Trang “giáo sư” và khát vọng AI
27 tuổi, Th.S Nguyễn Minh Trang (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn - QAI, thuộc Tập đoàn FPT) đã trở thành AI Scientist (nhà khoa học trí tuệ nhân tạo), kiến trúc sư cho các dự án về trí tuệ nhân tạo tại QAI. Chị đang ở Canada khi tiên phong tham gia dự án khai phá thị trường Bắc Mỹ, góp phần đưa QAI vươn tầm thế giới và hiện thực hóa giấc mơ “thung lũng trí tuệ nhân tạo” tại TP Quy Nhơn.
DÁM THAY ĐỔI ĐỂ THỰC HIỆN ƯỚC MƠ
Là giảng viên Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng vì đam mê nghiên cứu AI, Th.S Nguyễn Minh Trang đã quyết định đầu quân cho QAI để có cơ hội thực hiện hóa giấc mơ khai phá “mỏ vàng AI”, đưa AI phục vụ cuộc sống.
*Nhắc đến AI, nhiều người nghĩ sự mông lung, trừu tượng và khó hình dung. Làm sao chị có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này?
- Người ta mặc định nó khó và là “của đàn ông”, song tôi xin tiết lộ phụ nữ cũng có nhiều ưu thế riêng của mình lắm đấy. Chẳng hạn như AI đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, rất phù hợp với bản năng của phụ nữ. Nói vui thế thôi chứ chỉ cần có đam mê, chăm chỉ, ham học hỏi, cộng thêm có “vốn dắt lưng” là nền tảng tiếng Anh và óc sáng tạo thì đều có thể tiếp cận và chinh phục được ngành này. Cũng có những lúc căng thẳng, áp lực, tôi tìm cách cân bằng, cho phép mình tận hưởng những sở thích của bản thân như xem phim, nghe nhạc, vẽ tranh hay nghiên cứu, tìm hiểu về các kiến thức mới, công nghệ mới… Nó không quá trừu tượng như chị nghĩ đâu.
Là thủ khoa ngành công nghệ thông tin, giảng viên của Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, mọi thứ đang trải ra rất thuận lợi, vì sao chị lại rẽ ngang để gia nhập FPT?
- Năm 2017, tôi tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ và được giữ lại trường để giảng dạy. Thời gian đó tôi có hợp tác với Ban Công nghệ DPS - tiền thân của QAI, với vai trò là AI Scientist, chuyên nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI. Ban đầu là để thỏa đam mê nghiên cứu và trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức.
Đến năm 2019, tôi được nhận học bổng trao đổi của ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và đạt học vị thạc sĩ Khoa học máy tính. Đó là thời điểm quan trọng của cuộc đời khi tôi đứng trước ngã rẽ, phải lựa chọn giữa việc tiếp tục học lên tiến sĩ và nghiên cứu chuyên sâu hay thử sức với môi trường doanh nghiệp và có cơ hội để ứng dụng AI vào thực tế đời sống.
Và như chị đã thấy đây, tôi đã nhận lời mời của FPT.
* Chị đã khởi đầu công việc tại QAI như thế nào?
- Dưới thời Ban Công nghệ DPS, tôi đã tham gia đề xuất giải pháp, phát triển sản phẩm, tổ chức thực hiện các dự án liên quan đến ứng dụng AI vào việc số hóa dữ liệu cho nhiều khách hàng dưới vai trò là trưởng nhóm kỹ thuật.
Năm 2020, QAI ra đời theo định hướng phát triển của Tập đoàn FPT trong công cuộc chuyển đổi số. Tôi may mắn trở thành một trong 30 nhân sự đầu tiên, đồng hành cùng QAI viết tiếp giấc mơ về một thung lũng AI tại Quy Nhơn, đưa thành phố biển Quy Nhơn trở thành nơi thu hút những chuyên gia công nghệ trong nước và thế giới.
