Nâng quyền lợi cho người khám, chữa bệnh BHYT
Từ ngày 1.3.2021, 8 trường hợp khám chữa bệnh BHYT được tính đúng tuyến; việc chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng từ tuyến dưới lên tuyến trên cũng thuận lợi hơn. Thông tin này được người dân vui mừng đón nhận.
Những quyền lợi trên được quy định tại Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 1.3.2021 (Thông tư 30) quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 146/2018 hướng dẫn Luật BHYT.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế ở TP Quy Nhơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh), Thông tư 30 quy định có 8 trường hợp được hưởng BHYT đúng tuyến, trong đó có những trường hợp dù đi khám chữa bệnh (KCB) khác nơi đã đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Đó là các trường hợp đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB ở các cơ sở cùng tuyến khác trong cùng địa bàn tỉnh. Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào trên cả nước. Trường hợp người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, tạm trú… KCB ban đầu tại cơ sở KCB cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở ghi trên thẻ BHYT cũng được thanh toán đúng tuyến. “Đáng chú ý, ngoài các nhóm đối tượng đã có trước đây thì bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng mới, bao gồm: Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến; người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể; trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra. Những điểm mới này đã mở rộng đối tượng KCB đúng tuyến, người bệnh được hưởng quyền lợi nhiều hơn so với quy định trước đây tại Thông tư 40/2015/TT-BYT”, bác sĩ Anh cho biết.
Chị Thái Thị Minh Ân, làm việc trong một DN có trụ sở tại TP Quy Nhơn, chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, nếu không có giấy chuyển viện, tôi đều phải đóng tiền vì trái tuyến. Với quy định mới từ ngày 1.3.2021, những người thường xuyên phải đi công tác như tôi sẽ không bị giới hạn nơi KCB mà được thông tuyến KCB BHYT. Còn ông Lê Minh Hải (TP Quy Nhơn) tâm đắc với quy định người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến vẫn được chi trả KCB BHYT đúng tuyến. Với việc “mở” ra quy định tạo thuận lợi rất nhiều, tránh tình trạng bệnh nhân tái khám theo giấy hẹn phải xin giấy chuyển viện rườm rà thủ tục.
Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra được hưởng mức khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.
Về mặt xã hội, thêm đối tượng được chi trả đúng tuyến BHYT, bệnh nhân được mở rộng điều kiện hưởng lợi BHYT tốt hơn. Song, ý kiến từ các cơ sở KCB vẫn còn nhiều băn khoăn. Theo một đại diện của BVĐK tỉnh, dù thông tư có quy định, nhưng rất dễ áp dụng mỗi nơi mỗi khác. Đơn cử như quy định người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào, cần quy định rõ thế nào là cấp cứu, bệnh nào là cấp cứu để khỏi phải cho bệnh nhân quay về nơi đăng ký KCB ban đầu xin giấy chuyển viện; còn nếu dễ dãi quá thì tuyến trên sẽ quá tải.
Đồng quan điểm, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình cho rằng, quy định cần cụ thể hơn để tránh quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên. Mặt khác, Thông tư 30 tăng quyền lợi cho các đối tượng KCB BHYT, nhưng phải có sự phối hợp kịp thời giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Ông Bình dẫn chứng đối với quy định chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng dành cho bệnh nhân BHYT từ tuyến dưới lên tuyến trên, cũng không dễ được cơ quan BHYT chấp nhận. Bởi phải chờ kết quả cận lâm sàng để đưa lên cổng giám định BHYT, mà tuyến trên không dễ trả kết quả ngay được, có khi có kết quả thì… bệnh nhân đã chuyển viện.
Bác sĩ Nguyễn Đức Anh cho hay, ngày 10.3, BHXH Việt Nam có hướng dẫn các cơ quan BHXH tỉnh, thành phố để thống nhất trong thực hiện toàn quốc quy định này. Cơ quan BHXH chủ động phối hợp với Sở Y tế, cơ sở KCB có liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB. Trường hợp khó khăn, vướng mắc sẽ báo cáo BHXH Việt Nam giải quyết.
MAI HOÀNG