Ngày xưa, người ta gọi người học võ là võ sinh, người dạy võ là võ sư, nhà dạy võ là võ đường, người lập thân bằng võ nghệ là võ sĩ. Trong số đó, nổi lên những người kiệt xuất, thực học sâu xa, thông hiểu võ đạo, có thành tích rực rỡ trong nghiệp võ. Để đào tạo một võ sĩ có nghề, là cả một quá trình truyền dạy công phu của võ sư. Những phẩm chất của trò như thông minh, chăm chỉ, có thể lực, có năng khiếu chỉ mới là “bột”, còn sự chỉ dạy của thầy là nước, là lửa, là bàn tay người “gột” nên hồ. Chính vì vậy mà có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Lại có câu “Thầy nào trò nấy” để chỉ ảnh hưởng to lớn của thầy đối với trò không chỉ về mặt nghề nghiệp mà cả về mặt tinh thần và nhân cách.
Ngay từ buổi đầu, thầy nêu ra những quy định của môn phái. Những quy định này rất ngắn gọn, được đúc kết thành những điều cấm và những điều cần nhớ: Phải giữ gìn bản thân luôn trong sáng, thuần khiết; Phải chuyên cần tập luyện võ công và tuyệt đối trung thành với môn phái; Phải phát huy và truyền dạy võ công của môn phái theo chính đạo; Không phản thầy, hại bạn, hà hiếp người khác; Không khoe mình, chê người; Không có tư tưởng “thắng làm vua, thua làm giặc".
Một số nguyên tắc luyện tập yêu cầu trò phải học thuộc và làm theo trong suốt quá trình học là: Không được gần sắc dục trong thời gian tập luyện; không nên tập võ ngay sau khi ăn xong; trong lúc tập luyện không được ngồi nghỉ giữa chừng; không nên uống nước nhiều trong buổi tập; nên tập cả sáng sớm và ban đêm để hấp thụ đầy đủ khí âm dương.
Thầy bắt đầu truyền dạy cho trò vừa lý thuyết vừa thực hành, lý thuyết đến đâu thực hành đến đó. Về thực hành gồm có luyện sức và luyện võ.
1- Luyện sức: là tập luyện hàng ngày để tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng. Để luyện sức, võ sinh phải tập xách nặng, tập chạy, tập nhảy, tập các động tác tay chân. Võ sinh tập cầm, nắm, bóp vật cứng, chém bằng lườn bàn tay; tập cầm cú để đấm, tập đánh bằng lòng hoặc lưng bàn tay; tập xuyên bàn tay qua cát để luyện ngón tay cứng rắn; tập đấm, đá vào bao cát... Thật ra trong khi luyện sức, võ sinh sẽ quen dần với các thế đánh ra, thu vào (tay), xuất cước, thu cước (chân) sao cho mạnh, đẹp, gọn gàng. Khi tập thành công, võ sinh có thể dùng tay chém vỡ gạch, ngói hoặc đâm xuyên qua vách ván, thành bụng.
Để luyện đôi chân, võ sinh tập nhảy trên đất bằng, nhảy hố. Dân gian gọi môn tập nhảy hố là “võ cá lóc”. Ngày xưa chàng Lía tự đào hố để tập nhảy, ban đầu đào hố cạn, về sau sâu dần. Lía đổ cát vào hai ống quần, cột lại rồi nhảy. Nhờ luyện nhảy chuyên cần mà Lía chỉ nhún mình một cái là nhảy lên cao, vượt tường dễ dàng. Còn có lối nhảy lên cao, dùng chân đạp vào một điểm tựa để tiếp tục nhảy lên cao một khoảng nữa, gọi là “nhảy leo thang”. Truyền thuyết về Lía kể rằng khi mẹ mất, chàng Lía đã vượt núi băng truông về mang thi hài mẹ lên táng trên núi cao. Lía lấy áo buộc mẹ trên lưng, rồi hai tay cầm ba chiếc mâm đồng, ném lên không trung một chiếc. Chiếc mâm bay lên, Lía nhún mình một cái vút theo. Khi chân chạm vào mâm, Lía vừa lấy đà nhảy vọt lên vừa ném tiếp chiếc thứ hai rồi chiếc thứ ba. Bóng Lía khuất dần trong mây thẳm. Chỗ Lía chôn mẹ là Trưng Sơn, ngọn núi cao nhất của Tây Sơn. Về sau có ông Khách Bút ở Kiểng Hàng cũng giỏi thuật khinh công, ném mâm gỗ để vượt trùng vây*, chính là dùng lối nhảy leo thang này, một thứ công phu tuyệt đỉnh mà rất ít người đạt tới.
