Gỡ “thẻ vàng IUU”: Càng khó khăn càng phải quyết tâm
Dự kiến, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại Việt Nam vào tháng 9 hoặc tháng 10.2024. Cho đến thời điểm đó, cả nước phải triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng.
Ba giải pháp trọng tâm
EC đã đề nghị Việt Nam cập nhật, báo cáo tiến độ kết quả chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC trước ngày 15.9 và sẽ quyết định thời gian sang thanh tra lần thứ 5 để đưa ra quyết định có thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trên cơ sở kết quả thực tế.
Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hùng cho rằng, có 3 giải pháp trọng tâm các địa phương và cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới. Đầu tiên, phải ngăn chặn, giảm tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thứ hai, tăng cường quản lý đội tàu hiệu quả hơn nữa, đảm bảo 100% tàu cá khai thác trên biển phải lắp thiết bị giám sát hành trình, có nhật ký khai thác, bật kết nối thường xuyên... Việc thứ ba là phải làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. “Những nội dung này cần được giải quyết dứt điểm từ nay đến tháng 9”, ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến tình trạng mất kết nối tàu cá, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nêu thực trạng, cả nước vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm nhưng tỷ lệ xử phạt còn thấp. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân mong muốn các địa phương phân loại rõ trong số mất kết nối, tàu nào hoạt động, tàu nào nằm bờ; tiến hành kiểm tra, thống kê cụ thể số tàu cá không hoạt động và có các phương án xử lý phù hợp. Để dứt điểm chuyện này, ông Luân đề nghị tổ IUU của các cảng cá tích cực theo dõi, khi phát hiện tàu cá vi phạm cập cảng ở địa phương khác thì thông báo ngay cho địa phương đó kiểm tra, phối hợp xử lý. Đảm bảo tất cả các cảng đều làm như nhau thì người dân mới chấp hành nghiêm.
Cũng theo ông Luân, hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) thời gian tới sẽ liên thông đồng bộ dữ liệu hoạt động của tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản từ khâu khai thác, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc tại cảng cá, chi cục thủy sản, cơ sở, DN thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Qua đó, đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp đối với các sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.
Cùng với các địa phương trong cả nước, Bình Định đang triển khai quyết liệt các giải pháp để gỡ “thẻ vàng IUU”.
- Trong ảnh: Tàu cá cập Cảng cá Quy Nhơn để tiêu thụ hải sản sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Ảnh: N.T
Quản lý chặt tàu cá, tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Cùng với cả nước, trên tinh thần càng khó khăn càng quyết tâm, Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả trong nỗ lực chống khai thác IUU. Trong tháng 5, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương rà soát, lập danh sách tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản (tàu cá “3 không”: Không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) và hướng dẫn chủ tàu làm giấy tờ, trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn theo quy định. Đồng thời, tổng hợp danh sách tàu cá tỉnh Bình Định có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp và phối hợp với lực lượng chức năng xử lý tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn 582 tàu chưa cấp giấy phép khai thác, nguyên nhân chủ yếu do tàu cá tự ý cải hoán, sang tên, đổi chủ khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng; tàu hoạt động nghề khai thác bị cấm và chủ tàu chây ì không muốn thực hiện thủ tục để được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Với số tàu này, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu xuất bến đi khai thác thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Toàn tỉnh có 3.238 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, trong đó có 3.215 tàu được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. 23 tàu chưa lắp giám sát hành trình (Phù Cát 1, Phù Mỹ 18, Hoài Nhơn 2, An Lão 1 tàu, TP Quy Nhơn 1 tàu) do bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất.
Đối với tàu cá mất kết nối trên hệ thống thiết bị giám sát tàu cá trên 6 tháng, qua kiểm tra, xác định trên địa bàn tỉnh có hơn 200 tàu, nguyên nhân có 9 tàu cháy, chìm không còn hoạt động, 13 tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang nằm bờ chờ ngân hàng kê biên thanh lý, 3 tàu bán ngoài tỉnh, 29 tàu chây ì không nộp tiền kích hoạt thiết bị trở lại, 106 tàu nằm bờ không hoạt động, đang làm thủ tục sang tên, không có tiền đóng cước... chưa mở máy theo quy định.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng kiểm soát không cho xuất bến đi khai thác thủy sản đối với các tàu cá khi chưa có thiết bị giám sát hành trình.
Về giải pháp chấm dứt tình trạng tàu khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tỉnh đã rà soát danh sách 375 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị phối hợp quản lý tàu cá Bình Định hoạt động tại tỉnh bạn. Làm việc trực tiếp với 40 chủ tàu, thuyền trưởng thông tin về giải pháp của tỉnh về chống khai thác IUU…
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các tàu cá không thực hiện đúng quy định về đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đặc biệt đối với các tàu cá hoạt động và về neo đậu ở các bãi ngang, trong đầm, luồng lạch, nơi có ít sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Cũng từ thực tế của tỉnh, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét cho phép nhóm tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động nghề câu mực (mành mực) được hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi khi đã trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình.
“Do đặc thù của nghề câu mực ngư trường vùng lộng hoạt động không hiệu quả, đồng thời để giám sát được hoạt động của nhóm tàu cá này qua hệ thống giám sát hành trình, kịp thời ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá đi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Phúc thông tin.
NGỌC TÚ