Vĩnh Thạnh kéo giảm nạn tảo hôn
Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện Vĩnh Thạnh đã vào cuộc quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ, để giảm thiểu, tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo chân cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thạnh, chúng tôi đến xã Vĩnh Thuận, gặp em Đ.M.T. (SN 2003, dân tộc Bana). T. kể, em bỏ học từ năm lớp 10, rồi tự đi xin việc làm tại các khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Sau đó, qua mạng xã hội, em quen bạn gái là người ở xã Vĩnh Hảo, rồi phát sinh yêu đương, quan hệ tình dục, dẫn đến bạn gái mang thai. Thời điểm kết hôn T. mới 19 tuổi, vợ em cũng bỏ học giữa chừng.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thạnh tìm hiểu trường hợp tảo hôn của em Đ.M.T. (giữa). Ảnh: T.C
“Từ ngày vợ sinh con, em theo bạn bè đi bóc vỏ keo thuê, vất vả, khổ sở lắm. Con sinh ra đau ốm liên miên, thiếu trước, hụt sau, hai vợ chồng không đủ điều kiện nên phải nhờ cậy cha mẹ hai bên. Nếu có cơ hội được chọn lại, em sẽ cố gắng đi làm và để vợ học xong cao đẳng, cả hai có công việc ổn định rồi mới lập gia đình”, T. buồn bã nói.
Một trường hợp khác, em Đ.T.P. (SN 2006, dân tộc Bana, ở xã Vĩnh Sơn) cũng bỏ học rồi kết hôn khi mới 17 tuổi. Từ khi có chồng, em mới thấm thía nỗi cơ cực, khó khăn của việc lấy chồng sớm. Mới đây, P. sinh con; hai vợ chồng không có nghề nghiệp, vốn liếng làm ăn, mọi thứ đều trông chờ những đồng tiền công ít ỏi của chồng P. đi làm thuê hằng ngày, nên cuộc sống ngày càng chật vật hơn.
Theo Phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện vào năm 2022 xảy ra 17 trường hợp tảo hôn; năm 2023 có 12 trường hợp tảo hôn; đến cuối năm 2024 đã giảm đáng kể, chỉ xảy ra 7 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tảo hôn là do các bậc phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến tâm, sinh lý của trẻ hoặc không có kiến thức về vấn đề này; trình độ nhận thức của các em về hôn nhân, tâm sinh lý còn hạn chế; trường học lại chưa có nhiều tiết dạy kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản để các em nắm những thông tin cơ bản; ảnh hưởng từ những nội dung của mạng xã hội chưa qua kiểm duyệt…
Theo thầy Đặng Thanh May, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh, thời gian qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với Phòng Dân tộc huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động ngoại khóa về phòng chống tảo hôn, truyền dạy kỹ năng sống cho học sinh, đạt được nhiều kết quả. Để hạn chế tình trạng tảo hôn trong học sinh, trường sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn học đường, về các vấn đề giới tính, tâm lý học sinh, kịp thời có trao đổi với các em khi phát hiện những biểu hiện bất thường; lồng ghép thông tin thực trạng tảo hôn vào bài giảng, giúp học sinh nhận biết những hệ lụy; tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về tảo hôn…
Còn ông Đinh Phik, người có uy tín ở làng 6 (xã Vĩnh Thuận) cho hay, thời gian qua, ông cùng với Chi bộ, Ban Quản lý làng tăng cường tuyên truyền vận động phòng chống tảo hôn cho các hộ dân, nhất là những người trẻ. Giai đoạn năm 2023 - 2024, tại làng không còn tảo hôn. “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ dân ký cam kết không để con em mình tảo hôn; phân tích cho bà con hiểu về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật; phối hợp với UBND xã kiểm tra việc đăng ký kết hôn, mạnh tay xử lý những cặp đôi chuẩn bị cưới mà chưa đủ tuổi”, ông Phik nói.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung cho biết, với mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản chấm dứt tình trạng tảo hôn, UBND huyện sẽ chỉ đạo các địa phương phối hợp với các hội, đoàn thể, già làng, người có uy tín tăng cường vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng chống tảo hôn; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các ban, ngành, đoàn thể trong nắm bắt, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tảo hôn; đưa các quy định pháp luật về tuổi kết hôn vào hương ước, quy ước thôn, làng văn hóa, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa...
TRIỀU CHÂU