Một phụ nữ vượt khó, vươn lên làm giàu
Đó là chị Đào Thị Thức, ở thôn Cảm Đức, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân. Chồng mất năm 2009, để lại cho chị 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học, chị trở thành lao động chính của gia đình trong bối cảnh với nghề nông không ổn định, kinh tế gia đình hết sức khó khăn.
Phơi bún ở cơ sở của chị Thức.
Với bản chất cần cù, siêng năng, không ngại khó khổ, chị đã nghiên cứu, tìm hướng làm ăn nhằm thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Rồi chị quyết định thử sản xuất bún gạo khô, kết hợp sử dụng phế phẩm từ bún để nuôi heo. Sau những khó khăn ban đầu, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay vốn và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo nghề, chị mạnh dạn đầu tư mua máy chế biến bún gạo khô với công nghệ hiện đại hơn và nghiên cứu tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ sản xuất bằng máy nên năng suất bún gạo khô tăng, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất khoảng 1 tấn bún khô, sản phẩm có nhãn mác hẳn hoi, không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn đưa đi Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh...
Qua sản xuất bún khô, chị Thức đã tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động nữ ở địa phương với thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Với nghề sản xuất bún gạo khô và chăn nuôi heo, gia đình chị Thức thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, có điều kiện nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn, đến nay 3 con của chị đã ra trường, có việc làm ổn định, 1 cháu đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh.
Chị Thức còn tích cực tham gia hoạt động xã hội ở địa phương. Nhiều năm liền, gia đình chị đạt gia đình văn hóa xuất sắc; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; được UBND huyện tặng Giấy khen…
VĂN HÙNG