Với tôi, dạy học là hành trình không bao giờ kết thúc
Trên hành trình ấy, cô giáo Lê Thị Kim Oanh (SN 1966, cựu giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) đã cùng học trò của mình ký những bản “hợp đồng học tập”, để rồi từ đó cô nhận ra rằng “học trò không chỉ là người học, mà còn là người thầy, dạy cho tôi nhiều điều thú vị”.
Sau 25 năm miệt mài đứng lớp, bằng sự tận tâm và tình yêu vô bờ dành cho học sinh, cô giáo Lê Thị Kim Oanh đã truyền dạy kiến thức môn Văn học và nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ học trò.
Dù đã về hưu, cô Lê Thị Kim Oanh vẫn tham gia giảng dạy trực tuyến cho học sinh THCS. Ảnh: HỒ ĐIỂM
- Cô Oanh đã 10 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 12 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen; có 10 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, có đề tài nghiệm thu, ứng dụng vào thực tế; 3 lần đạt giải cuộc thi “dạy học theo chủ đề Tích hợp liên môn” cấp Bộ (năm 2013, 2014 và 2015)…
Với những thành tích đạt được, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú vào tháng 12.2023.
● Gắn bó với nghề hơn 25 năm, điều gì đã giúp cô luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết ấy?
- Đối với tôi, nghề giáo không đơn giản là công việc, mà là một phần của cuộc sống, là niềm hạnh phúc.
Suốt 25 năm qua, tôi đã dạy biết bao thế hệ học sinh và rất nhiều em để lại trong tôi kỷ niệm đáng quý. Có những đêm khuya, khi đã về hưu, tôi vẫn nhớ đến ánh mắt ngây thơ của các em. Với tôi, chính các em là nguồn động lực lớn nhất.
Mỗi thành tựu đạt được, từ các danh hiệu cho đến sáng kiến giảng dạy, tất cả đều nhờ vào tình yêu và sự kiên trì mà các em đã truyền lại cho tôi. Với tôi, nghề giáo là phải luôn cống hiến và tiếp tục giảng dạy, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.
● Trong chặng đường ấy, chắc hẳn cô có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với học trò?
- Để lại nhiều kỷ niệm nhất cho tôi có lẽ là thời điểm giảng dạy tại Trường PTCS Nhơn Hội. Năm 1997, lúc tôi về dạy tại trường là thời điểm trường tổ chức dạy lớp 9 đầu tiên. Tôi được phân công giảng dạy bộ môn Ngữ văn và chủ nhiệm lớp. Vì đường sá còn trắc trở, di chuyển khó khăn nên đa phần giáo viên ở nội trú tại trường, điều kiện sinh hoạt lúc đó khó khăn lắm!
Cô Lê Thị Kim Oanh trong một buổi lên lớp. Ảnh: NVCC
Học sinh của tôi hiền, ngoan và hiểu chuyện khiến chúng tôi nhiều lúc chạnh lòng. Tôi còn nhớ như in, tầm chiều chạng vạng hôm ấy, một học sinh nam mang cho tôi con cua biển, bảo mẹ biếu cô. Tôi nghẹn ngào, xúc động lắm! Không chỉ vậy, có món gì tụi nhỏ cũng mang sang.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em có ý định bỏ học để phụ giúp cha mẹ, tôi phải về tận nhà và động viên các em rằng “học hành không phải chỉ để đạt điểm cao, mà là để biết cách đối diện với những khó khăn, thử thách”. Sau những buổi trò chuyện như vậy, các em quay lại lớp học. Khoảnh khắc ấy thật sự khiến tôi xúc động, vì tôi hiểu rằng công việc của mình không chỉ là giảng dạy mà còn là mang lại niềm tin và động lực cho các em trong những lúc khó khăn nhất.
● Được biết cô có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, như phương pháp “dạy học theo hợp đồng”. Cô có thể chia sẻ thêm về sáng kiến này?
- Phương pháp này xuất phát từ mong muốn giúp học sinh có ý thức trách nhiệm hơn với việc học của mình. Tôi lên ý tưởng và thực hiện sáng kiến này cùng với cô Nguyễn Thị Phượng Hiền, thời điểm dạy tại Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn). Tôi thường nói với các em rằng “chúng ta sẽ cùng ký một bản hợp đồng về mục tiêu học tập”.
Theo đó, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh bằng các hoạt động ký kết, có cam kết cụ thể, nhiệm vụ rõ ràng và thời hạn hoàn thành. Mỗi lần hoàn thành, các em sẽ được đánh dấu và nhận được lời khen ngợi. Các em vui, tự hào vì mình hoàn thành nhiệm vụ, từ đó giúp các em có ý thức hơn, động lực và trách nhiệm với chính việc học của bản thân.
● Văn học là môn học cần có cảm xúc và tư duy, khi giảng dạy những tác phẩm, cô thường truyền đạt ý tưởng thế nào để các em thấu hiểu và yêu thích?
- Văn học là cuộc sống, là những giá trị nhân văn, tôi muốn các em không chỉ đọc văn mà phải “sống cùng văn”. Chẳng hạn, trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương tôi khuyến khích học sinh thử hình dung mình là Vũ Nương, để cảm nhận nỗi đau và sự oan trái của nhân vật. Đặc biệt, với tác phẩm này, tôi thực hiện đề tài thảo luận về bình đẳng giới, sự tôn trọng và trân quý lẫn nhau trong gia đình. Nói về người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, thủy chung…, nhưng khi bước ra ngoài xã hội, họ vẫn có địa vị. Nhiều góc nhìn và hướng tiếp cận khác nhau, giúp các em hiểu rằng văn học không phải chỉ là bài học trên giảng đường, mà còn là bài học về cách sống, về lòng trắc ẩn, bao dung.
● Được biết, dù đã nghỉ hưu gần 2 năm nay, cô vẫn duy trì dạy học trực tuyến và thỉnh thoảng vào TP Hồ Chí Minh giảng dạy theo lời mời. Điều gì khiến cô tiếp tục cống hiến, dù với nhiều người đây là khoảng thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi?
- Nghỉ hưu không có nghĩa là tôi từ bỏ đam mê của mình, không có nghĩa là ngừng giảng dạy, ngừng truyền tải kiến thức cho các em…
Đối với một giáo viên, hạnh phúc lớn nhất là được truyền đạt kiến thức, được nghe gọi 2 tiếng “cô giáo”. Mỗi lần đứng lớp, dù là trực tuyến, tôi vẫn cảm thấy trái tim mình đập nhanh vì hồi hộp, vì yêu thương và cả nhiệt huyết đối với nghề. Với tôi, dạy học là hành trình không bao giờ kết thúc, bởi các em học trò giúp ngọn lửa đam mê của tôi luôn sáng cháy.
Không chỉ thế, học trò không chỉ là người học, mà còn là người thầy, dạy cho tôi nhiều điều thú vị. Tôi mong mỏi nhìn thấy các em trưởng thành, đó là cảm hứng, là động lực giúp tôi tiếp tục hành trình gieo mầm tri thức, dù đã về hưu.
● Xin cảm ơn cô! Chúc cô luôn mạnh khỏe và tiếp tục truyền cảm hứng, soi sáng cho hành trình tri thức của các thế hệ học trò!
HỒ THỊ ĐIỂM (Thực hiện)