“Dã tràng xe cát”... làm gì?
Hẳn ai cũng biết dã tràng là một loài thuộc bộ giáp xác, sống gần biển, có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm ăn. Loài động vật này còn có tên gọi khác là “còng”, “còng gió”. Về tên gọi “dã tràng” của loài động vật này, có lẽ ai cũng nghĩ nguồn gốc từ tiếng Việt…
Thật ra, “dã tràng” là một từ gốc Hán. Âm Hán Việt hiện đại của “dã tràng” là “dã trường”. “Dã tràng” là do đọc chệch “dã trường” mà thành. Vì như đã biết, hiện tượng biến âm /ương/ - /ang/ khá phổ biến trong tiếng Việt, như lên đường - lên đàng, đường hoàng - đàng hoàng, cầu Trường Tiền - cầu Tràng Tiền,…
Liên quan đến loài giáp xác họ hàng với cua, cáy này, trong tiếng Việt có thành ngữ “dã tràng xe cát”, “công dã tràng”. Chúng được dùng với nghĩa “những việc khó nhọc mà vô ích”. Không ít người cho rằng, ý nghĩa trên bắt nguồn từ thực tế tập tính vê cát tìm thức ăn của loài dã tràng (vì gần bờ biển nên những viên cát mà dã tràng vê chưa xong đã bị sóng đánh vỡ hết).
Thực ra, ý nghĩa trên bắt nguồn từ một câu chuyện sâu xa hơn mà dân gian đã kể lại trong “Sự tích con dã tràng”. Chuyện khá dài, đại ý, ngày xưa có vợ chồng ông Dã Tràng. Nhờ cứu rắn, ông được trả ơn viên ngọc có thể nghe được tiếng nói của các loài. Nhờ viên ngọc này, ông cứu được gia đình ngỗng khỏi nạn bị giết thịt. Do đó, ngỗng tặng ông viên ngọc giúp đi được dưới nước. Long Vương lo sợ bèn lập kế, lừa vợ Dã Tràng cướp hai viên ngọc quý của ông. Biết ngọc đã mất, vừa tiếc nuối vừa căm giận, Dã Tràng quyết đòi lại bảo vật bằng cách làm nhà gần biển, ngày ngày xe cát lấp biển mở đường xuống thủy cung đòi ngọc. Mọi người can ngăn nhưng không được. Dã Tràng vẫn ngày ngày xe cát, đến lúc chết đi vẫn chẳng nên việc gì. Ông chết hóa thành con dã tràng. Cho nên, dân gian mới có câu: “Dã Tràng xe cát biển Đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. Truyện này có mô típ khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa.
Vào văn chương và ngôn ngữ đời sống, “dã tràng” trở thành một điển cố. Tuy nhiên, vì được sử dụng phổ biến, lại gắn liền với hình ảnh con dã tràng, điển này đã dần bị “từ hóa”, được dùng như một từ bình thường.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