Võ Bình Định hình thành theo đơn vị làng, cũng như sự hình thành làng nghề, làng ẩm thực, làng sản vật. Ví dụ địa danh Bàu Đá khiến người ta nghĩ đến rượu ngon, địa danh Chợ Huyện khiến người ta nhớ đến nem, địa danh An Thái người ta liên tưởng tới bún Song Thằng. Hoặc nhắc đến lụa thì có lụa Phú Phong, lụa đậu tư An Ngãi, nhắc đến ngựa thì có ngựa Bằng Châu, nhắc đến rìu rựa cuốc cày thì không đâu thịnh bằng làng rèn Phương Danh… Suy cho cùng đó là sự hình thành các địa danh văn hóa, bao hàm chức năng quảng bá, mách bảo, có thể hiểu nôm na như “thương hiệu” của thời hiện đại.
Làng Võ – địa danh văn hóa
Ở Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng. Mỗi làng võ được nhắc tới luôn kèm với các địa danh thực đã tồn tại trong lịch sử làng xã Bình Định nhiều thế kỷ. Làng xưa nhất chừng 600 năm, làng sinh sau đẻ muộn cũng vài trăm năm tuổi. Huyện Tây Sơn có các làng Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền. Huyện An Nhơn có các làng An Thái, Thắng Công. Huyện Tuy Phước có các làng An Hòa, Kỳ Sơn. Huyện Phù Cát có làng Phú Nhân, Đại An, Hoà Hội. Huyện Phù Mỹ có làng Mỹ Hòa. Huyện Hoài Nhơn có làng Thanh Lương...
Tuy nhiên, theo dòng thời gian, giữa địa danh văn hóa với địa danh hành chính không còn hoàn toàn trùng khớp nhau. Tùy thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế xã hội và dân cư, địa danh hành chính có thể bị thay đổi do quyết định của nhà cầm quyền nhằm tạo sự ổn định và phát triển. Trong khi đó địa danh văn hóa có sức sống lâu bền hơn địa danh hành chính, bởi nó đã ăn sâu vào tâm thức quần chúng từ đời này sang đời khác, mà các triều đại cũng không có nhu cầu áp đặt lên nó một sự đổi thay nào.
Việc không hoàn toàn trùng khớp nhau giữa một số địa danh văn hóa với địa danh hành chính còn có một nguyên nhân sâu xa nữa. Địa danh hành chính luôn bám chặt vào một địa phận cụ thể. Trong khi đó với địa danh văn hóa, khía cạnh địa phận chỉ mang ý nghĩa xuất phát điểm. Làng võ Thuận Truyền tất nhiên phải hình thành trên đất Thuận Truyền. Song những môn sinh đến Thuận Truyền thụ giáo có thể là người thuộc làng khác, tổng khác, phủ khác, tỉnh khác. Bất kể anh là người ở xứ nào đến học, miễn đường roi anh đánh ra đúng là đường roi chân truyền của họ Hồ Thuận Truyền, thì về khía cạnh võ học, anh vẫn được nhận biết với tư cách tông đồ làng võ Thuận Truyền. Trường hợp khác, không ít truyền nhân của võ An Thái, võ An Vinh đi lập nghiệp đất khách quê người, đã mở võ đường để đào tạo môn sinh, duy trì tinh hoa võ học của tổ đường, của làng võ mà mình đã xuất thân. Lúc bấy giờ, các khái niệm làng võ An Thái, làng võ An Vinh đã thoát khỏi sự ràng buộc cụ thể về địa lý để vươn lên một tầng biểu đạt khác: một dòng võ, một môn phái. Đấy chính là sự mở rộng biên độ khái niệm về địa danh văn hóa.
Từ không gian “rộng”: Võ Tây Sơn – Võ Bình Định?
Như ta đã biết, Tây Sơn là một huyện của Bình Định. Đặc điểm địa lý của huyện Tây Sơn hàm chứa yếu tố đắc địa của một cái nôi võ thuật: Đồi núi phía tây là sự tiếp dẫn sơn mạch của Trường Sơn trập trùng tráng khí, với những ngọn núi thiêng đã đi vào các thư tịch cổ như ngọn Hánh Hót, ngọn Trưng Sơn (hòn Sung), ngọn Hoành Sơn (có núi Ấn và núi Kiếm), núi Ông Nhạc, núi Ông Bình, núi ông Dũng, hòn Lĩnh lương. Những truông, hang, gò nổng gắn liền với việc luyện quân: gò Tập binh, gò Cấm cố, bãi Tập voi, căn cứ Hầm Hô, mật khu Linh Đỗng… Dòng sông Kôn với những bến sông thịnh đạt về đường mua bán, đồng thời cũng là chốn gặp gỡ đi về của anh hùng hào kiệt: bến Trường Trầu, quán Chiêu Anh gắn liền với bước khởi nghiệp của Nguyễn Nhạc… Những làng xã âm vang như Kiên Mỹ, Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền, Thuận Nhứt,… Ấy là nơi cúi đầu nghe sông hát, ngẩng đầu nghe núi reo, nhắm mắt nghe roi quyền xé gió. Ấy là Tây Sơn, tiêu điểm của đất võ Bình Định.
