Kiểm soát IUU vì một nghề cá bền vững
Trong nỗ lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), sáng 14.6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị đối thoại về “Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân - cơ sở thu mua - doanh nghiệp và địa phương” nhằm trao đổi những thuận lợi và tháo gỡ những khó khăn trong tiến trình khắc phục thẻ vàng của EU đối với ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Ðịnh nói riêng.
Tìm gốc rễ nguyên nhân, giải quyết dứt điểm vi phạm
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thời gian qua, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các cấp, ngành, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ tàu cá, ngư dân cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình; duy trì và kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm IUU; kiên quyết xử lý các tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
100% tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đến nay, tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt hành chính 24 tàu cá với số tiền hơn 21,6 tỷ đồng, tịch thu 2 tàu cá bán sung vào công quỹ nhà nước 318 triệu đồng. Song, từ năm 2018 đến nay, tình trạng tàu cá của Bình Định vi phạm IUU vẫn còn. Riêng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 5 tàu/30 lao động vi phạm vùng biển Malaysia và đang bị nước bạn bắt giữ, 2 tàu cá/10 lao động bị lực lượng chấp pháp của Malaysia kiểm soát, tịch thu tài sản và thả tự do trên biển.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho hay: “Nhóm tàu vi phạm của Bình Định có đặc điểm là tàu dưới 15 m, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp phép hoạt động ở vùng lộng và nhiều năm liền không trở về địa phương”.
Từ những điểm chung như vậy, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: “Vấn đề vi phạm IUU ở Bình Định đã tìm ra được nguyên nhân gốc rễ, bóc tách ra từng điểm để tháo gỡ nhằm đi tới giải quyết dứt điểm. Sở tham mưu UBND tỉnh quyết liệt trong xử lý vi phạm để răn đe, đồng thời tiếp tục chia sẻ, đồng hành với ngư dân. Đặc biệt, trong tình hình giá cả nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, giá bán sản phẩm không tăng, nguy cơ về giảm nguồn lợi thủy sản là vấn đề mà chúng ta ngồi lại với nhau hôm nay để tìm giải pháp tháo gỡ”.
Nỗ lực từ nhiều phía
Vi phạm IUU không phải là câu chuyện riêng của ngư dân mà là vấn đề lớn ảnh hưởng tới hoạt động chung của ngành Thủy sản cả nước. Khi còn một địa phương bị cảnh báo, thì cả ngành Thủy sản Việt Nam đều phải đối mặt với nguy cơ bị cấm xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang EU; đồng thời gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới. Đầu ra bị nghẽn sẽ tạo thêm áp lực lên ngư dân, sinh kế bị ảnh hưởng, việc hành động vì một nghề cá bền vững, có trách nhiệm vốn khó càng thêm khó.
Qua 2 ngày làm việc, theo đánh giá từ VASEP, Bình Định đã và đang làm tốt từ khâu tuyên truyền, hỗ trợ, cam kết định hướng ngư dân trong thực thi Luật Thủy sản 2017 và kiểm soát IUU. Với đội tàu lớn, trong đó 100% tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ngư dân Bình Định từ việc không có thói quen ghi chép nhật ký nay đã tuân thủ nghiêm túc việc ghi chép nhật ký khai thác, thực hiện các yêu theo đúng quy định… Điểm bất cập là do thực hiện thủ công dẫn đến thiếu giấy tờ, thiếu thông tin, từ đó khó khăn trong xác thực nguồn gốc sản phẩm. Trong bối cảnh này, việc số hóa dữ liệu khai thác trở thành một trong những giải pháp để ngư dân thuận lợi, giảm thiểu việc ghi chép, đảm bảo minh bạch thông tin; cơ quan nhà nước kiểm soát hiệu quả; cơ sở thu mua xác định được nguồn gốc, DN chế biến và xuất khẩu tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, cho hay: “Qua làm việc với Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá, DN và ngư dân địa phương, tôi khẳng định Bình Định đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát IUU. Vấn đề vi phạm IUU đã tìm ra được nguyên nhân cụ thể, và đó là cơ sở để Bình Định triển khai giải pháp ngăn chặn. Về phía VASEP, chúng tôi nhận thấy hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng để kiến nghị, đề xuất về số hóa dữ liệu khai thác để mỗi con cá trên mỗi chuyến tàu của ngư dân đều được kiểm chứng đầy đủ, hợp pháp. Bình Định chủ động xây dựng, kết nối phần mềm số hóa dữ liệu cho đội tàu, kết nối được với dữ liệu của bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, Bình Định nên có giải pháp xây dựng chợ đấu giá cá, nâng tầm chất lượng và giá sản phẩm, khuyến khích ngư dân ứng dụng công nghệ, nhằm tăng giá bán, tăng hiệu quả kinh tế, kéo giảm vi phạm”.
Về phía tỉnh Bình Định, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Vãn Phúc chia sẻ: “Trong nỗ lực kiểm soát IUU, trước mắt ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực thi đúng Luật Thủy sản 2017. Về lâu dài, những giải pháp căn cơ như chuyển đổi nghề phù hợp, đánh bắt đúng quy trình, thời vụ, ngư trường để bảo tồn nguồn lợi thủy sản sẽ được tính toán triển khai phù hợp. Cùng với đó, để ngư dân đầu tư công nghệ, tăng chất lượng, đánh bắt có chọn lọc, Sở tham mưu để xây dựng các chợ đấu giá, phân loại bán sản phẩm theo chất lượng; hỗ trợ ngư dân trong bảo vệ quyền lợi như triển khai chính sách bảo hiểm, chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ”.
“Để gỡ thẻ vàng, buộc Việt Nam phải kiểm soát IUU. Nếu vi phạm thì không gỡ được thẻ vàng và nguy cơ sẽ bị thẻ đỏ. Trường hợp thủy sản Việt Nam bị rút thẻ đỏ sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền tiêu cực cho cả ngành Thủy sản Việt Nam, đó là DN thiếu nguyên liệu sản xuất, không xuất hàng được đi các thị trường, ngư dân không bán được sản phẩm. Tính về mặt tài chính, nếu bị thẻ đỏ, Việt Nam đối diện với nguy cơ mất 3,5 tỷ USD xuất khẩu hải sản ngay trong năm 2022”.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP
“Cảnh báo thẻ vàng của EU làm cho DN gặp khó, đặc biệt là chứng nhận về SC và CC. Chẳng hạn muốn xuất khẩu một lô hàng phải đảm bảo đầy đủ SC và CC, tuy nhiên nhiều trường hợp vì thiếu nên hàng nằm kho mà hàng xuất không có, hệ lụy kéo theo là tăng chi phí trong bảo quản, hoạt động, thanh khoản…”.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định
“Kiểm soát IUU phải đi liền với ổn định cuộc sống cho ngư dân. Vì vậy cùng với tuyên truyền chính sách, chúng tôi cũng mong muốn phải có giải pháp cụ thể để ngư dân sống được với nghề”.
Ngư dân Đỗ Kim Dũng, TP Quy Nhơn
THU DỊU