Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn:
Thực hiện tốt nhiệm vụ kép, chuẩn bị phương án điều trị hậu Covid-19
Là bệnh viện chuyên khoa, ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn còn triển khai một số biện pháp riêng phù hợp với đặc thù và chuẩn bị cho công tác phục hồi chức năng hậu Covid-19.
Như các cơ sở y tế khác, để đảm bảo an toàn phòng dịch, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn triển khai phân luồng cho các trường hợp đến khám và điều trị. Dù vậy, sau tết Nguyên đán, Bệnh viện không test nhanh bệnh nhân đến khám mà chỉ thực hiện đối với các trường hợp nội trú và người nhà, tránh lạm dụng test nhanh vì có những thời điểm test nhanh rất khan hiếm. Nhưng bù vào đó, Bệnh viện tiếp tục tầm soát chặt chẽ các bệnh nhân và người nhà nếu có biểu hiện như sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ.
Bác sĩ Võ Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đ. THẢO
Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, cho biết: Bệnh viện vẫn thực hiện chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Hiện tại Bệnh viện có khoảng 90 bệnh nhân nội trú và 40 bệnh nhân ngoại trú. Sau tết Nguyên đán, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông. Khi đó một ngày có thể phẫu thuật gần 10 ca bệnh, một tuần có khoảng 50 ca phẫu thuật. Tuy nhiên hiện tại, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nên người bệnh e ngại, do đó số lượng đến khám chữa bệnh giảm khoảng 50% so với sau tết Nguyên đán.
“Từ năm 2022, Bệnh viện được sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh, đầu tư thêm một số phòng chức năng, đặc biệt có phòng phục hồi chức năng hậu Covid-19. Hiện tại dù cơ sở vật chất của phòng này chưa có nhưng Bệnh viện đã triển khai phương án và các khoa cũng có chương trình tập luyện phục hồi chức năng hậu Covid-19 nếu bệnh nhân có nhu cầu”, bác sĩ Võ Văn Việt cho biết thêm.
Tại Bệnh viện, khoa Phục hồi chức năng thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị tai biến, bệnh nhân bị chấn thương cột sống, xương cổ và những bệnh lý thoái hóa, những bệnh nhân cần phục hồi chức năng sau khi chấn thương. Đa số bệnh nhân phải điều trị nội trú dài ngày. Bác sĩ Trần Ngọc Sương, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng, chia sẻ: Để đảm bảo an toàn phòng dịch, chúng tôi cố gắng thực hiện tốt nguyên tắc 5K. Tùy vào tình hình bệnh nhân mà Khoa áp dụng quy định số lượng người nhà vào nuôi phù hợp, có thể hơn 1 người nhưng phải thực hiện chặt chẽ công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi dặn dò người nhà hạn chế tiếp xúc người bên ngoài; người chăm nuôi trước khi thay đổi đều phải test tầm soát SARS-CoV-2.
Chị Huỳnh Thị Phượng (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ), chăm sóc chồng là anh Hồ Văn Mỹ đang điều trị tại Bệnh viện, cho biết. “Chồng tôi bị bệnh phình động mạch não, không nói được và tay chân co cứng lại. May sau khi được phẫu thuật và được các bác sĩ luyện tập phục hồi giờ anh ấy đã nói được, 2 tay co duỗi bình thường, chỉ 2 chân còn cứng, các bác sĩ hướng dẫn luyện tập và dùng thuốc điều trị hằng ngày. Hy vọng chồng tôi sẽ nhanh khỏi. Trong thời gian ở viện, chúng tôi được nhắc nhở đeo khẩu trang, xịt sát khuẩn thường xuyên để phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi rất yên tâm”.
Về phục hồi chức năng hậu Covid-19, bác sĩ Trần Ngọc Sương cho biết thêm: Chúng tôi có thể hướng dẫn cho bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng thở, điều trị phục hồi chức năng về hô hấp. Ngoài ra, về chứng mất ngủ, đau đầu, tại đây có một số máy móc, phương tiện về vật lý trị liệu. Theo từng bệnh nhân mà chúng tôi chẩn đoán và có chỉ định cụ thể, nếu mỏi cơ xương khớp thì kỹ thuật viên có thể tác động vật lý trị liệu hoặc tập hỗ trợ thêm cho bệnh nhân.
ĐỖ THẢO