2. Luyện võ:
Thông thường, học trò mới hàng ngày phải tập trụ và tập di chuyển. Tập trụ là tập đứng trung bình tấn. Hai chân dạng ra vừa đủ, hai bàn chân nằm song song với nhau, chân rùn xuống để cho hai đùi song song với mặt đất. Lưng thẳng đứng, mặt ngó thẳng, hai tay nắm chặt, cùi chỏ khép sát vào sườn, cánh tay song song với hai đùi. Trọng lực toàn thân dồn xuống hai đùi, bàn chân gắn chặt vào mặt đất. Có nhiều thế đứng tấn: Tý ngọ, Tứ bình, Đinh tấn, Kim kê, Đảo đinh, Bát quái, Độc cước...
Thầy võ thường bắt học trò kê cối đá hay đá tảng trên đầu gối, nếu ai trụ được hồi lâu mà không bị run chân khuỵu gối, không suy suyển xê dịch là đạt. Tập trụ thành công thì võ sinh có thể giữ thăng bằng cho cơ thể, nói theo thuật ngữ của con nhà võ là đứng vững như núi, khó ai lay chuyển được.
Sau khi tập trụ được rồi, học trò tập bộ ngựa, tức là tập di chuyển. Có nhiều bộ ngựa khác nhau. Nếu bộ trụ chắc giúp cho ta ra đòn mạnh và chính xác, thì bộ ngựa linh hoạt giúp cho ta di chuyển nhanh nhẹn, lách tránh tốt. Có người mạnh về trụ mà yếu về ngựa và ngược lại. Những võ sĩ giỏi phải nhuần nhuyễn cả trụ lẫn ngựa, khi trụ thì vững chắc, khi chuyển động thì mau lẹ gọn gàng. Tập trụ và ngựa chủ yếu là tập chân. Các bài tập chân cơ bản là Tứ bình, Thất bộ.
Tập tay là tập các thế đánh và đỡ bằng nắm đấm, bằng lườn tay, ngón tay, cùi chỏ; cách tấn công, cách đỡ gạt. Bài tập tay cơ bản là bài Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ). Bài tập gồm 5 tư thế, mỗi tư thế tương ứng với một hành: Kim: đâm; Mộc: chặt; Thuỷ: bắt; Hỏa: tránh; Thổ: đánh xuống.
Về Ngũ hành có Ngũ - hành - trụ và Ngũ - hành - đi. Ngũ hành trụ là đứng trụ tại chỗ để đánh. Ngũ hành đi là vừa di chuyển vừa đánh.
Lúc này, thầy võ dạy cho học trò cách kết hợp chân và tay. Các bài quyền cơ bản mà võ sinh được học là Ngọc Trản quyền, Lão Mai quyền...
Sau khi tập xong các bài cơ bản, thầy võ mới phân thế cho đánh. Ở Bình Định, cách phân thế đi liền với các câu trong bài thiệu. Học trò phải học thuộc lòng các bài thiệu thầy mới dạy từng thế võ trong bài. Ngày xưa, việc phân thế và truyền khẩu quyết thường ít để cho người ngoài biết, với những chiêu thức độc đáo lại càng cẩn thận.
Thầy võ vừa đọc các câu thiệu, vừa giảng giải rất kỹ các từ, các động tác của từng thế võ rồi biểu diễn để trò coi qua. Rồi thầy thị phạm một vài lần cho trò tự tập. Trong khi trò tập, thầy luôn luôn quan sát, uốn nắn, chỉ dạy các chỗ sai cho trò.
Học xong mỗi bài thảo, học trò được thầy phân tích các thế công, thủ, trừ … rồi cho giao đấu với nhau từng cặp một theo bo chạng** trên dưới 3 kg. Thầy đứng xem, chỉ cho từng chỗ hở, chỉnh sửa cho học trò những điểm non yếu. Trường hợp thầy dạy một lúc vài chục hoặc năm bảy học trò, có thể giao việc cai quản tập luyện cho một học trò lớp lớn làm thay. Nếu phải khi học trò hiếm hoi, một thầy một trò, thì thầy vừa chỉ vẽ vừa “đấu” với trò. Thầy ra đòn, dạy cho trò cách đỡ, rồi thầy cho trò đánh để mình đỡ. Thầy thường khuyến khích trò đánh hết sức, đánh như thật để nắm bắt khả năng tiếp thu của trò đến đâu, kịp thời bổ khuyết cho trò chỗ thiếu, hoặc gặp phải học trò tối dạ, thầy phải nghĩ ra cách dạy dỗ phù hợp để dìu dắt trò tiến bộ.
