Cơ hội cho doanh nghiệp Bình Ðịnh vào thị trường Bắc Mỹ
Ngày 28.3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, diễn ra Hội nghị xúc tiến thương mại với Hội Doanh nhân Việt Nam - Canada (VCBA). Ðây là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với VCBA và là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong tỉnh kết nối, hợp tác đầu tư, giao thương, tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
Thời gian qua, tỉnh Bình Định tranh thủ hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng lợi thế của tỉnh; đồng thời chủ động xúc tiến đầu tư, thương mại, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Canada. Các hoạt động tiếp xúc, kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các đối tác Canada tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại với Canada
Cuối tháng 11.2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư tại Canada với nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, hội thảo xúc tiến đầu tư với Canada do Bình Định phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty CP Becamex Bình Định tổ chức tại TP Burnaby (tỉnh British Columbia, Canada) thu hút sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh British Columbia và các tập đoàn, DN Canada.
Theo ông Lê Kim Toàn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver (Canada) Nguyễn Quang Trung và chính quyền tỉnh British Columbia cùng các tổ chức, tập đoàn, DN Canada đánh giá rất cao chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh. Những lĩnh vực Bình Định thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh của các nhà đầu tư, DN Canada.
Ngược lại, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawm Steil cùng nhiều tổ chức, DN Canada cũng đã đến Bình Định để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại. Năm 2017, Công ty TNHH Seldat Việt Nam - DN có 100% vốn đầu tư Canada, đầu tư nhà máy may mặc công suất thiết kế 2 triệu sản phẩm/năm (ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn). Nhận thấy cơ hội phát triển mới, cũng tại An Nhơn, Seldat Việt Nam tiếp tục đầu tư Nhà máy nội thất gỗ Seldat Việt Nam, công suất 180 nghìn sản phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Tân Đức (xã Nhơn Mỹ).
“Bình Định có môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông tốt, nguồn nhân lực và điều kiện xuất khẩu khá thuận lợi cho DN chúng tôi. DN còn được hưởng tối đa chính sách hỗ trợ đầu tư của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thuận lợi, hiệu quả. Đây cũng là những điều mà các DN FDI rất coi trọng khi quyết tâm đầu tư ra nước ngoài”, ông Daniel Dadoun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seldat Việt Nam, cho hay.
Canada không chỉ là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng mà còn là “cửa ngõ” để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Hoạt động thương mại giữa Bình Định - Canada và Bắc Mỹ cũng phát triển hơn, đặc biệt khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1.2019.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng thông tin, gần nhất là năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của DN Bình Định sang thị trường Bắc Mỹ đạt 569 triệu USD, chiếm tỷ trọng 96% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ (593 triệu USD) và chiếm 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ và Canada). Riêng kim ngạch thương mại hai chiều của Bình Định với Canada đạt khoảng 18,7 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2018. Trong đó xuất khẩu đạt 17,2 triệu USD; nhập khẩu đạt 1,5 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu của Bình Định sang Canada chủ yếu mặt hàng hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo.
Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam sản xuất theo quy trình khép kín, xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, Canada và Mỹ. Ảnh: TIẾN SỸ
Cơ hội mở rộng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực
Nhiều DN xuất khẩu thủy sản cho rằng, thị trường Canada có một số thuận lợi như: Không có hạn ngạch xuất khẩu; sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp, sản phẩm nhập khẩu vào Canada dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ và ngược lại. Tiềm năng và dư địa rất lớn, tuy vậy, sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ Mỹ, Ấn độ, Thái Lan và Trung Quốc. Vì thế, DN định hướng xuất khẩu vào thị trường Canada cần nghiên cứu thông tin, hoạch định chiến lược cụ thể để tiếp cận thị trường này.
Ông Huỳnh Tấn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản An Hải (Khu kinh tế Nhơn Hội) cho biết: Sản phẩm của công ty có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, được tiêu thụ mạnh tại Canada, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản của công ty đạt gần 60 triệu USD, doanh thu 1.464 tỷ đồng. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, tích cực khai thác thị trường hấp dẫn nói trên, phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 70 triệu USD.
Công ty TNHH Thủy sản An Hải (Khu Kinh tế Nhơn Hội) chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Ảnh: TIẾN SỸ
Trong khi đó, là DN chuyên sản xuất nệm, mousse, bàn ghế nhựa giả mây ngoài trời xuất khẩu, ông Phan Hồng Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) đánh giá thị trường Canada và Mỹ rất rộng lớn, nhiều tiềm năng, song quy định về điều kiện kỹ thuật rất nghiêm ngặt. DN muốn thâm nhập thị trường này buộc phải chuẩn bị kỹ lưỡng, rất chi tiết mới có thể đáp ứng được các quy định chặt chẽ.
Ông Ngô Văn Tổng cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, việc khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa được xem là chìa khóa để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy vậy, thách thức của thị trường Canada và Bắc Mỹ là những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải - đây là trở ngại không nhỏ cho DN Việt Nam, đặc biệt DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, đối với các sản phẩm nông sản, DN trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh một cách đồng bộ, trong khi đó sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sản phẩm hàng hóa ngày càng quyết liệt.
Hội nghị xúc tiến thương mại với Hội Doanh nhân Việt Nam - Canada tổ chức tại tỉnh Bình Định là cơ hội lớn khi DN Canada ngày càng quan tâm hơn sản phẩm và năng lực sản xuất của DN Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Do đó, cơ hội cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh mở rộng xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn dựa trên tiềm năng và nền tảng đã, đang khai thác tốt Hiệp định CPTPP, nhất là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh, như: Gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông sản, hải sản, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây…
TIẾN SỸ - MAI HOÀNG