Th.S Nguyễn Minh Trang được vinh danh là Cá nhân xuất sắc nhất của QAI năm 2020 (ảnh); là tác giả bài báo đạt giải Best Paper tại FAIC (Hội thảo chuyên sâu về AI của Tập đoàn FPT) lần đầu tiên tổ chức tại Fsoft vào năm 2020; là ứng viên của FPT Under 35 lĩnh vực Công nghệ (cuộc thi thường niên nhằm tôn vinh những gương mặt trẻ có ảnh hưởng/vị trí trong Tập đoàn) và lọt vào Top 50 FPT 2022 (50 ứng viên xuất sắc nhất FPT năm 2022).
NHÀ KHOA HỌC NỮ ĐA NĂNG
Th.S Nguyễn Minh Trang được đồng nghiệp gọi với cái tên trìu mến Trang “giáo sư” nhờ năng lực vượt trội trong lĩnh vực nghiên cứu, thành công trong nhiều dự án lớn và tham gia đào tạo nên nhiều tài năng trẻ cho Fsoft.
* Được biết đến là một nhà khoa học AI đa năng, chị có thể kể đôi nét về những công việc chị đã và đang làm tại QAI?
- Đầu quân cho QAI, tôi có cơ hội để thử sức mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở mảng công nghệ, trong vai trò là một AI Scientist, tôi tham gia nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến AI, đảm nhận vai trò như một kiến trúc sư cho nhiều dự án về AI phục vụ các khách hàng lớn.
Cô ấy là “báu vật” của QAI và Fsoft
“Minh Trang là một trong những thành viên đầu tiên thiết kế và xây dựng nên giải pháp akaOCR. Trang cũng là người tùy biến akaOCR để bán được giấy phép đầu tiên cho thị trường Nhật Bản. Chính Trang là người chắp bút cho FSOFT AI Life Cycle - tài liệu định hình quy trình phát triển dự án AI của Fsoft. Tài năng của Trang khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có thể nói Nguyễn Minh Trang là “báu vật” của QAI nói riêng và Fsoft nói chung”.
ÔNG VŨ TỰ CƯỜNG, TRƯỞNG PHÒNG CÔNG NGHỆ CỦA QAI
Trong công tác quản lý dự án, tôi là người chịu trách nhiệm chính xây dựng và phát triển khung quy trình quản lý cho các dự án AI của Fsoft. Xuất phát từ thực tế các dự án làm về AI của QAI nói riêng và Fsoft nói chung chưa có một quy trình ở mức tiêu chuẩn để áp dụng, tôi và các đồng nghiệp đã phát triển hệ thống tiêu chuẩn dựa trên các quy trình quốc tế về quản lý và phát triển dự án phần mềm cũng như dựa trên các quy trình phát triển dự án AI của các công ty lớn như Google, Amazon, Microsoft.
Trong kinh doanh, tôi tham gia nhiều hội thảo để giới thiệu hình ảnh, năng lực, tư vấn chuyên sâu về giải pháp và công nghệ mà QAI đang có; tìm cơ hội để quảng bá các sản phẩm “made in QAI” đến với khách hàng từ truyền thống như Nhật Bản, hay mới hơn như là Bắc Mỹ và châu Âu, mở ra hàng loạt các dự án tiên phong đến từ Mỹ, Canada, Đức... Đồng thời, tôi còn hỗ trợ đảm bảo chất lượng dự án bằng việc đưa ra giải pháp tối ưu, đáp ứng được những yêu cầu mới, “ứng cứu” khi dự án gặp sự cố, đem lại sự hài lòng cho khách hàng.
Ngoài ra, tôi còn là giảng viên trực tiếp đào tạo cho AICamp - Chương trình ươm mầm tài năng trẻ trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn; thành viên của tổ chức AILab nhằm phát triển nghiên cứu về AI tại Fsoft; cố vấn chương trình ươm mầm tài năng trẻ AI Residency; diễn giả tại nhiều sự kiện thu hút sinh viên từ các trường đại học về Fsoft.
* Dự án nào của chị ghi lại dấu ấn đậm nét nhất?
