Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, sự xâm lược của thực dân Pháp kéo theo sự xuất hiện của các loại vũ khí mới có sức công phá lớn như súng ống, đạn dược. Trong cuộc đấu tranh với quân xâm lược lấy danh nghĩa là Nhà nước bảo hộ, nhân dân ta ở vào thế bị áp bức, bị kiểm soát. Các loại vũ khí truyền thống như kiếm, cung, thương, đao dễ gây chú ý, người Việt phải tính đến phương án hoặc đủ sức thì mua súng ống đạn dược đối đầu với kẻ thù, hoặc nếu ngấm ngầm làm những cuộc nổi dậy thì phải nguỵ trang “qua mắt” giặc bằng nhiều cách, trong đó, việc chọn một vũ khí thích hợp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó là lý do vì sao thời chống Pháp là thời của gậy tầm vông ở Nam Bộ; bẫy đá, chông thò ở Tây Nguyên; rựa quéo, gậy (côn) và võ tay không (quyền) ở Trung Bộ, đặc biệt là ở Bình Định.
|
Cố võ sư Hồ Ngạnh đánh đoản côn - ảnh Huyền Trân
|
Vào thời kỳ này, tuy vẫn tinh thông thập bát ban võ nghệ, nhưng trong điều kiện bị sự kiểm soát gắt gao của giặc Pháp và tay sai, những nhà yêu nước cũng nhận thấy rằng phải lựa chọn vũ khí thích hợp. Đó là lý do nghĩa quân Mai Xuân Thưởng được rèn luyện kỹ các môn cung, giáo, côn, quyền. Cung để bắn địch khi bị tấn công. Còn giáo sào và quyền thì tận dụng đánh địch mọi nơi mọi lúc. Giáo sào làm bằng tre, một đầu vót nhọn bịt sắt, thoạt trông như một cây gậy dài, không gây chú ý của địch. Khi đánh có thể kết hợp cả chiêu thức của trường côn và thương. Lúc bị mất vũ khí, nghĩa quân giở quyền cước vừa tránh đòn vừa đánh trả đối phương, có khi còn khống chế và cướp được vũ khí trong tay giặc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Mai Xuân Thưởng thất bại, một chiến sĩ của phong trào là Võ Trứ đã lánh vào Phú Yên, gọt tóc tu hành ở một ngôi chùa nhỏ, vừa thuyết pháp vừa bốc thuốc chữa bệnh, thu phục tín đồ, ngấm ngầm vận động lực lượng cứu quốc. Khi hay tin ở Bình Định bộc phát bệnh dịch lớn, người chết như rạ, ông liền về chùa Chánh Danh huyện Phù Cát chữa bệnh cho dân bằng y thuật dưới các hình thức pháp thuật. Hồi bấy giờ nhà yêu nước Trần Cao Vân dưới lốt thầy địa lý từ Quảng Nam vào cũng đang tìm sự liên kết của những người cùng chí hướng. Qua môi giới của một thân chủ, Võ Trứ đã gặp Trần Cao Vân, bàn định kế hoạch lập căn cứ kháng chiến. Võ Trứ trở vào Phú Yên xúc tiến công việc chuẩn bị rồi rước Trần Cao Vân vào sau. Nghĩa quân của Võ Trứ được trang bị chủ yếu là rựa quéo, ná. Đội nghĩa quân áo vàng rựa quéo của Võ Trứ đã đánh giặc Pháp và tay sai vùng Phú Yên nhiều trận thất điên bát đảo. Mấy tiếng Giặc Rựa, Giặc Thầy Chùa là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bè lũ xâm lược và tay sai. Giặc Pháp phần đàn áp ráo riết gây bao tổn thất cho nghĩa quân, phần cho bao vây các chùa chiền, bắt rất nhiều tăng ni tống ngục. Thấy lực lượng còn quá mỏng, mà số người bị liên luỵ quá đông, Võ Trứ lên động Bà Thiên ở Phú Yên để chào từ biệt Trần Cao Vân rồi xuống núi nộp mình để cứu những người vô tội.
Phong trào yêu nước chống Pháp sôi sục ở Bình Định, Phú Yên tuy bị dìm vào biển máu, nhưng nó không làm nguội đi bầu nhiệt huyết của người Bình Định mà ngược lại còn thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc và ý chí phản kháng quật cường. Nhân dân Tây Sơn, những người sống trên mảnh đất phát tích của hai phong trào khởi nghĩa lớn, càng thấm thía nỗi đau mất mát, càng nung nóng hùng tâm tráng khí. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết là bảo vệ gia đình nòi giống, chống lại sự đàn áp của giặc, kế tục xứng đáng truyền thống anh hùng của ông cha, phong trào học võ, dạy võ, luyện võ phát triển vô cùng mạnh mẽ. Do những đặc điểm của bối cảnh xã hội đương thời, hai bộ môn thời thượng được thế hệ này chuyên tâm trau dồi là côn và quyền. Để rồi sau đó, trong phong trào trai An Thái – An Vinh kháng thuế, võ Bình Định lại một lần lên ngôi từ những chiếc gậy tre mộc mạc và những đường quyền dũng mãnh.
Kỳ tới: Làng võ và địa danh văn hóa
|