Trung tâm hội nghị tỉnh: “Ðiểm nhấn” riêng có của Quy Nhơn
Chỉ còn vài tuần nữa, TP Quy Nhơn sẽ có thêm một “điểm nhấn” riêng có khi Trung tâm Hội nghị tỉnh, được xây dựng tại khu đất “kim cương” của thành phố, hoàn thành.
Theo Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, diện tích của khu đất xây dựng Trung tâm Hội nghị tỉnh (TTHNT) là gần 25.000 m2; tổng diện tích sàn xây dựng: 25.530 m2. Khi tham vấn một số chuyên gia bất động sản, tất cả đều “tấm tắc” 2 điểm: Khu đất có vị trí quá đẹp và tỉnh Bình Định quá đỗi “chịu chơi” sau khi dành khu đất vàng gần đó làm công viên, nay bố trí khu đất “kim cương” để xây dựng một công trình có độ mở cao hướng tới phục vụ cộng đồng.
Trung tâm Hội nghị tỉnh được xây dựng trên khu đất có vị trí đắc địa ở TP Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Dũng
Theo kiến trúc sư (KTS) Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Bình Định, trong quá trình lựa chọn đơn vị thiết kế thì tỉnh đã chọn Studio Milou (có trụ sở tại Pháp và Singapore) thiết kế công trình, vì KTS Jean Francois Milou và các cộng sự ở Studio Milou đã khẳng định được năng lực chuyên nghiệp khi thiết kế Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn (ICISE Quy Nhơn), được trao Giải Hội đồng thể loại “Tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam” của KTS nước ngoài (Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2014); đồng giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; thiết kế công trình Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore đạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế…
“Trung tâm Hội nghị tỉnh không chỉ là điểm nhấn kiến trúc của TP Quy Nhơn mà còn phải phát huy hiệu quả tạo điểm nhấn trong hoạt động phục vụ phát triển du lịch. Ngoài việc tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh, giao cho Sở Du lịch phối hợp với các DN, đơn vị liên quan thời gian tới họp bàn về việc tổ chức các sự kiện, chương trình có quy mô phục vụ du khách và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là tạo sản phẩm du lịch về đêm tại nơi đây.
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Bình Định khi chuẩn bị xây dựng Trung tâm rất rõ ràng: Phục vụ cho các sự kiện quan trọng như đại hội, hội thảo, hội nghị, biểu diễn nghệ thuật… đồng thời kết hợp tổ chức các không gian đa chức năng như tổ chức sự kiện, phòng trưng bày, triển lãm, tổ chức hội diễn, hòa nhạc ngoài trời; nơi giao lưu, trao đổi thương mại, văn hóa. Góp phần hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu Trung tâm Hội nghị và Quảng trường của tỉnh, đồng thời tạo ra một điểm nhấn kiến trúc cho TP Quy Nhơn bởi công trình không chỉ đẹp mà còn có độ mở tối đa nhằm phục vụ cộng đồng.
Trên cơ sở yêu cầu đó, Studio Milou đã có thiết kế TTHNT giữ nguyên đặc điểm và quy mô của khu đất hiện tại, theo khối hình dài, mỏng và mở thông ra không gian đô thị tại cả hai bên, đồng thời cũng tích hợp được toàn bộ hoa viên Nguyễn Thái Học vào trong công trình. Đặc biệt, khi giải “đề bài” - có độ mở tối đa nhằm phục vụ cộng đồng, nhà thiết kế đã không xây dựng hàng rào bảo vệ bao quanh, mà được tổ chức 4 lối tiếp cận công trình với các không gian chuyển tiếp đặc thù, gắn kết với các chức năng cụ thể. Không gian bên trong và bên ngoài được tổ chức đan xen vào nhau và theo hướng không gian mở.
Công nhân đang chăm sóc cây xanh ở khu vực đồi cỏ nhân tạo (phía đường Nguyễn Tất Thành) của Trung tâm Hội nghị tỉnh. Ảnh: HOÀI THU
Hướng tiếp cận chính được mở lối đi rộng rãi ở phía Nam công trình (tiếp giáp đường Trường Chinh) vào khu khán phòng có sức chứa 1.170 chỗ. Lối tiếp cận này được che phủ bởi một mái che lớn và cũng là nơi được sử dụng như một khán đài dành cho các sự kiện ngoài trời (như chiếu phim ngoài trời, biểu diễn nghệ thuật…). Hướng vào mở về phía Đông (tiếp giáp đường Nguyễn Tất Thành) có sự thân thiện kết hợp cảnh quan đẹp của khu “vườn đồi”, sẽ dễ dàng tiếp cận tất cả các phòng chức năng, đa năng của khu hội thảo, hội nghị, họp chuyên đề. Một lối khác về phía Bắc công trình (khu vườn hoa, cây xanh phía đường Nguyễn Thái Học) sẽ cho phép tiếp cận trực tiếp tới các phòng họp trong TTHNT, có một quán cà phê nhỏ và sẽ là một địa điểm ngoài trời để tổ chức biểu diễn các hoạt động sự kiện, văn hóa nghệ thuật phù hợp.
Với ưu thế là một đơn vị có năng lực, kinh nghiệm đẳng cấp quốc tế, lại tận dụng những hiểu biết về địa phương khi thiết kế và trang trí ICISE Quy Nhơn, Studio Milou đã kết hợp thêm các vật liệu địa phương một cách khéo léo, hòa quyện với nét tinh tế trong thiết kế để vừa gây ấn tượng mạnh mẽ, vừa tạo sự hòa quyện cao với cảnh quan xung quanh. Tất cả đã giúp TTHNT không chỉ trở thành nơi vừa có thể tổ chức được nhiều dạng sự kiện, hoạt động, vừa tạo ra một không gian sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn mà còn hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn độc đáo với du khách.
HOÀI THU
Rất đẹp tôi đã đi qua nhìn thấy và rất ngạc nhiên về kiến trúc, Chúc mừng tỉnh BĐ có một trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc tế.