Huyện Tây Sơn là nơi phát tích của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, một phong trào được ví là cơn bão táp lịch sử mà tinh hoa của võ thuật Bình Định được phát huy cao độ. Do ảnh hưởng rộng lớn của phong trào, thời kỳ Tây Sơn và hậu Tây Sơn, khái niệm võ Tây Sơn trùng khít với khái niệm võ Bình Định. Hai chữ Tây Sơn đã được sử dụng với hàm nghĩa “nhận diện” một vùng văn hóa rộng hơn rất nhiều so với nghĩa thực.
Võ cổ truyền Bình Định bao gồm cả các dòng võ cổ truyền tại Tây Sơn và các dòng võ của các địa phương khác trên tỉnh Bình Định. Nói như thế không có nghĩa là các dòng võ này phát triển độc lập tuyệt đối với nhau. Các đặc điểm chung như có bài thiệu, nguyên tắc “túc bất ly địa” (chân không rời đất) v.v nói lên sự thống nhất tương đối của các dòng võ cổ truyền Bình Định ở những nội dung cơ bản. Ngoài ra, giữa các dòng võ ấy vẫn có nhiều điểm khác biệt. Quyền An Thái đường nét sắc sảo, bay bướm, tiến thoái linh hoạt trong khi quyền An Vinh nghiêng về đánh móc, ra đòn hiểm. Giữa côn pháp các dòng võ cũng có sự phân biệt, đặc biệt các phép roi rút, roi cộng lực, roi đổ thủy, roi nghịch là “đặc sản” riêng của roi Thuận Truyền do Đại võ sư Hồ Ngạnh sáng tạo. Suốt quá trình hình thành và phát triển trên cùng một không gian lịch sử - văn hóa, giữa các dòng võ, các làng võ luôn có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Học hỏi không chỉ hàm nghĩa “xách bị đi nhặt” điều hay của người về bắt chước, mà còn là cách thức “ngảnh cổ mà trông” để rút ra cách khắc chế, để luyện những ngón hay hơn, giỏi hơn. Nhờ vậy, mà võ học Bình Định mới trở thành một di sản nhiều tầng lớp, phong phú và uyên diệu.
... đến không gian “hẹp”: An Vinh, Thuận Truyền, An Thái...
An Vinh là tên gọi một làng quê thuộc xã Bình An, huyện Tây Sơn. Sau khi Bình An tách thành 3 xã mới, An Vinh thuộc về địa phận xã Tây Vinh. Đây là một làng quê nông nghiệp thuần tuý nằm ven bờ bắc sông Kôn. An Vinh xưa có cánh đồng Ma Ha (cánh đồng Chúa) rộng lớn phì nhiêu. Bãi sông Kôn rộng, vào mùa hè là nơi luyện võ lý tưởng của trai tráng trong làng. Hồi sinh thời, võ sư Đinh Hề (Hương kiểm Mỹ) vẫn thường ra nằm hàng giờ trên cát nóng để luyện công. An Vinh cách An Thái một con sông, người làng đôi bên vẫn thường qua lại giao lưu mua bán.
Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận, một trong Tứ Thuận của Bình Khê (Thuận Truyền, Thuận Hạnh, Thuận Nhất, Thuận Ninh). Phía đông Thuận Truyền giáp núi Nảy (còn có tên là Trà Sơn) cao hơn trăm thước, phía sườn núi ngó thẳng vào làng có một dãy đá chớn chở như gươm. Làng có nhiều bàu. Bàu Suốt dưới chân núi Nảy rộng và sâu, quanh năm có nước. Bàu Năng gần đó, là ranh giới giữa Thuận Truyền với Thuận Hoà. Dân Thuận Truyền sống bằng nghề suốt cá, làm ruộng. Thuận Truyền xưa vừa là tên một thôn, vừa là tên một tổng. Gần đó có một con truông cát vừa rộng vừa dài và nhiều gò mối, trông qua giống như một thế trận tự nhiên. Xưa kia vùng này khá vắng vẻ, ít bị các nhà cầm quyền để mắt nên khách giang hồ thường qua lại, tụ tập.
