Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Dũng: Bệnh nhân là người thầy lớn nhất
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVÐK tỉnh) mở đầu cuộc trò chuyện không phải về niềm vui danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân vừa được phong tặng như chúng tôi “đặt hàng”, mà về “cuộc chiến” đưa bé gái 9 tuổi bị sốt xuất huyết Dengue sốc nặng trở về từ cửa tử.
Ảnh: M.H
Đó là bé Nguyễn Thị Thanh D. (9 tuổi, phường Đập Đá, TX An Nhơn) bị sốt xuất huyết (SXH) sốc nặng, chuyển viện từ TTYT TX An Nhơn vào bộ phận Hồi sức cấp cứu - chống độc của Khoa Nhi ngày 20.12.2024, trong tình trạng rất nặng, mạch quay nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp tụt kẹp, tổn thương tim và gan nặng, rối loạn chức năng đông máu nặng.
Xử lý cấp cứu nhanh chóng được triển khai, dù vậy bệnh nhi vẫn sốc kéo dài, tràn dịch nhiều màng phổi, màng bụng, suy hô hấp.
Bác sĩ Dũng theo dõi cấp cứu bệnh nhi D.. Ảnh: M.H
Giữa đêm 20.12.2024, bác sĩ phải đặt nội khí quản cho bé thở máy. Sáng hôm sau, chính bác sĩ Dũng trực tiếp chọc dẫn lưu dịch ổ bụng cho bé D. lấy ra hơn 1.000 ml. Ngày 22.12, bệnh nhi suy gan ngày càng nặng, men gan tăng trên 14.000 UI/L, hội chẩn và tham vấn với chuyên gia Bệnh viện Nhi Đồng II, bác sĩ Dũng quyết định lọc máu liên tục kết hợp thay huyết tương ngay tại khoa…
Tối 27.12.2024, bé D. đã được cai thở máy, rút ống nội khí quản.
Hạnh phúc của người thầy thuốc…
Ngày đầu năm mới 2025 này niềm vui vỡ òa khi bác sĩ Dũng gọi điện thoại cho tôi báo tin vui sức khỏe bé D. đã ổn định, có thể xuất viện về nhà vài ngày tới. “Đây là trường hợp SXH nặng nhất những năm qua được chúng tôi cứu sống khi áp dụng các kỹ thuật hồi sức cấp cứu tốt nhất, đặc biệt kết hợp cùng lúc kỹ thuật lọc máu liên tục và thay huyết tương”, bác sĩ Dũng nói.
Hiện sức khỏe bệnh nhi D. đã ổn định. Ảnh: M.H
• Ông có nhớ hết số trường hợp bệnh nhi đã được cứu sống như thế nào?
Chịu thôi, sao nhớ nổi (cười)! Nhưng mỗi ca cứu thành công, đặc biệt bệnh nặng như thế này là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
• Nhưng hẳn bệnh nhi Nguyễn Thị Thanh D., ông sẽ không thể quên…
Chính xác là sẽ nhớ mãi. Đây là ca thứ 3 bị sốc SXH nặng mà khoa phải lọc máu kết hợp thay huyết tương. Khác với một số cơ sở y tế lọc máu liên tục và thay huyết tương xen kẽ, kết hợp được cả hai kỹ thuật này cùng lúc sẽ hiệu quả hơn. Bởi, thời gian cấp cứu bệnh nhi quý hơn vàng nên mọi quyết định phải vừa kịp thời vừa chính xác.
Có một ca cấp cứu cho bệnh nhi SXH nặng tiên lượng 99% tử vong vài năm trước cũng để lại nhiều kỷ niệm. 4 giờ sáng, nhận cuộc gọi từ bác sĩ trực cấp cứu, tôi lao từ nhà vào bệnh viện tiến hành các điều chỉnh, xử lý thông số máy thở, thuốc vận mạch, chọc dẫn lưu màng phổi và màng bụng… Sau đó, bé vượt qua cơn nguy kịch ngoạn mục. người nhà trẻ mừng một, bác sĩ chúng tôi mừng đến mười !
• Ông từng nói điều trị mỗi bệnh nhi nặng là một “trận chiến”?
Hồi sinh viên y năm thứ 4 Trường ĐH Y Huế, đi thực tập, tôi chứng kiến một ông thầy cấp cứu bệnh nhi mà thấy chóng mặt ở độ nhanh nhạy, tỉ mỉ, chính xác. Ra trường, hơn 35 năm gắn bó với nhi thì hết 30 năm làm cấp cứu nhi, tôi càng thấm điều đó.
Thể trạng bệnh nhi rất mong manh, rất dễ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Vì vậy, mỗi sáng tôi đều đi làm thật sớm, xem một lượt bệnh nhi nặng, vào giao ban thì phân công, sắp đặt rất nhanh. Tôi yêu cầu bác sĩ, điều dưỡng xem điều trị mỗi ca bệnh nặng là một “trận chiến”, phải có chiến lược bài bản mới có thể cứu sống được bệnh nhi. Đến giờ, khoa đã triển khai và ứng dụng nhiều kỹ thuật hồi sức cấp cứu nhi, cứu sống nhiều bệnh nhi SXH nặng, viêm não cấp, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim cấp…
Bệnh nhân “tiếp sức” cho thầy thuốc
Khoa Nhi đã triển khai rất hiệu quả nhiều kỹ thuật mới trong cấp cứu nhi, như: Đo huyết áp động mạch xâm lấn; đo áp lực tĩnh mạch trung tâm qua tĩnh mạch nền; thở áp lực dương liên tục qua mũi; đo tĩnh mạch chủ dưới qua siêu âm; đo áp lực bàng quang đánh giá áp lực ổ bụng; chọc hút, dẫn lưu dịch màng bụng và màng phổi; lọc máu liên tục… Thành công đó đều đậm dấu ấn nghiên cứu của bác sĩ Dũng.
