Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 1: Lần đầu đến Trường Sa
Chiều 4.1, tại Quân cảng Cam Ranh, tàu 571 thuộc Hải đội 411 (Vùng 4 Hải quân) đã rẽ sóng ra khơi, đưa đoàn công tác chúng tôi tiến về hướng các đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa. Ðiểm đến đầu tiên trong hành trình dài ngày của đoàn là đảo Sinh Tồn Ðông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 332 hải lý.
Đoàn công tác tiến hành thay, thu quân, đồng thời ra thăm, chuyển quà động viên, chúc Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đối với cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ, nhân dân sống và lao động tại Trường Sa. Tham gia cùng đoàn công tác ở tuyến đi này có 44 phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hầu hết các phóng viên đều lần đầu tiên được đi quần đảo Trường Sa.
Lá thư hướng về đảo Gạc Ma
Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên biển nhiều sóng to gió lớn, chưa đến nơi nhưng mọi người trong đoàn đều mệt đừ vì say sóng. Nhiều người nằm lì trên giường bỏ các buổi ăn cơm, chỉ húp được cháo loãng đem vào tận phòng ở hay ít sữa tươi mang theo để “cầm hơi”. Đến sáng 6.1, khi còn cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng vài chục hải lý, nhiều phóng viên đang say sóng đều “bật dậy” khi nghe thông báo trên boong tàu đang có chuyện xúc động...
Nhà báo Khánh Chi đọc thư gửi liệt sĩ Trần Văn Bảy trước khi thả xuống biển khu vực gần đảo Gạc Ma.
Là một trong những phóng viên đầu tiên chạy lên boong tàu, tôi nhớ mãi cảnh nữ phóng viên trẻ Nguyễn Khánh Chi (Báo Hà Nam) đang đứng cầm lá thư đọc trong nước mắt giàn giụa... Đây là thư của ông Trần Xuân Thu (ở Hà Nam) gửi em trai liệt sĩ Trần Văn Bảy, người đã anh dũng hi sinh ở trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây 30 năm. Bức thư trĩu nặng tâm tình thương nhớ: “Quê nhà, ngày 29.12.2018. Bảy em yêu quý của anh. Đã 30 năm...không lúc nào mà anh quên được em, ngày ngày anh ở quê nhà thắp hương cầu mong cho vong linh em siêu thoát. Vì điều kiện biển đảo sóng gió nên anh không ra đến nơi để thắp hương cho em và các đồng đội của em được...”.
Thật xúc động khi từ boong tàu phóng tầm mắt ra xa là có thể thấy “nỗi đau” hiện lên giữa biển khi đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép. Đọc xong thư trong nỗi nghẹn ngào, nhà báo Khánh Chi cầm thư vái về phía đảo Gạc Ma rồi thả xuống biển. Lá thư được gió nâng bay lên cao lấp lánh trong nắng, rồi từ từ hạ xuống hòa vào lòng Biển Đông.
Cách đây 2 năm, nhà báo Khánh Chi đã tìm đến gia đình liệt sĩ Trần Văn Bảy để tìm hiểu. Cô phóng viên trẻ đã hết sức xúc động khi được gia đình cho xem lá thư của anh Bảy viết gửi về chỉ vài ngày trước khi hi sinh. Trong bức thư có đoạn: “Ngày mai tàu con rời bến đi đảo, nói đi Trường Sa chắc bố mẹ sẽ lo. Nhưng không có gì lo lắng cả...”. Vậy mà, chỉ sau một ngày nhận được thư gửi về, gia đình anh đã được nghe tin dữ... “Khi biết mình lần đầu tiên được đi công tác ở tuyến phía Bắc Trường Sa, tôi lập tức gọi báo cho bác Trần Xuân Thu biết là sẽ đi ngang qua vùng biển gần nơi em trai ông hi sinh. Tôi cảm thấy điều gì đó thật thiêng liêng khi làm cầu nối chuyển thư và cũng là sợi dây gắn kết tâm linh của gia đình đến người thân sau hơn 30 năm chia xa mãi mãi...”, nhà báo Khánh Chi tiếp tục rơi nước mắt khi chia sẻ.
Vững vàng Sinh Tồn Đông
Sau 3 ngày ở trên biển, đoàn chúng tôi đến Sinh Tồn Đông, điểm đảo đầu tiên trong vùng “đất thiêng” của Tổ quốc. Đầu giờ sáng thủy triều xuống nên ca nô chỉ có thể đưa chúng tôi đến cách đảo gần 50 m, mọi người xuống lội nước cao đến bắp đùi để vào bờ. Nước biển xanh trong, lộ rõ những rạn san hô, sao biển, khiến những vị khách đất liền thêm háo hức...
