Hà Ri bảo vệ rừng hiệu quả nhờ sự đồng thuận
Ông Ðặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, nhiều năm qua, thôn Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) là một trong những điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của huyện. Có được điều này chủ yếu nhờ người dân của thôn không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình với rừng.
Hà Ri có 156 hộ với hơn 560 nhân khẩu. Trưởng thôn Hà Ri Đinh Hùng tự hào khoe, bao đời trưởng thôn vận động dân thực hiện chủ trương, chính sách nào của Đảng, Nhà nước cũng thuận lợi, suôn sẻ. Sự đồng lòng, đồng thuận, cùng chung vai sát cánh xây dựng quê hương giàu đẹp đã trở thành một truyền thống đáng tự hào của thôn Hà Ri. Có được điều này là chuyện không hề dễ, nên lãnh đạo thôn qua các thời kỳ luôn nỗ lực giữ gìn và phát huy, thể hiện qua lời nói, việc làm cụ thể, đầy thuyết phục.
Hiện nay, nhiều người dân trong thôn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Cũng nhờ giữ rừng tốt, người dân còn được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ý thức cao lại nhận được nhiều lợi ích từ việc bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần nên bà con Hà Ri không lấn biên rừng, không khai thác gỗ trái phép trong nhiều năm qua.
Các thành viên của Chốt phối hợp bảo vệ rừng Hà Ri đi tuần tra khu vực rừng trồng vào đầu tháng 3.2025. Ảnh: N.N
Trưởng thôn Đinh Hùng cho biết, Hà Ri không hề chủ quan mà ngược lại luôn nỗ lực hết sức để duy trì thành quả có được. Thôn vừa có Chốt phối hợp bảo vệ rừng gồm kiểm lâm phụ trách địa bàn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ và dân quân của thôn, lại vừa có đội xung kích PCCCR của thôn với 10 thành viên luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với sự cố ngoài ý muốn.
Anh Đinh Thái, thành viên của Chốt cũng đồng thời là thành viên đội xung kích cho biết, nghe có cháy rừng thì không phải 10 mà có khi vài chục người dân cùng kéo nhau đi dập lửa. Mùng 10 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thôn đã họp dân, triển khai và lưu ý bà con một số nội dung liên quan PCCCR và bảo vệ rừng trong năm 2025.
“Thêm một chuyển biến nhận thức đáng mừng trong dân thời gian qua là ngày càng nhiều bà con nhận rõ lợi ích của việc trồng gỗ lớn nên đang chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Áp lực về kinh tế không quá lớn như trước, nên bà con không khai thác rừng keo sớm như trước nữa. Những đôi vợ chồng trẻ vừa trồng keo vừa làm việc tại các công ty để có thu nhập trang trải chi phí hằng tháng, để những rừng keo sống lâu hơn, cao hơn, to hơn, bán được giá hơn”, anh Thái chia sẻ.
NGỌC NGA