Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Bình Định chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý 5 vấn đề với tỉnh Bình Định để phát triển, đó là: Sức cạnh tranh; liên kết phát triển; đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư; đầu tư nguồn nhân lực và chuyển đổi số; sự quyết tâm của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024 diễn ra chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng khi tham dự hội nghị và đánh giá đây là hội nghị ý nghĩa. “Hội nghị này ý nghĩa không chỉ riêng Bình Định, bởi Bình Định phát triển thì khu vực này phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển chung của cả nước”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý tỉnh Bình Định về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Người Bình Định rất biết làm ăn, và có thể trở thành đối tác đáng tin cậy của nhà đầu tư
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điểm đặc biệt nhất của hội nghị là có sự tham gia góp mặt của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ nhiều nước. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đến mảnh đất Bình Định mà còn có ý nghĩa lớn lao khác là truyền cảm hứng. Trước hết là truyền cảm hứng cho những nhà đầu tư khác, tự đặt câu hỏi tại sao có rất nhiều nhà đầu lớn lại quan tâm đến đây. Và, thứ hai là truyền cảm hứng cho chúng tôi - những người có trách nhiệm phải làm sao để có được những dự án tốt nhất trong cả tiếp nhận, lẫn triển khai và đạt kết quả tốt.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng những tiềm năng rất lớn, khác biệt của Bình Định về yếu tố văn hóa truyền thống, tính cách mạnh mẽ, quyết liệt của người Bình Định, là sự chịu thương, chịu khó, chịu học và chăm chỉ làm việc mà ông khái quát lên đó là “văn võ song toàn của người Bình Định”. Đặc biệt, có rất nhiều người Bình Định trở thành doanh nhân lớn, hàng đầu của Việt Nam và làm ăn rất tốt ở nước ngoài. “Người Bình Định rất biết làm ăn, và có thể trở thành đối tác tốt, đáng tin cậy của nhà đầu tư”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.
Nhà đầu tư đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng Chính phủ ngay tại Hội nghị và được Phó Thủ tướng giải đáp.
Một điểm nữa, theo Phó Thủ tướng đó là lãnh đạo tỉnh và người dân Bình Định rất khát khao phát triển. Bằng chứng là trong những năm gần đây đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của Bình Định, diện mạo thay đổi từng ngày. Những cơ hội cũng được khai thác có hiệu quả.
Tỉnh phải đầu tư vào nguồn nhân lực
Để có được thành công, ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ 5 vấn đề cần lưu ý đối với Bình Định.
Thứ nhất, tỉnh phải chấp nhận và lưu ý đến khái niệm cạnh tranh giữa các địa phương trong khu vực. Bởi, tính chất của hội nghị xúc tiến đầu tư lần này cũng là sự cạnh tranh với các tỉnh và các khu vực khác. Bình Định có biển, có hạ tầng, sân bay, ông kế bên cũng có y vậy. Cho nên, phải có ý thức sự cạnh tranh này, quyết liệt khai thác những thế mạnh riêng có của mình.
Thứ hai, là phải tính toán liên kết vùng. Theo ông, thời nay làm ăn không thể chỉ có riêng mình mà phải liên kết vùng trong khai thác cơ sở hạ tầng, phân chia để thu hút đầu tư. Một mặt phải cạnh tranh, một mặt phải khai thác; nếu các địa phương không giải quyết hài hòa hai bài toán này thì sẽ có sự cản trở nhất định trong sự phát triển.
Thứ ba, tỉnh phải đồng hành với nhà đầu tư. Hiện, khung chính sách chỉ có như thế, địa phương trong thẩm quyền chừng mực cũng chỉ ban hành những chính sách nhất định, cái chính là làm sao để cho nhà đầu tư “cảm thấy yêu mảnh đất này”, “yêu cán bộ, yêu công nhân và yêu con người ở đây”. “Bởi, trong chặng đường đi còn rất nhiều khó khăn, nếu không đồng hành, không chia sẻ cạn lòng với nhà đầu tư thì khó có những nhà đầu tư mới hơn, tốt hơn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Thứ tư, tỉnh phải đầu tư vào nguồn lực, đó là nguồn nhân lực và kể cả chuyển đổi số. Nhà đầu tư khi đến địa phương sẽ đặt câu hỏi ở đây có lao động không, đặc biệt lao động chất lượng cao? Có người còn mạnh hỏi rằng có cán bộ giỏi không? giỏi tiếng Anh không? giỏi kinh nghiệm kinh doanh quốc tế không? giỏi quản trị hiện đại không? Nếu tỉnh không chăm chút cái này thì việc tìm kiếm nhà đầu tư cực lớn hoặc có đóng góp đáng kể cho địa phương là rất khó!
Thứ năm, đó là câu chuyện Trung ương đã phân cấp mạnh cho địa phương. “Trái bóng đã về chân”, trong chính sách gần đây và tới đây sẽ phân cấp rất mạnh nữa cho nên vấn đề sẽ tùy thuộc cơ bản vào địa phương.”
Đối với nhà đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, một nguyên tắc xuyên suốt là nếu nhà đầu tư không có lợi nhuận thì không làm; nếu Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng không có sự phát triển thì cũng sẽ không đồng ý, không ủng hộ. Do vậy, không chỉ chia sẻ từ chính quyền, người dân, nhà đầu tư cũng chia sẻ với các khác khó khăn những vấn đề mà chính quyền, địa phương đang gặp phải và phải hết sức kiên nhẫn.
Ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trực tiếp trả lời câu hỏi của nhiều nhà đầu tư trong và nước ngoài liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, cải cách hành chính.
Cải cách hành chính của Việt Nam đang được đẩy mạnh trên 3 vấn đề: Cắt giảm bớt, phân cấp mạnh về cho địa phương và áp dụng chuyển đổi số để mọi việc rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
Với tư cách là lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư sẽ cùng hỗ trợ địa phương cùng đồng hành, lắng nghe kiến nghị để có giải pháp tốt nhất. Tôi hứa là sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi một cách hết sức có trách nhiệm!
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
M.HOÀNG - T.SỸ - N.DŨNG