Bài 3:
Những đặc trưng của võ cổ truyền
7:47', 23/10/ 2006 (GMT+7)

1- Tính thượng võ:

là tinh thần võ hiệp cao thượng được chắt lọc và phát triển thành nguyên lý ứng xử của giới võ học, dần dần trở thành nguyên lý ứng xử bao trùm của người Bình Định. Tinh thần thượng võ gắn liền với lòng yêu chuộng nhân đạo, tôn thờ đại nghĩa, không câu chấp tiểu tiết.

Có thể đọc thấy điều đó qua nghĩa cử của Lía, một chàng trai nghèo đứng lên từ bùn đen của thân phận, buộc phải kiếm sống bằng nghề đạo chích. Nhưng không như kẻ cướp tầm thường, Lía trượng nghĩa ngay cả trong một hành vi mà xã hội vốn khinh rẻ: chỉ cướp những nhà giàu gian ác, của lấy được mang chia đều cho nhà nghèo khó, không yêu cầu đánh đổi một điều gì. Việc làm của Lía đã khiến xã hội phải nghĩ lại. Sau khởi nghĩa của Lía gần trăm năm là khởi nghĩa Tây Sơn, lại xuất hiện những “toán cướp” theo cách gọi của chính quyền phong kiến. Các giáo sĩ phương Tây đã ghi lại với sự  ngạc nhiên không giấu diếm về bọn cướp lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Hiện tượng này không chỉ riêng Bình Định mới có, nhưng xét về thời điểm lịch sử, bối cảnh lịch sử và ảnh hưởng xã hội thì đây quả là cái có sớm, cái riêng, cái độc đáo của Bình Định.

 

Giỗ tổ võ đường Hồ Sừng (Bình Thuận, Tây Sơn). Ảnh: Huyền Trân

Tính thượng võ của người Bình Định biểu hiện rất đa dạng. Có khi trong cùng một thời, cùng một hoàn cảnh, nhưng quan niệm mỗi người một khác nhau, dẫn đến hành xử khác nhau. Cùng là bề tôi triều Tây Sơn, nhưng cách trả lời câu hỏi cuộc đời của mỗi người một khác. Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân , Nguyễn Quang Thuỳ và một số tướng sĩ khác bị giặc bắt, đã chọn cái chết hiên ngang giữa pháp trường chứ không đầu hàng Nguyễn Ánh. Nguyễn Văn Tuyết và vợ là Trần Thị Lan (cháu gái võ sư Trần Kim Hùng) phò vua Cảnh Thịnh chạy loạn, chiến đấu đến hơi thở cuối và hy sinh anh dũng trong vòng vây giặc. Võ Văn Dũng vượt ngục ôm ấp mưu đồ khôi phục triều Tây Sơn. Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Lộc kẻ dong ngựa ẩn thân chốn sơn khê, người lui về cầm cày nơi thảo dã. Một số võ tướng xuống tóc tu hành. Mỗi người một cách, song bất cứ sự lựa chọn nào cũng đều toát lên lòng ưu dân ái quốc, dũng khí sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa, sự trung thành với lý tưởng, thuỷ chung với anh em bè bạn. Ở họ tuyệt đối không có tư tưởng tham sống sợ chết, hám lợi cầu vinh.

Sau thời Tây Sơn, lãnh tụ Cần Vương Mai Xuân Thưởng ra pháp trường còn xé vạt áo, cắn ngón tay lấy máu chép bài thơ tuyệt mệnh: Chết nào có sợ chết như chơi/ Chết bởi vì dân, chết bởi đời/ Chết hiếu chi nài xương thịt nát/ Chết trung đâu kể cổ đầu rơi... Hương mục Ngạc mặc áo vải, ăn rau vườn bên dải sông Kôn, một bữa kia đọc thư của bạn là tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, cảm khái chuyện sinh dân đại nạn liền vụt dậy gọi trai tráng đôi bờ kẻ thước người côn tham gia phong trào chống thuế để bảo vệ nhân dân bị đàn áp. Phan Thọ, Đỗ Hượt thượng đài đánh thắng võ sĩ Nam Hàn; chúng cho xe đưa quà cáp tới nhà dỗ dành thế nào cũng từ chối hợp tác, cương quyết không truyền bí quyết võ thuật của tổ tiên, dân tộc cho giặc.

Võ nhân Bình Định, võ nhân Tây Sơn là vậy. Hành trạng có khác nhau, kết cục có khác nhau, nhưng trước câu hỏi lớn của lịch sử, tất cả có chung một câu trả lời: thực hiện đạo lý làm Người.

