“Vắt chanh bỏ vỏ”
“Vắt chanh bỏ vỏ” là thành ngữ quen thuộc của người Việt. Từ điển thành ngữ tiếng Việt phổ thông giảng: “Dùng người, bòn rút hết sức lực, trí tuệ đến khả năng, thì ruồng bỏ, phế truất không thương tiếc, ví như quả chanh vắt hết nước thì vứt bỏ vỏ đi” (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2002, tr.709). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đối tượng mà “chanh” ẩn dụ có phạm vi rộng hơn, không chỉ “người” mà còn là những đối tượng khác bị người ta ruồng bỏ, hắt hủi khi không còn giá trị lợi dụng.
Thật ra, trong việc vắt chanh, cái cần là nước [cốt] chanh. Cái không cần là vỏ chanh, vứt đi là đương nhiên. Thế nhưng, vỏ chanh là cái bao bọc, bảo vệ nước chanh. Thú vị ở chỗ, ông bà ta lại lấy việc vứt bỏ vỏ chanh để ví von cho sự vô ơn, lòng tráo trở, thói “ăn cháo đá bát” của người ta ở đời. Từ nét ví von này có thể thấy người Việt rất duy tình.
Liên quan đến “vắt chanh”, trong tiếng Việt còn có một thành ngữ khác là “đều như vắt chanh”. Trong câu này, hẳn nhiều người sẽ băn khoăn về hai tiếng “vắt chanh”. Thực tế, với mỗi miếng/ quả chanh khi vắt, nước vắt ra sẽ không đều (thường là giảm dần), lực vắt mỗi lần cũng khác. Vậy thì “đều” thế nào được?
Câu trên đúng ra phải là “đều như vắt tranh”. “Tranh” bị đọc thành “chanh” do lẫn lộn tr/ch. Còn “vắt” không phải là động từ, mà là một danh từ chỉ lượng, chỉ một đối tượng nào đó được vắt thành từng nắm/bó nhỏ (như một vắt xôi, ăn cơm vắt). Ngày trước, khi đánh tranh để lợp mái hoặc dựng vách, người ta nắm tranh thành từng bó nhỏ để bện vào hom. Để tấm tranh chắc, đẹp và không bị thấm nước, một trong các kỹ thuật cần có là vắt tranh phải đều nhau.
Ngày nay, nhà tranh không còn nhiều, người biết đánh tranh cũng chẳng còn mấy ai, mấy tiếng “vắt tranh”, “đánh tranh” dần trở nên xa lạ. Và có lẽ người ta cũng không còn dịp để được ngắm tấm tranh đẹp với những vắt tranh đều tăm tắp.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