Sinh Tồn Ðông có phần đảo nổi tự nhiên nhỏ nhất trong số các đảo nổi của quần đảo Trường Sa, nhưng khu vực xung quanh có tính chất phức tạp. Có những thời điểm có đến 70 tàu nước ngoài quy mô lớn hoạt động xung quanh đảo Huy Gơ... nên lực lượng cán bộ, chiến sĩ ở Sinh Tồn Ðông đã có rất nhiều nỗ lực để trở thành điểm sáng trong số các đảo của Trường Sa, đặc biệt là ở việc sẵn sàng chiến đấu...”.
Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146
Sinh Tồn Đông là đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, xung quanh có nhiều bãi cạn, trong đó có bãi đá cạn Ba Đầu là khu vực nhạy cảm tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây mất ổn định. Gần khu vực đóng quân của đảo Sinh Tồn Đông ở phía Tây Bắc khoảng 5 hải lý có đảo Huy Gơ do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hiện đã xây dựng những công trình lớn mà đứng từ đảo của ta cũng đã phần nào nhìn thấy được.
Bộ đội ta đã ra đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông từ năm 1978 đến nay, đã không ngừng tiếp nối truyền thống lập nên nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đại úy Đinh Ngọc Sang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”. Đảo luôn trực chế độ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tuần tra, canh gác, quan sát nắm chắc tình hình trên không, trên biển. Theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nước ngoài để xử lí đúng đối sách, báo cáo kịp thời về sở chỉ huy các cấp. Chúng tôi đã phát hiện được 1.415 lượt mục tiêu trong năm qua...”.
Sinh Tồn Đông từ nhiều năm qua đã trở thành là “điểm tựa” vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Quân y trên đảo đã thực hiện tốt việc khám, điều trị, cấp phát thuốc cho 40 lượt ngư dân trong năm 2018. Đặc biệt, đã kịp thời cấp cứu cho ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi, Bình Định.
Dù chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt từ mùa mưa đến mùa khô, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn cố gắng tăng gia sản xuất. Hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi đã góp phần phủ thêm sức sống, tỏa bóng mát cây xanh quanh đảo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của mọi người trên đảo. Đi dạo quanh đảo, có thể bắt gặp những giàn hoa lan từ cao nguyên Lâm Đồng chuyển ra đã nở hoa thắm sắc nơi đảo xa. Đảo cũng là nơi “đất lành chim đậu” khi có đàn cò biển mấy chục con đã dừng chân ở lại đảo, dạn dĩ ở gần các chiến sĩ từ nhiều tháng qua...
Đoàn công tác vào thăm đảo Sinh Tồn Đông.
Nối tình cảm đất liền và đảo xa
Chỉ có khoảng 5 giờ đồng hồ ghé thăm Sinh Tồn Đông, nhưng đoàn công tác đã góp phần nối liền tình cảm, sự quan tâm của cán bộ, nhân dân nơi đất liền luôn hướng về đảo xa. Những món quà của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ thực phẩm, áo ấm, cây xanh, dụng cụ tập luyện thể thao... đến những lá cờ Tổ quốc mới tinh được trao tận tay, tạo thêm niềm phấn chấn cho cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo.
Vận chuyển quà tết vào đảo Sinh Tồn Đông.
Niềm vui thêm đong đầy, nụ cười càng thêm tươi trong chương trình văn nghệ giao lưu “cây nhà lá vườn” đậm chất lính đảo giữa chủ và khách. Đã bao nhiêu lần nghe bài hát yêu thích “Nơi ấy là Trường Sa”, “Tổ quốc gọi tên mình”, nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó thật xúc động khi được nghe các chiến sĩ, thành viên CLB Vì biển đảo quê hương hát ngay giữa vùng đảo bốn bề mênh mông sóng nước. Những câu hát thêm sâu lắng, hùng hồn hơn, vang vọng đến từng chiến sĩ, cán bộ thêm vững chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ Đỗ Đình Viên và cây bàng vuông kỷ vật đảo Sinh Tồn Đông.
Chia tay Sinh Tồn Đông vào đầu giờ chiều, tôi bắt gặp chàng trai trẻ người Hà Nội Đỗ Đình Viên (24 tuổi) ở ngoài cầu tàu, hai tay nâng niu chậu cây bàng vuông con, đất trong chậu còn phủ nhiều vỏ ốc đặc trưng của vùng biển nơi đây. “Thấm thoát mà đã hết một năm ra công tác ngoài đảo...nay tôi đã ra quân, trở về thủ đô chuẩn bị đón Tết cùng với gia đình.Tôi chọn cây bàng vuông làm kỷ vật đem về, bởi đây là loại cây biểu tượng cho tinh thần mạnh mẽ, bất khuất của người lính ở Trường Sa. Dù chia xa nhưng chắc rằng mai này mỗi khi nhìn vào cây bàng vuông, biết bao kỷ niệm, tình cảm đồng đội gắn bó, luôn sát cánh hỗ trợ nhau nơi đầu sóng ngọn gió...sẽ luôn hiện về nguyên vẹn trong tim tôi.”, Đình Viên chia sẻ.
HOÀI THU