 

2- Tính dân gian:

Thiên nhiên hàm chứa trong nó cả sự thách thức to lớn lẫn những bài học vô tận để con người quan sát, học hỏi và đúc kết thành kinh nghiệm thích nghi và tồn tại. Nguồn gốc dân gian còn in dấu trong võ cụ như cung tên, chỉa ba, bồ cào, côn (gậy), búa rìu... cho phép ta hình dung võ đã ra đời từ con đường chinh phục thiên nhiên và lao động để sinh tồn. Các thế võ dựa vào thao tác lao động: leo trèo, săn bắt hoặc mô phỏng động tác các loài động vật: bài Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ mô phỏng từ đòn gà chọi, bài Song phượng kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân mô phỏng điệu múa chim phượng; bài roi Thái Sơn bắt chước tư thế, động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hổ.

Một số bài quyền khác cũng xuất phát từ các thế giao tranh của các con vật và dùng tên của chúng đặt luôn cho bài võ như Xà quyền (võ rắn), Hầu quyền (võ khỉ), Hùng kê quyền (võ gà chọi)...

 

3 - Tính bác học:

Võ Bình Định nói chung và võ Tây Sơn nói riêng được xây dựng trên nền tảng học thuyết âm dương. Các môn quyền thuật cấu tạo bằng cương quyền và nhu quyền. Các môn binh khí được đúc kết và nâng cao trên cơ sở các động tác sử dụng các công cụ lao động sản xuất, là kết quả của một quá trình sàng lọc, lựa chọn rất công phu.

Hai cuốn Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ (thời kỳ trước Tây Sơn) và Tây Sơn binh pháp của Huỳnh Văn Thuận (thời kỳ Tây Sơn) được xem là võ kinh của Bình Định. Các tác giả của hai cuốn võ kinh này khi biên soạn có tham khảo và kế thừa Tôn Ngô binh pháp của Tôn Tử và Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, nhưng cốt yếu là đúc kết các nguyên lý và phép tắc của võ học Bình Định thời họ sống. Ngoài hai bộ sách chỉ còn thấy nhắc trong các thư tịch này, tại các làng võ và các gia đình võ thuật ở Bình Định, Tây Sơn còn lưu giữ khá nhiều tư liệu về võ kinh, võ lý, võ đạo, võ thuật, võ y và võ nhạc. Trong nhiều tài liệu chép tay còn có cả hình vẽ đặc tả tư thế của võ nhân kèm theo lời thiệu. Mỗi bài thiệu là một thảo võ hoàn chỉnh gồm nhiều thế liên hoàn được ghi lại dưới dạng thơ ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc. Và riêng các bài thiệu đã là một phần di sản vô giá của võ cổ truyền Bình Định.

 

4 - Tính nghệ thuật:

Nói đến võ thuật, là nói đến sự tổng hòa giữa sức mạnh và vẻ đẹp cơ thể, giữa trí lực và thần sắc, kết quả của sự lựa chọn, sàng lọc để duy trì tinh hoa nghề võ.

Một đặc điểm của võ Bình Định - Tây Sơn cổ truyền là khi đánh, giữ cho chân không rời khỏi mặt đất - “túc bất ly địa”. Đây cũng có thể coi là một trong những điểm làm nên cái riêng, tiêu chí phân biệt võ Bình Định – Tây Sơn với các dòng võ khác. 

Võ Bình Định, Tây Sơn gắn liền với các bài thiệu và nhạc võ. Những bài thiệu võ không đơn giản chỉ dùng để thuyết minh cho từng phân thế võ trong bài thảo, mà ẩn trong đó là những hàm ý sâu xa của các bậc tiền nhân để lại cho đời sau, không phải ai cũng nhận ra và hiểu được. Nếu lời thiệu giúp võ sinh đánh không lạc chiêu thức, thì nhạc võ trong luyện tập điều hoà tiết tấu của chiêu thức. Trong trận mạc, nhạc võ là tiếng núi sông kêu gọi ba quân tiến bước, là hiệu lệnh thúc giục tướng sĩ xung phong phá luỹ công thành, là khúc hoan ca mừng chiến thắng. Tất cả cung bậc bi tráng - hào hùng, khoan thai - bão táp truyền thẳng vào trái tim khối óc người nghe. Đặc biệt môn kỳ võ (múa cờ) ngoài tác dụng điều khiển trận đánh theo hiệu lệnh của người chỉ huy, còn có hiệu quả thẩm mỹ rất lớn. Lá cờ phấp phới trước hàng quân như niềm kiêu hãnh thiêng liêng, thổi bùng ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người. Ngày nay, nhạc võ và kỳ võ đã trở thành những tiết mục trình diễn mang tính nghệ thuật cao, được xếp vào danh mục “đặc sản văn hoá” của Đất Võ, lôi cuốn và làm rung động biết bao thế hệ.

 

Kỳ tới: Các bộ môn võ cổ truyền

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ cổ truyền Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa   (22/10/2006)
Hành trình nguồn cội   (15/10/2006)
LỜI THƯA:   (23/10/2006)