Võ sinh phải khổ công tập luyện, nhuần nhuyễn đến độ không cần suy nghĩ gì mà vẫn sử dụng được các thế võ để đối phó với mọi tình huống. Mỗi khi giao đấu thì những điều mình từng luyện tập tự nhiên phát ra. Cùng một thảo võ, nhưng không phải học trò nào cũng tiếp thu và sử dụng như nhau. Người sáng dạ, biết biến hoá uyển chuyển thì trong vận dụng sẽ linh hoạt hơn những người học sao làm vậy. Khổ công tập luyện thì võ nghệ sẽ tinh thâm, nhưng biết ứng biến linh hoạt mới trở thành cao thủ. Kết hợp được cả hai thì võ nghệ sẽ tuyệt luân.
Trong võ học có khái niệm tâm pháp và thân pháp. Tâm pháp là sự vận dụng trí tuệ để tiếp thu, lĩnh hội lời dạy của thầy, tự nghiên cứu và chọn lọc tinh hoa, sáng tạo ra các chiêu thức hay. Thân pháp là các phép luyện tập thân thể tay chân, vận công bế huyệt. Buổi đầu học võ, bao giờ tâm pháp cũng là cái đi trước, chi phối thân pháp, vì suy nghĩ phải đi trước hành động. Tuy nhiên, trong giao đấu mà quá lệ thuộc vào việc suy nghĩ để tìm cách đánh, đỡ đòn này, đòn kia ra sao thì chiêu thức đưa ra bị “lạc nước”, rất dễ bị đối phương đánh bại. Tâm pháp và thân pháp có quan hệ mật thiết với nhau, hoà quyện thống nhất với nhau trong từng chiêu thức võ thuật. Cần luyện thế nào cho thành thục, đứng ngồi vững vàng, tới lui qua lại mực thước, chuyển động âm dương hoà hợp, tóm lại là hình thành các phản xạ mau lẹ để ứng biến thần tốc trong mọi trường hợp. Khi bị tấn công có thể xuất thế phản đòn một cách tự nhiên, linh diệu, tưởng như không cần suy nghĩ, là đã đạt đến sự ly khai tâm pháp. Người nào đạt tới trình độ đó, là võ công đã thành.
Đã có thời người ta học võ như học một nghề, hơn nữa, lại là một nghề gắn liền với tiếng tăm, danh dự. Vì thế từ cách dạy đến cách học rất tỉ mỉ, công phu. Ngày nay, việc dạy võ, học võ đã giản lược đi nhiều, chủ yếu là để rèn luyện sức khỏe. Cái tinh túy, kỹ lưỡng cũng mai một dần. Võ sư Phan Thọ rưng rưng nói những lời gan ruột: “Người biết nhiều môn võ Bình Định, biết sử dụng đủ mười tám môn binh khí như lứa chúng tôi còn ít lắm. Mà bây giờ người ta mải theo chuyện làm ăn sinh sống, có mấy ai chuyên tâm theo học mười mấy năm ròng. Tôi lo rồi đây các môn thập bát ban binh khí sẽ mất dần. Nếu có người chịu học, tôi sẵn sàng dạy, không lấy tiền công”.
Ở Bình Định hiện nay có khoảng chín chục lò võ cổ truyền, riêng Tây Sơn đã chiếm non nửa, một số trong đó là vệ tinh của Sở Thể dục – Thể thao Bình Định. Đối tượng học võ chủ yếu là thiếu niên, học sinh. Nhu cầu của võ sinh ngày nay thiên về võ tay không để tự vệ, không mấy ai lưu tâm đến các môn binh khí cổ truyền. Đó cũng là tuân theo quy luật tự nhiên của đời sống, song đối với các võ sư cao niên nặng lòng vì nghiệp tổ và với những người yêu chuộng võ cổ truyền, thì điều này lại là một nỗi ưu tư lớn.
....................
* Theo Quách Tấn – Quách Giao, Võ nhân Bình Định, NXB Trẻ 2001, trang 599
** bo chạng: cũng một cỡ, tương đương, có thể chênh lệch chút ít.
Kỳ tới (kỳ cuối): Sức sống của võ cổ truyền Bình Định |