THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2024:
Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là thách thức lớn!
Tính đến ngày 14.11.2024, Bình Định đã phát hiện 1.476 người nhiễm HIV (gồm 722 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 580 người chết do AIDS); hiện đang theo dõi điều trị 549 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 12 trẻ em. Xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là thách thức lớn để đạt mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Các trường hợp nhiễm HIV mới chủ yếu từ 25 - 34 tuổi (44,24%) và từ 15 - 24 tuổi (17,66%). 5 năm gần đây, số người nhiễm mới HIV phát hiện trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng nhanh, cụ thể: Năm 2019 chỉ phát hiện 9 trường hợp mới từ MSM, thì đến nay đã thêm 101 trường hợp. “Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung chia sẻ.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Tháng 8.2024, Phòng khám, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chính thức hoạt động tại 85 - 87 đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn. Điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao. Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tài trợ giai đoạn 2024 - 2025, toàn bộ dịch vụ xét nghiệm, cung cấp thuốc điều trị cho khách hàng nhóm MSM đều được miễn phí.
Cuối giờ trưa 25.11, sau khi được bác sĩ tư vấn và tiến hành các xét nghiệm cần thiết tại phòng khám PrEP, anh Lê Văn Linh (SN 2000, TP Quy Nhơn) - thành viên nhóm MSM Gót hồng Bình Định, được cấp thuốc PrEP định kỳ miễn phí. Linh là một trong những khách hàng đầu tiên của phòng khám PrEP và đang duy trì điều trị PrEP. Đồng thời, trở thành thành viên của nhóm tiếp cận cộng đồng chương trình này, Linh đã vận động 7 trường hợp như mình đến với phòng khám.
“PrEP được triển khai tại Bình Định rất có ý nghĩa, nhân văn, góp phần tạo điều kiện cho những bạn trong diện MSM có cơ hội được bảo vệ trước nguy cơ cao mắc HIV. Tuy nhiên, có thể vì sợ bị lộ thông tin, lo sợ bị kỳ thị nên nhiều bạn trẻ MSM mà tôi biết trong cộng đồng sinh hoạt thông qua mạng trực tuyến HeeSay chưa tiếp cận PrEP”, Linh bày tỏ.
Bác sĩ Phạm Văn Bảo, Trưởng Phòng khám PrEP cho biết, bước đầu có 34 khách hàng đến làm tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng PrEP, trong đó 10 khách hàng đã nhận thuốc điều trị lần 2. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, điều trị PrEP có hiệu quả rất cao, giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Phòng khám cũng đã phát hiện, chuyển điều trị thuốc ARV đối với 5 trường hợp mắc HIV. “Đến với phòng khám PrEP, các thông tin của khách hàng được bảo mật nghiêm ngặt”, ông Bảo khẳng định.
Anh Lê Văn Linh (bìa trái) nhận thuốc điều trị PrEP tại phòng khám điều trị chương trình thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ảnh: M.H
Đẩy mạnh dịch vụ tiếp cận dự phòng, điều trị HIV
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, hiện tỷ lệ phát hiện nhiễm mới HIV trong cộng đồng tại Bình Định đạt mức 0,068‰ (chỉ tiêu là 0,1‰ trở xuống). Toàn tỉnh có 549 trường hợp người mắc HIV đang được quản lý, tham gia điều trị thuốc ARV; 100% bệnh nhân điều trị ARV được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS từ nguồn quỹ BHYT và được hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.
Hiện 2 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM tại Quy Nhơn, Hoài Nhơn; duy trì 100 điểm cấp bao cao su miễn phí tại các cơ sở vui chơi, giải trí, lưu trú…
Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường các hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; xét nghiệm lưu động cho đối tượng MSM và cấp test tự xét nghiệm HIV online trên trang https://tuxetnghiem.vn...
Dù đã đạt được một số kết quả, nhưng chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó, sự kỳ thị với người mắc HIV vẫn còn. Đây là rào cản để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Trung cho hay, tỉnh đã và đang triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cố định, sẽ cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao.
“Tạo điều kiện tất cả người có nguy cơ lây nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hỗ trợ cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho các trường hợp đang quản lý, nuôi dưỡng tập trung tại trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, làng trẻ em SOS, trung tâm cai nghiện ma túy, trại tạm giam…”, ông Trung nhấn mạnh.
MAI HOÀNG