“Trăm hay không bằng tay quen”
Đây là câu tục ngữ rất quen thuộc với người Việt. Hầu như ai cũng hiểu nghĩa của nó là “biết nhiều không bằng quen làm”. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều người còn “đi xa quá” khi giảng giải rằng hàm ý của nó là “đề cao kinh nghiệm, coi nhẹ lý thuyết”. Phải chăng, ông bà ta muốn khuyên con cháu chỉ cần làm theo kinh nghiệm, làm theo “tay quen” mà không cần tìm tòi, tổng kết sáng tạo, khái quát thành lý luận? Thật ra ông bà ta không kém cỏi như thế, việc hiểu như vừa kể là sai lệch.
Trong tục ngữ cấu trúc “Ax không bằng By” khá phổ biến, điển hình là câu “trăm nghe không bằng một thấy”, hai vế Ax và By đối nhau để tăng cùng tác dụng nhấn mạnh. Xét theo cấu trúc này, câu tục ngữ ta đang xét phải là “trăm hay không bằng một quen” mới là tối ưu! “Trăm” thì không thể đối với “tay”. Ngay cả “hay” cũng không đối với “quen” được vì trong ngữ cảnh này, nó được dùng với nghĩa danh từ.
Vấn đề nằm ở từ “trăm”. Trong tiếng Việt hiện đại, chỉ có duy nhất một từ “trăm” - số từ, có giá trị “bằng mười chục”, rồi dần mang nghĩa tượng trưng cho “số lượng lớn không xác định” như trong cách nói “trăm người như một”, “khổ trăm bề”… Do đó mà có cách hiểu như trên.
Nhưng “trăm” ở câu tục ngữ lại mang nghĩa khác. Đây là một từ cổ, nay không còn được dùng trong tiếng Việt. Khá nhiều từ điển ghi nhận điều này. Chẳng hạn, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “trăm” là “nói trết trác, líu lo”, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng là “nói líu-lo, dấp-dính”, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giảng là “nói lăn-líu và tía-lia”. Như vậy, “trăm hay không bằng tay quen” phải được hiểu là “nói hay không bằng làm quen”.
Về mặt cấu trúc, câu tục ngữ này đảm bảo được tính đối xứng (quen đối với hay vì cùng là tính từ, tay chuyển nghĩa hoán dụ để chỉ hoạt động “làm” có thể đối được với động từ trăm với nghĩa “nói”). Hơn nữa, đây mới đích thị là dụng ý của người xưa: Đề cao hành động hơn nói suông.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