Đứng ở An Vinh nhìn sang bên kia sông là An Thái. Đây là một đô thị cổ phồn thịnh của Tuy Viễn xa xưa, nơi thầy giáo Trương Văn Hiến dừng chân mở trường dạy cả văn lẫn võ. Đức hạnh và chân tài vòi vọi của ông đã biến mái trường sườn tre vách đất mái tranh trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của cả một vùng rộng lớn từ Bồng Sơn đến Tuy Viễn, rồi Phú Yên ra, rồi Quảng Ngãi vào. Học trò ông, trong đó có ba anh em nhà Tây Sơn, đều trở thành những văn sĩ võ nhân lừng lẫy không chỉ một đời, và danh tiếng của họ hiển nhiên đã góp phần làm rạng danh cho vùng đất võ An Thái – Thắng Công, nơi họ đã từng miệt mài học tập và tiếp thu những luồng gió thời cuộc qua các sinh hoạt vừa phong phú tưng bừng vừa nhạy cảm bi tráng ở một miền hợp lưu văn hóa.
An Vinh và Thuận Truyền tuy không hình thành tầng lớp thương nhân, song xét về vị trí toạ lạc thì vẫn nằm trong ảnh hưởng chung của các tụ điểm đô thị cổ của huyện Tuy Viễn như Phú Phong, An Thái. Dân Thuận Truyền, An Vinh tham gia hầu hết các sinh hoạt hội hè đình đám diễn ra tại An Thái, Phú Phong như lễ hội, hát rạp, hát trường, nhất là các hoạt động võ thuật như thi đấu giữa các môn phái, giữa các làng tổng, đấu dưới đất, đấu trên đài.
Như sự sắp bày hữu ý của địa lý và lịch sử, tại các làng này đã hình thành những dòng võ lớn. Ở An Vinh có họ Nguyễn, họ Trần, họ Đinh. Ở Thuận Truyền có họ Hồ, họ Lê. Ở An Thái có họ Trương, họ Lâm, họ Quách, họ Diệp. Võ sư khai môn dòng quyền An Vinh là Nguyễn Ngạc (tức Hương mục Ngạc). Võ sư khai môn dòng roi Thuận Truyền là Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh). Riêng An Thái, một rẻo đất nhỏ về diện tích nhưng lại đầy đặn cơ duyên hội ngộ, mặc nhiên trở thành nơi tồn tại và phát triển 2 dòng võ Việt và Tàu đặc sắc: dòng võ Việt của Lâm Hữu Phong - Lâm Đình Thọ (Hương Kiểm Lài) và dòng võ Tàu của Diệp Trường Phát (Tàu Sáu).
Trong khoảng vài mươi năm, làng võ An Vinh do Nguyễn Ngạc vun trồng nở rộ các tài năng: Hương kiểm Mỹ, Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác (tức Hương kiểm Cáo), Hai Tửu, Mười Đậu, Bầu Năm,... Làng võ Thuận Truyền do Hồ Ngạnh khai môn cũng sản sinh những đại danh: Xã Nung, Lê Thành Phiên, Xã Trước, Cả Đang, Tạ Thức, Lê Bá Cừu, Đặng Vĩnh Nghê, Dư Trốn, Hồ Tiền,... Làng võ An Thái, Thắng Công với hai võ đường lớn của họ Lâm, họ Diệp cũng là nơi đào luyện anh tài: Lâm Ngọc Lài, Lâm Ngọc Phú, bà Sáu Sanh, Ba Phùng, Phó tuần Chuẩn, Chín Kỳ, Tám Lẻo, Diệp Bảo Sanh… làm nên diện mạo võ thuật một vùng đất, nối qua nhiều đời.
Chính họ, trong đời sống đầy biến động đầu thế kỷ XX, bằng các cuộc thách đấu đã làm nên hào quang của ngọn roi đường quyền đất võ. Các cuộc tỷ thí dậy lên như sóng. Có cuộc các bậc chính nhân quân tử so tài như Tàu Sáu và Chín Ngạnh, Tàu Sáu với Mười Kinh. Có cuộc giăng bẫy bắt cướp như Cai Bảy (Bảy Lụt) phục bắt Dư Đành mà bị Dư Đành tương kế tựu kế đánh nhừ tử. Có cuộc “đến hẹn lại lên”, lâu thì bốn năm một lần như hội Đổ giàn, mau thì xuân thu thượng đài thi đấu giữa các địa phương. Sự tranh hùng tranh bá giữa các môn phái diễn ra thiên hình vạn trạng! Những câu tục ngữ “Trai An Thái, gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh” ra đời chính từ những “hò hẹn tương phùng” này và ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ, sâu rộng...
Kỳ tới: Quyền An Vinh
|