- Dưới thời Ban Công nghệ DPS, tôi đảm nhận vai trò trưởng nhóm kỹ thuật của dự án TMC - dự án số hóa bản vẽ kỹ thuật áp dụng phần mềm nhận diện ký tự quang học OCR. Đây là dự án quan trọng của DPS, giúp đẩy mạnh cho sự phát triển của đơn vị lúc bấy giờ cũng như tạo nền móng cho QAI hiện tại. Sau khi QAI thành lập, tôi tiếp tục phát triển dự án và tạo ra sản phẩm akaOCR - giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực nhận diện ký tự quang học. Tôi đang chịu trách nhiệm chính cho giải pháp này. Đồng hành cùng akaOCR từ những ngày đầu chỉ vỏn vẹn gồm 3 thành viên, tôi đã đảm nhiệm hầu hết các công việc từ thiết kế tổng thể đến việc lập trình các mô đun. Đến nay, akaOCR đã bán được giấy phép cho 3 công ty lớn. Mới đây, sản phẩm được vinh dự nhận giải vàng của Giải thưởng Sáng kiến FPT - iKhiến năm 2022 (cuộc thi nhằm tôn vinh những sáng tạo của cán bộ, nhân viên FPT).
* Chị là người tiên phong khai phá thị trường mới cho QAI…
- Với sứ mệnh và mục tiêu xây dựng một thung lũng AI tại một nơi khá mới như Quy Nhơn, đối với QAI đó là cơ hội, song đi kèm đó là những thách thức không nhỏ. Đứng trước trăn trở của lãnh đạo đơn vị, đầu năm 2022, tôi quyết định rời Việt Nam, nhận trọng trách mở rộng thị trường sang Bắc Mỹ. Thành công ban đầu là đã đặt chân đến Canada, tham gia dự án AI Optimization của Air Canada - hãng hàng không lớn nhất của Canada, được làm việc và trực tiếp trao đổi với rất nhiều chuyên gia AI hàng đầu, mở ra cơ hội đưa về những dự án AI cho QAI tại Quy Nhơn.
NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG
“Các bạn ạ, nếu có tham lam bất cứ thứ gì thì hãy tham lam kiến thức, bởi vì kiến thức là vô hạn. Nếu muốn có nhiều kiến thức hơn thì hãy chia sẻ nó cho nhiều người hơn. Khi đã có kiến thức thì hãy tận dụng nó một cách hiệu quả và có ích cho xã hội. Thành công chỉ là hệ quả!”
Th.S NGUYỄN MINH TRANG
Trong vai trò giảng viên, Th.S Nguyễn Minh Trang tham gia nhiều chương trình giảng dạy của QAI và Fsoft, góp phần tạo ra một lực lượng nhân sự AI hùng hậu để phục vụ mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm AI của châu Á.
* Chị đã phát huy vai trò giảng viên của mình thế nào sau khi gia nhập QAI?
- Ngoài công việc chính, tôi luôn dành một phần thời gian để làm mentor cho các chương trình, như: AI Camp (chương trình tuyển dụng và ươm mầm tài năng AI của Fsoft để đào tạo nguồn lực AI cho Quy Nhơn); Khóa học về AI của SDT Academy (Học viện đào tạo về Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu); FCT Club (CLB Tài năng Lập trình của FPT Software dành cho các bạn nhỏ ở độ tuổi cấp II - III đam mê khoa học máy tính). Các chương trình này cho tới nay đã thu hút được rất nhiều tài năng trẻ từ mọi miền đất nước đến với Quy Nhơn.
Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia các chương trình trò chuyện (talk show), hội thảo (seminar) thu hút nhân tài về Quy Nhơn; tham gia chương trình đào tạo AI tại đơn vị; tìm kiếm, phỏng vấn, đào tạo nguồn lực chất lượng cao tại Canada…
* Xin cảm ơn Th.S Nguyễn Minh Trang. Chúc chị thành công với các dự án của mình.
HỒNG HÀ (Thực hiện)