• Tôi hỏi thật, có vẻ như cái gì liên quan đến nhi ông cũng nghiên cứu?
Bệnh lý nhi hầu hết là cấp tính, cấp cứu chậm 5 - 7 phút là tử vong, nhưng làm tốt trong giai đoạn đó thì cứu được bệnh nhân. Nên gần như cái gì về nhi tôi cũng nghiên cứu để điều trị tốt hơn, nhất là hồi sức cấp cứu.
Ví dụ, sau khi nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật đo huyết áp động mạch xâm lấn, đến giờ tất cả bệnh nhân sốc đều được đo và theo dõi huyết áp liên tục. Đặc biệt, bệnh nhi SXH nặng thường bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, bắt buộc phải chọc dịch, nhưng ở trẻ rất dễ chảy máu nên kỹ thuật chọc dịch cũng đòi hỏi kỹ năng thuần thục… Rồi, trẻ bị tổn thương phổi, gan, tim rất nguy hiểm thì mình cũng phải nghiên cứu kỹ thuật mới trong hồi sức tích cực. Hay, triển khai sử dụng gamma globulin trong điều trị bệnh Kawasaki đem hiệu quả cao, không còn phải chuyển bệnh nhi vào TP Hồ Chí Minh.
Hiện, tử vong nhi tại khoa giảm từ 60 - 70 ca/năm xuống còn khoảng 20 ca/năm, rơi vào bệnh nặng, riêng SXH giờ không còn ca tử vong. Khoa Nhi không chỉ là tuyến cuối điều trị nhi của Bình Định mà còn tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhi từ Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên.
Hơn thế, bác sĩ không chỉ điều trị mà còn phải phòng bệnh. Ngoài các kỹ thuật điều trị, tôi còn triển khai nghiên cứu về viêm não Nhật Bản B, xuất huyết não ở trẻ em có nguyên nhân từ chế độ ăn uống của người mẹ… để đưa ra khuyến cáo chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn.
Nặng lòng với đội ngũ kế thừa
Chia sẻ về việc tiếp nhận, chuyển giao, triển khai và phát triển các kỹ thuật mới, chuyên khoa sâu tại BVĐK tỉnh, Giám đốc Nguyễn Hoành Cường nói rằng bệnh viện được “hưởng lợi” rất nhiều từ những lãnh đạo khoa rất tâm huyết trong đào tạo đội ngũ kế thừa như bác sĩ Dũng.
• Nghe nói trước đây ông thậm chí không có đến một ngày nghỉ phép, nhưng giờ ông có thể vắng mặt vài ngày thì các bác sĩ Khoa Nhi vẫn có thể xử lý công việc trơn tru…
Có được đội ngũ kế cận vững vàng cũng là một niềm hạnh phúc rất lớn, nhất là khi mình còn giữ vị trí quản lý. Khoa Nhi hiện có 24 bác sĩ (trong đó có 5 bác sĩ CKII, 13 bác sĩ CKI). Bác sĩ trẻ có nhiều điều kiện học tập, ngoại ngữ tốt, tiếp cận công nghệ nhanh. Nhưng có kiến thức rồi thì phải thực hành nhiều thì kỹ năng mới thuần thục được. Vì thế, bác sĩ đào tạo sau đại học như bác sĩ CKI, về khoa tôi cũng phải hướng dẫn anh em qua giao ban, cùng đi tua, trực tiếp làm kỹ thuật…
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng (SN 1964, tại TP Quy Nhơn) đã nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2014, 2023; Thầy thuốc Ưu tú năm 2014; Huân chương Lao động hạng III năm 2020; Thầy thuốc Nhân dân năm 2024.
Tôi cũng ở trong Ban chấp hành Hội Nhi khoa Việt Nam, có điều kiện tiếp cận chuyên gia về lĩnh vực này nên làm cầu nối cho anh em trẻ đi đào tạo cũng dễ hơn.
Chưa thời điểm nào mà việc kết nối với chuyên gia ngành nhi rộng và chuyên sâu như hiện nay, nên anh em bác sĩ, điều dưỡng nhi học được rất nhiều. Khoa Nhi đang là cơ sở đào tạo thực hành bác sĩ CKI, CKII của Trường ĐH Y khoa Huế; cơ sở thực hành cho sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột. Chúng tôi còn được kết nối hội chẩn, đào tạo trực tuyến với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Nhi Đồng II; đồng thời bình bệnh án trực tuyến hằng tuần…
Nhờ đó, bác sĩ nhi hầu như thuần thục những kỹ thuật cấp cứu nhi hiện có. Các thầy cũng đánh giá Khoa Nhi có kỹ thuật tốt so với bệnh viện tuyến tỉnh.
Có một chuyện nhỏ vui vui, đó là đợt dịch Covid-19, bác sĩ trẻ của chúng tôi làm tốt về cấp cứu, hồi sức, được điều động sang điều trị cho bệnh nhân người lớn tại Khoa Truyền nhiễm.
• Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)