định rằng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, bất kể gần xa, xa lạ hay thân quen. Chỉ cần có thể góp chút sức mình để góp phần “dìu” họ qua cơn hoạn nạn, tôi sẽ không ngần ngại.
Có thể cơ thể tôi không lành lặn như bao người nhưng điều đó sẽ không ngăn cản tôi lan tỏa yêu thương, bằng cả trái tim lành lặn này.
Chiếc chân đau và niềm hạnh phúc bất tận
Với anh Lưu, chiếc chân đau vì phải di chuyển nhiều - lại mang theo hy vọng và niềm hạnh phúc bởi nó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ. Thay vì mặc cảm, anh xem đó là “dấu ấn riêng” một cách đầy lạc quan…
* Dù khiếm khuyết nhưng anh vẫn chọn rong ruổi trên những chặng đường xa để làm thiện nguyện?
- Thật lòng mà nói, sức khỏe tôi không tốt. Nếu đi nhiều, di chuyển liên tục, chân sẽ đau, người cũng nhức mỏi. Tuy nhiên, tôi lo rằng nếu mình không đến tận nơi gặp từng bệnh nhân, người nhà của họ hay những người kém may mắn, tôi sẽ không thể hiểu rõ sự tình cũng như việc kêu gọi sẽ chưa thật chi tiết, rõ ràng.
Thêm vào đó, tôi thấy mình may mắn khi có duyên kết nối, vận động để kêu gọi chi phí điều trị bệnh cho nhiều hoàn cảnh khó khăn suốt những năm qua. Thế nên, tôi quyết định tạm gác sự mỏi mệt ấy để lên đường vì biết đâu, chỉ cần mình cố gắng thêm chút nữa, sẽ có thêm người được giúp đỡ…
Tôi vẫn nhớ, chuyến xa nhất tôi từng đi là đến tỉnh Điện Biên, vào năm 2023. Khi ấy, tôi nghe tin một phụ nữ người dân tộc Thái mắc bệnh nặng nhưng gia đình không có tiền chạy chữa. Không nghĩ nhiều, từ Bình Định tôi ra Hà Nội, rồi đi xe lên tận nhà để thăm và viết bài kêu gọi. Trong 2 ngày, hơn 470 triệu đồng đã được mọi người chung tay gửi về, giúp cô ấy được điều trị và chỉ sau 20 ngày, “phép màu” đã đến khi cô hoàn toàn khỏi bệnh.
Anh Nguyễn Văn Lưu (bìa phải) trực tiếp có mặt, hỗ trợ người nhà đưa cháu bé bị bỏng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để điều trị. Ảnh: NVCC
* Đi khắp nơi như vậy, đâu là chuyến đi đáng nhớ nhất với anh?
- Cuối tháng 9 vừa qua, tôi cùng bạn bè đến miền Bắc để hỗ trợ người dân huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi). Tôi là trưởng đoàn, chịu trách nhiệm sắp xếp mọi việc cho cả đoàn gồm 39 người.
Từ cuối năm 2018, anh Nguyễn Văn Lưu bắt đầu hành trình “gieo duyên” của mình. Đến nay, anh đã kêu gọi hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp trong và ngoài tỉnh. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, anh đã kêu gọi kinh phí giúp 56 trường hợp với tổng số tiền 11,9 tỷ đồng.
Vì đi cứu trợ nên chúng tôi gấp gáp chuẩn bị hàng hóa, chỉ mong sao đi thật nhanh. Rong ruổi cả ngày lẫn đêm, chúng tôi đến 9/12 xã của huyện, trao tận tay người dân từng phần nhu yếu phẩm và tiền mặt.
Suốt chặng đường, tôi thường xuyên xoa bóp giúp chân bớt đau để còn gắng sức cùng anh em vận chuyển quà cũng như kiểm kê hàng hóa. Mệt lắm chứ, nhưng được giúp kịp thời những người dân gặp thiên tai bao mệt nhọc cứ tan biến. Nhờ mọi người cùng hết mình, chuyến đi thành công tốt đẹp.
Thế rồi, tôi vừa trở về quê nhà thì lại nhận được tin về trường hợp 1 em nhỏ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai bị bỏng nặng, tiền của trong gia đình em cạn kiệt. Chưa kịp hồi sức, tôi không chút đắn đo vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), kết nối nhà hảo tâm, lo xe cộ để cùng người nhà bệnh nhân đưa em ra Hà Nội chữa trị. Tôi sợ rằng nếu mình chần chừ thêm một chút, phần trăm chữa khỏi cho cậu bé ấy sẽ vơi bớt. Thật may, cậu bé đã được chữa trị kịp thời.
Với tôi, “chuyến đi đúp” này để lại cho tôi nhiều ấn tượng: Tôi vừa ra Bắc, lại vào Nam và hạnh phúc thay, cả 2 chuyến đều đạt kết quả như tâm nguyện. Nó giúp củng cố thêm niềm tin trong tôi, rằng mỗi một sự nỗ lực vì điều thiện sẽ được đáp lại bằng quả ngọt.
* Chắc hẳn, suốt hành trình “tìm lại chính mình”, anh đã gặp rất nhiều người bạn cùng chung chí hướng…
- Đây lại là một niềm hạnh phúc khác của tôi! Trong hành trình này, tôi quen được nhiều người bạn tốt, kể cả người khỏe mạnh hay khiếm khuyết thì điểm chung ở họ là đều hướng thiện, khao khát trao đi, không hề vụ lợi.
Tôi luôn dặn mình sống lạc quan, tích cực nhưng vẫn có lúc, tôi thấy yếu lòng với những nỗi niềm khó tỏ bày. Khi ấy, họ đã lắng nghe, thấu hiểu và truyền động lực cho tôi, giúp tôi mau chóng lấy lại cân bằng để tiếp tục cho chặng đường kế tiếp.
Tôi từng nghĩ, nếu biến cố ngày đó không xảy đến, chưa chắc tôi đã trở thành phiên bản lạc quan và được mọi người yêu thương, tin tưởng như hiện tại. Giây phút ấy, tôi nhận ra: Hạnh phúc có rất nhiều hình hài, nếu mình chẳng may “khuyết” một chút, hạnh phúc sẽ vẫn xuất hiện khi ta biết yêu thương - yêu mình và thương người…
* Cảm ơn anh! Chúc anh sức khỏe và luôn bền bỉ trên hành trình thiện nguyện của mình!
DƯƠNG LINH (Thực hiện)